Di sản Sài Gòn 300 năm: ‘Dinh Thượng thơ’ 120 tuổi

Thứ tư - 11/12/2019 21:17
Tồn tại hơn trăm năm, Dinh Thượng thơ - công trình kiến trúc có vai trò chỉ đứng sau Dinh Norodom (Dinh Thống Nhất) nay buộc TP phải căng óc giải bài toán di dời và bảo tồn.
Di sản Sài Gòn 300 năm: ‘Dinh Thượng thơ’ 120 tuổi

Dinh Thượng thơ của thành Gia Định xưa được xây dựng vào những năm 1860, nằm đối diện Dinh Thống đốc. Ngày nay, Dinh Thượng thơ trở thành tòa nhà trụ sở Sở TT-TT và Sở Công Thương, địa chỉ 59-61 Lý Tự Trọng, quận 1, TP HCM ngay góc Đồng Khởi.

Cổng thành Quy thời chúa Nguyễn Ánh

“Dinh Thượng thơ”, cái tên gọi một chốn thân quen của người Sài Gòn nằm ở góc đường Tự Do, gợi cho nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển buổi sinh thời liên tưởng đến cảnh vua chúa rong chơi và viết lại trong cuốn Sài Gòn năm xưa: “Cuối đường Tự Do, tại bến đò qua chợ Thủ Thiêm thì có “Thủy các” và “Lương tạ” là nhà tắm của vua, cất trên bè tre”. 

Ông cũng hình dung ra quang cảnh của Dinh Thượng thơ thời bấy giờ: “Lúc chưa có xe ôtô lộng lẫy thì đi đó đi đây toàn là “cuốc bộ”, sang lắm mới được xe kiếng, xe song mã… Bởi các cớ ấy nên khúc đường từ Dinh Thượng thơ đổ qua Dinh Phó soái rồi ăn xuống tới Cột cờ Thủ Ngữ là xa mút tí tè”.

Mấy năm nay, khi TP chuẩn bị quy hoạch kiến trúc các công trình trong khu trung tâm hành chính TP bao gồm kế hoạch di dời và bảo tồn tòa nhà 59-61 Lý Tự Trọng - tức Dinh Thượng thơ xưa thì nhiều người liên tưởng đến sự thay đổi trong nội ô thành Quy mà chúa Nguyễn Ánh cho xây dựng.

Là bởi khuôn viên UBND TP vốn có một vị trí đặc biệt trong không gian đô thị Sài Gòn từ những buổi đầu: Nó là một phần của thành Quy và là điểm cuối của một con kinh dẫn thẳng ra sông Sài Gòn. Thành Bát Quái - thành Quy tồn tại từ năm 1790 do Nguyễn Ánh xây dựng trên khu đất gò thôn Tân Khai để thiết lập Gia Định kinh với chu vi 3,8 km cho đến khi bị phá hủy năm 1835. 

Thành được xây theo kiểu Vauban bằng đá tảng Biên Hòa, gạch nung, hay đắp bằng đất tùy chỗ, do Lebrun vẽ họa đồ và kỹ sư Victor Olivier de Puymanel trông coi việc xây dựng.

Hiện ngã tư Lê Thánh Tôn - Pasteur là góc phía nam của thành và đoạn đường Đồng Khởi từ Lý Tự Trọng đến Lê Thánh Tôn chính là một trong tám cổng thành, do đó ngay ô đất UBND TP hiện tại, đường Pasteur và Đồng Khởi có một độ dốc xuống nhẹ khi ra khỏi khu vực thành cũ. 

Trong đợt khảo sát năm 1926, Jean Bouchot đã khám phá một phần di tích bức tường thành này ở một hố khai quật tại góc đường Đồng Khởi - Lý Tự Trọng, tức ngay vị trí tòa nhà 59-61 Lý Tự Trọng.

Nhiều lần thay tên đổi chủ

Tòa nhà 59-61 Lý Tự Trọng trước đây là tòa nhà Nha giám đốc Nội vụ, người dân gọi là Dinh Thượng thơ, do chính quyền xứ Nam Kỳ xây vào những năm 1860 với vai trò điều hành trực tiếp của các thanh tra sự vụ bản xứ về toàn bộ vấn đề dân sự, tư pháp và tài chính của thuộc địa.

Cho đến năm 1888, chức năng của cơ quan này được nhập vào Thơ Ký Thống đốc Nam kỳ (vị trí 213 Đồng Khởi) và bản đồ năm 1890 cho thấy một tòa nhà quy mô lớn hơn được xây dựng như hiện nay. Vào đầu thế kỷ 20, cơ quan này còn có tên là Văn phòng Chính phủ.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, tòa nhà có một giai đoạn ngắn được dùng làm trụ sở Bộ Nội vụ, kể từ năm 1955 là Bộ Kinh tế của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Tòa nhà còn xuất hiện trong phim Người Mỹ thầm lặng bản năm 1958.

Tòa nhà được xây theo kiến trúc thuộc địa Pháp, nay đã hơn 120 năm tuổi và vẫn giữ được chiếc cổng sắt được thiết kế tinh xảo và lối vào lát đá xanh.

Di dời hay bảo tồn vị trí?

Công trình khu hành chính mới của UBND TP được xây dựng trên ô phố rộng khoảng 18.000 m2, bao quanh bởi các tuyến đường Lê Thánh Tôn - Đồng Khởi - Lý Tự Trọng - Pasteur, dự kiến sẽ bố trí tám cơ quan nhà nước (Văn phòng UBND TP, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP, Sở Nội vụ, Sở Thông tin - Truyền thông, Sở Công Thương, Ban đổi mới doanh nghiệp, Sở TN&MT và Sở GTVT), tương lai có khoảng 1.700 người làm việc.

Hiện hữu trong ô phố này có hai công trình kiến trúc cổ được xây dựng vào thế kỷ 19: Tòa nhà trụ sở UBND, HĐND TP (86 Lê Thánh Tôn) và tòa nhà trụ sở Sở Thông tin - Truyền thông (59-61 Lý Tự Trọng). Khi xây mới khu hành chính, một vấn đề được dư luận quan tâm là “số phận” của hai công trình này sẽ như thế nào.

Ngày 14/8/2014, UBND TP ban hành quyết định duyệt nhiệm vụ thiết kế để tổ chức thi tuyển phương án thiết kế khu hành chính mới. Trên cơ sở này, đến 17/11/2014 Sở Quy hoạch - Kiến trúc tổ chức hội nghị chính thức cung cấp thông tin cho cuộc thi tuyển chọn phương án thiết kế quy hoạch tổng mặt bằng 1/500. 

Theo đề bài mà Sở Quy hoạch - Kiến trúc công bố, trong phần yêu cầu thiết kế kiến trúc khu hành chính mới thì tòa nhà trụ sở chính của UBND, HĐND TP được bảo tồn; tòa nhà 59-61 Lý Tự Trọng chỉ yêu cầu nghiên cứu bảo tồn mặt đứng.

Tòa nhà 59-61 Lý Tự Trọng có kết cấu còn nguyên vẹn và hiện là nơi làm việc của hàng trăm cán bộ, công chức. Nếu chỉ yêu cầu nghiên cứu bảo tồn mặt đứng thì về căn bản tổng thể kiến trúc sẽ không còn được nguyên vẹn. Và một vấn đề rất đáng phải quan tâm là kiến trúc mới sẽ “ăn nhập” ra sao với phần còn lại của kiến trúc cổ.

Theo giới kiến trúc sư TP, giá trị bảo tồn công trình cổ nằm ở chỗ giữ nguyên vẹn cả về kiến trúc lẫn không gian đô thị xung quanh. Trong vòng bán kính 500 - 1.000 m tính từ vị trí xây dựng khu hành chính mới được xem là vùng lõi, hiện hữu nhiều công trình kiến trúc cổ với “tuổi đời” đều trên 100 năm, trở thành biểu tượng của TP.HCM như nhà thờ Đức Bà, Dinh Thống Nhất, Nhà hát TP, Bưu điện TP, chợ Bến Thành...

Ông Lê Thái Hỷ - Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP đã gửi văn bản cho Thường trực UBND TP kiến nghị bảo tồn nguyên trạng kiến trúc và vị trí tòa nhà 59-61 Lý Tự Trọng. Theo ông Hỷ, công năng sử dụng của tòa nhà vẫn còn tốt. Khi đã bảo tồn có thể bố trí sử dụng làm trụ sở tiếp khách quốc tế hoặc tiếp dân trên địa bàn TP.

Trước những ý kiến liên quan đến việc bảo tồn tòa nhà, có thông tin UBND TP sẽ tham vấn các nhà nghiên cứu về giá trị lịch sử của tòa nhà để xem xét, quyết định phương án cụ thể về việc bảo tồn. Do đó hiện nay chưa thể kết luận được “số phận” của tòa nhà là giữ nguyên hay tháo dỡ.

Dời tòa nhà vào chính giữa hai đường Pasteur và Đồng Khởi

Sau khi tổ chức cuộc thi về ý tưởng sáng tạo phương án thiết kế khu trung tâm hành chính mới của TP HCM, lãnh đạo UBND TP cơ bản thống nhất chọn phương án của Công ty Nikken Sekkei để làm đồ án thiết kế xây dựng trong thời gian tới.

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP, về hình thức kiến trúc, phương án của Công ty Nikken Sekkei đề xuất để tôn tạo công trình bảo tồn - trụ sở HĐND và UBND TP (khối A), khối nền không nên quá đồ sộ ngay phía sau công trình này và tốt nhất công trình bảo tồn được nổi bật trên nền trời TP. Do đó phương án đã tách khối nền thành hai khối công trình cao tầng nằm hai bên.

Khối nhà ngay phía sau công trình bảo tồn khối A là công trình bảo tồn phía đường Lý Tự Trọng - Đồng Khởi (khối D, hiện là tòa nhà 59-61 Lý Tự Trọng) di dời sang nhưng có chiều cao tương đương công trình khối A.

Cách bố trí này tạo ra hai khối nền đối xứng qua trục chính của mặt đứng công trình khối A, che chắn các công trình đã xây dựng nhô lên phía sau công trình khối A. Đồng thời để phần tháp chính và cột cờ của công trình khối A nổi bật trên nền trời TP.

Về phân khu chức năng: Khu vực làm việc các sở, ngành sử dụng hai khối nền cao tầng kết hợp với tòa nhà D di dời sang vị trí mới. Khu vực trụ sở của HĐND và UBND TP sử dụng tòa nhà A (mặt tiền hiện hữu 86 Lê Thánh Tôn) kết hợp với phòng báo chí, hội trường xây mới trên tầng 2.

Như vậy, căn cứ theo phương án này trụ sở HĐND và UBND TP hiện hữu được giữ nguyên. Trong khi đó, giải pháp bảo tồn tòa nhà 59-61 Lý Tự Trọng là di dời vào chính giữa hai đường Pasteur và Đồng Khởi.

Nguồn tin: zing.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây