Hồ hởi rảo bước rẽ qua một loạt các nhà có vườn rau Việt để “thăm khám”, chị Liên cảm thấy vui khôn xiết khi người dân nơi đây đã tự ý thức chăm cho vườn rau của mình. Những luống rau muống xanh mướt.
Lần đầu với “rau muống xào tỏi”
Chị Liên bảo, sở dĩ rau muống được chọn để trồng trên mảnh đất Trung Phi cằn cỗi này đầu tiên bởi đây là loại rau dễ trồng, vùi dập mấy cũng vẫn gắng sức vươn lên. Để thấy thành quả ngay mỗi nhà có vườn chị đều tặng họ một luống rau muống đã. Ai cũng hồ hởi. Rau Việt đất Phi, mọc nhanh như mạ. Nhìn đã thấy thích mắt rồi. Rồi chị sẽ bàn giao cho họ “công thức gia truyền” món “rau muống xào tỏi” tuyệt ngon của người Việt.
Khi đặt chân tới Trung Phi trong vai trò thành viên của phái bộ gìn giữ hòa bình Việt Nam cách đây 3 tháng, chị Liên chẳng thể ngờ những hạt đỗ mang từ quê nhà sang để làm giá đỗ lại được chuyển đổi mục đích, nảy mầm trên đất Trung Phi.
Nữ trung tá càng không nghĩ tới sẽ tìm được một người dân bản địa để “truyền nghề” và ấp ủ ý định đào tạo anh này trở thành một ông tổ nghề nối nghiệp “gieo, ươm hạt giống rau”.
Người Trung Phi quanh năm ngày tháng ăn bột sắn. Củ sắn phơi nghiền thành bột. Đun nước sôi rồi cho bột vào trộn cho ngấm nước. Ngoáy kỹ bột sẽ ngấm đều nước quện vào nhau, xúc từng cục như cái bánh rồi ăn. Canh cũng từ bột sắn nấu loãng, băm rau cho vào, thêm ít dầu chàm. Bữa ăn chỉ có vậy.
Từ khi có đỗ và rau muống mà chị Liên hướng dẫn trồng và thu hoạch, bữa ăn của họ trở nên phong phú, xanh và ngon hơn.
“Mọi người quây quần đợi chờ, người thổi bếp, người bóc tỏi, rồi liên tục hỏi tên rau là gì? Mình bảo cứ gọi là muống Việt cho dễ nhớ nhau. Thế là Muống Việt đã vượt biên hợp pháp và nhập tịch Trung Phi không phải bằng container mà bằng túi nylon. May mà trót lọt, sự sống lại sinh sôi”, nữ trung tá Việt Nam chia sẻ về bữa ăn cùng bà con người bản địa với món rau Việt thu hoạch trên đất Phi đầu tiên hôm cuối tháng 10 vừa qua sau mấy tuần canh tác.
Chị Liên giúp người dân Trung Phi cải tạo vườn chuẩn bị trồng rau. (Ảnh: Facebook nhân vật).
Giờ đây, cứ mỗi Chủ nhật, người dân địa phương lại ngóng chờ chị còn hơn mong mẹ về chợ. Họ giơ ngón tay, cụp lại từng ngón, đếm từng ngày nữ sĩ quan Việt Nam tới để cùng làm đất, gieo hạt, đổ mồ hôi trên những luống rau.
Ông chủ Đậu Xanh
Còn nhớ cách đây 3 tháng khi mới chân ướt chân ráo tới Trung Phi, chị Liên phải khó khăn lắm mới “gạ” được một gia đình để chị trồng đỗ, giúp họ cải thiện bữa ăn hàng ngày.
“Dù đã nhờ một thổ dân đàm phán với gia đình nhưng đến nơi họ chỉ cho mình trồng trong diện tích bằng cái chiếu đôi. Giải thích mãi bà chủ nhà vẫn không đồng ý”, chị Liên nhớ lại.
Mãi cho tới khi chị cho họ uống thử bột đậu xanh, gia đình này mới hồi tâm chuyển ý. Anh con trai ban đầu chỉ đứng từ xa quan sát sau lại hăng hái cầm cuốc vạch ra diện tích to gấp 6 lần so với ban đầu và thậm chí thủ thỉ rằng mong muốn trở thành ông chủ Đỗ Xanh.
“Nó miệt mài cuốc và trong đầu nó đã xuất hiện một ước mơ làm ông chủ Đỗ Xanh. Mình bảo ‘làm mảnh vườn thật đẹp khi đỗ lên được thu hoạch chị sẽ dạy cậu cách chế biến. Rồi cứ mời dân làng đến đây cho họ chiêm ngưỡng mảnh vườn. Họ thấy thích thì cậu bán hạt giống. Thế là cậu trở thành nhà kinh doanh và thu được tiền’”, chị Liên vui vẻ kể về người “học trò” nuôi mộng làm giàu từ món rau Việt, trở thành ông chủ Đỗ Xanh.
(Ảnh: Facebook nhân vật).
Quyết tâm từ đó được tiếp sức, anh chàng trở nên hăng hái hơn, mong ngóng hơn những cuối tuần. Bởi cứ mỗi tuần qua đi, anh được mặc áo cờ đỏ sao vàng, học cách làm đất, đánh luống, tra hạt, pha nước tiêu tưới cây hay lấy tro bón để cây tăng dần độ cứng cáp, tránh sâu bọ.
Khi đỗ sai trĩu hạt, anh vui như mở cờ trong bụng. Tới khi cây bị rệp ăn, anh lo âu, thất thần lo nghĩ cách đối phó. Giờ đây, ông chủ Đỗ Xanh cũng ấp ủ trong mình ý định tăng gia sản xuất, mở rộng diện tích gieo trồng hạt giống lên tới… 1 ha.
(Ảnh: Facebook nhân vật).
Không chỉ dừng lại ở rau muống hay đỗ và anh học trò này, chị Liên dạy bà con gieo hạt cà, dựng giàn bí, ươm hạt rau dền, bác giàn mồng tơi. Giờ đây, những mảnh vườn mà chị cùng đồng đội cuốc đất trồng khi vừa đặt chân đến Cộng hòa Trung Phi đã xanh mướt với đủ các loại rau muống, mồng tơi, đủ màu sắc của các loại hoa cúc, thược dược, hoa cà, hoa cải...
Với chị Liên, những ngày cuối tuần cũng vì thế mà trở nên tươi đẹp hơn. Bất chấp an ninh trong tình trạng báo động đỏ do xung đột, chị chưa bao giờ quên cái hẹn với bà con, với “ông chủ Đỗ Xanh”.
Màu xanh hy vọng
Nữ sĩ quan Việt Nam không giấu được niềm vui khi kỹ thuật trồng rau tưởng như đã mai một lại có cơ hội sống lại trên lục địa đen ở mảnh đất còn chìm trong loạn lạc. Nhưng chị cũng không khỏi nghẹn lòng khi chứng kiến cảnh người dân mót từng lá mồng tơi khi phá giàn.
Rau Việt phủ xanh những mảnh vườn nhỏ trên đất Trung Phi cằn cỗi. (Ảnh: Facebook nhân vật).
Họ lẽ ra phải được sống một cuộc sống bình yên, có cơm ngon để ăn, áo đẹp để mặc nếu những thủ lĩnh Trung Phi thôi xông vào tranh giành quyền lực.
“Hãy nghĩ đến những mảnh đời khổ đau của dân đi mà chí thú làm ăn. Mỗi một sinh linh được sinh ra đều có quyền được sống và được mưu cầu hạnh phúc. Đằng này cứ xung đột chặt đầu xé xác tra tấn như thời trung cổ. Thật đau lòng. Nhà cửa hoang tàn, dân chúng đói rách. Cơm không có mà ăn, trẻ em quần áo không có mà mặc. Ai may mắn được nhận chiếc áo cờ đỏ sao vàng của Việt Nam thì như mở cờ trong bụng. Những người không có thì cứ tị nạnh mong mỏi”, chị Liên tâm sự.
Chuyến đi tới Trung Phi lần này là một trong những hành trình khó quên nhất trong đời binh nghiệp của nữ sĩ quan Việt Nam. Chị Liên bảo, chị luôn thấy cảm ơn cuộc đời vì đã cho chị đủ ba chữ “C” – Chance (Cơ hội), Choice (Lựa chọn) và Change (Đổi thay). Hạt giống – Niềm tin chị gieo trồng trên mảnh đất Trung Phi nghèo đói đã sinh sôi, đơm hoa, kết trái.
Từ những giọt mồ hôi hăng say lao động, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, niềm vui lan tỏa, tình hữu nghị đâm chồi, phát triển. Hình ảnh người Việt Nam, Bộ đội Cụ Hồ cũng nhờ thế mà càng thêm được khẳng định, yêu mến và tôn trọng ở mảnh đất này.
Lãnh đạo Liên hợp quốc, Đại tá Benedict Mwololo người Kenya - phụ trách hơn 4000 quân tại phái bộ Cộng hòa Trung Phi tới thăm vườn rau của những sĩ quan mũ nồi xanh Việt.
Ông đánh giá cao tinh thần nhân ái và tính cần cù chịu thương chịu khó của bộ đội Việt Nam. Ông rất ngạc nhiên với các tài vặt hiến kế sinh tồn của bộ đội Việt Nam, trong đó cách làm giá đỗ xanh bằng vỏ hộp sữa đã làm ông tò mò và xin để làm thử. Thậm chí, ông ước muốn cũng có một vườn rau Việt Nam nho nhỏ…
Đúng là: Bộ đội Cụ Hồ đi đến đâu là có màu xanh đến đó. Màu xanh của niềm tin, hoà bình, hữu nghị!