Anh Lê Trường Giang (SN 1980, trú tại thôn Lệ Kỳ 1, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) được nhiều người cảm phục bởi nghị lực phi thường. Dù tàn tật nhưng anh đã vượt lên số phận và luôn "cháy" hết mình với niềm đam mê nghệ thuật.
Anh Giang chia sẻ, năm lên 9 tuổi, trong lúc chăn trâu, anh không may đụng phải bom mìn sót lại sau chiến tranh, thương tích nghiêm trọng. Sau thời gian dài chạy chữa, anh Giang giữ lại được mạng sống nhưng người chi chít vết thương và liệt một phần cơ thể.
Sau khi gặp nạn, thân thể yếu, bệnh tật quanh năm nên anh cũng không thể làm công việc nặng nhọc. Nhìn bố mẹ ngày một già, tóc bạc, lưng lại thêm còng, anh Giang không muốn mình mãi là gánh nặng của người thân nên tự nhủ phải cố gắng làm được việc gì có ý nghĩa để bản thân "tàn nhưng không phế".
Sẵn có năng khiếu và niềm đam mê đặc biệt với nghệ thuật, anh đã tìm tòi và sáng tạo ra những sản phẩm để vừa thỏa mãn đam mê của bản thân, vừa có thu nhập để trang trải cuộc sống, giảm bớt gánh nặng cho bố, mẹ.
Với đôi tay tài hoa, anh Giang đã tự mày mò, học hỏi và kiên trì tập luyện để tạo ra những tác phẩm của riêng mình. Đầu tiên anh tự học tạc tượng đá, làm tượng bằng gốm và cũng đã gặt hái được một số thành quả ngoài mong đợi khi có thể tạo ra những sản phẩm đa dạng về hình dáng và kích cỡ.
Được nhiều người động viên, anh Giang càng có động lực hơn để tiếp tục tìm tòi, sáng tạo, anh vừa học vẽ tranh, vừa học điêu khắc rồi đến làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ...
Một trong những thành công của anh Lê Trường Giang đến thời điểm này chính là biến những hạt gạo vô tri thành các bức tranh nghệ thuật có giá trị, được nhiều người chú ý, ưa chuộng.
Anh Giang biết đến nghề làm tranh từ gạo cách đây khoảng 8 năm và quyết tâm học hỏi, tập làm theo. Với sự chịu khó, đôi bàn tay khéo léo, những bức tranh từ gạo của anh Giang dần thành hình, ngày một đẹp và có chất lượng hơn.
"Làm tranh gạo bắt buộc phải tỉ mỉ, cẩn thận và có tính kiên trì. Làm tranh gạo này cũng giúp mình rất nhiều trong việc rèn luyện tâm trí. Mình làm vì đam mê của bản thân và một phần có thể kiếm thêm thu nhập. Mọi người yêu tranh của mình là vui rồi, chứ cũng chẳng dám nhận là họa sỹ gì đâu", anh Giang khiêm tốn.
Để có nguyên liệu làm tranh gạo, anh Giang ra chợ, chọn mua các loại gạo phù hợp, sàng lọc những hạt có hình dáng nguyên vẹn, chất lượng. Khi có đủ nguyên liệu, anh sẽ phác thảo bức tranh mong muốn trên giấy cứng hoặc ván ép rồi tỉ mỉ gắp từng hạt gạo gắn lên nền bức vẽ đã được phết keo sữa, cuối cùng là phun sơn PU để bảo quản tranh tốt hơn.
Nghe thì dễ nhưng theo anh Giang, làm tranh gạo cần sự tỉ mẩn, kỳ công và kinh nghiệm. Những nỗ lực của người đàn ông tật nguyền đã được đền đáp xứng đáng khi tranh của anh tạo ra được nhiều người ưa thích, đánh giá cao. Các đơn đặt hàng cũng cứ thế ngày một nhiều hơn, làm đến đâu bán hết đến đó.
Từ việc chứng minh bản thân có thể làm được điều ý nghĩa, anh Giang còn có thêm thu nhập để phụ giúp gia đình. Mỗi bức tranh anh Giang thường làm trong khoảng thời gian 10-15 ngày tùy theo kích cỡ, giá bán dao động 2-6 triệu đồng tùy loại. Bên cạnh tranh gạo, anh Giang còn vẽ những bức tranh nghệ thuật, phong cảnh đầy màu sắc.
"Trung bình mỗi tháng mình làm được 3-5 bức tranh gạo. Thu nhập là một phần, nhưng quan trọng là sản phẩm tạo ra được nhiều người yêu thích chính là động lực lớn với mình", anh Giang chia sẻ.
Thời gian đầu, khi ít người biết đến, đầu ra sản phẩm của anh Giang khá bấp bênh, tuy nhiên dần dần, qua mạng xã hội, tranh của anh được biết đến rộng rãi hơn, dễ dàng tiêu thụ hơn. Sau thời gian dài gắn bó với việc làm tranh từ gạo, đến nay anh đã làm và bán được gần 500 trăm bức tranh. Nhiều người mua tranh, trả giá cao cũng một phần ủng hộ và khâm phục nghị lực của người đàn ông khuyết tật này.
Không chỉ giúp bản thân, gia đình anh Giang còn mong muốn ngày nào đó sẽ hỗ trợ, dạy nghề cho nhiều người cùng hoàn cảnh để họ có thêm thu nhập và cuộc sống thêm ý nghĩa.
Theo ông Đỗ Mười, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ninh, anh Giang là hội viên tiêu biểu của Hội người khuyết tật xã này. Là nạn nhân bom mìn, phải gánh chịu di chứng nặng nề nhưng anh Giang chưa từng đầu hàng số phận, luôn lạc quan và nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
"Thời gian qua, chính quyền rất quan tâm, tạo sinh kế cho những người khuyết tật như anh Giang. Bản thân anh Giang là một người có tư duy nghệ thuật và năng khiếu hội họa, do đó anh đã tạo ra những sản phẩm đặc sắc, nhiều người quan tâm, chúng tôi cũng luôn hỗ trợ giới thiệu tranh gạo của anh Giang đến với nhiều người hơn nữa để anh có thêm thu nhập từ công sức lao động của mình", ông Mười nói.
Với những nỗ lực để vượt qua khó khăn, vươn lên trong lao động, anh Lê Trường Giang được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen.
Theo Dân Trí
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự