Chùa Diên Hựu và những nhầm lẫn thành “chùa” Một Cột

Thứ hai - 16/12/2019 16:03
Ngay sau khi chiếm Hà Nội năm 1882, thực dân Pháp đã cho quân vào đóng trong các ngôi chùa để đảm bảo an toàn, khỏi bị dân chúng phản kháng tấn công.
Chùa Diên Hựu và những nhầm lẫn thành “chùa” Một Cột

Thấy những bức tượng tô son thếp vàng, nhiều người Pháp đã chiếm hữu, kể cả những đồ vật có giá trị khác, đồng thời một số người kém hiểu biết và kỳ thị văn hóa bản địa đã phá hủy khiến hầu hết chùa chiền tan hoang, không người cúng viếng. Về sau, với chủ trương phá những công trình không rõ chủ sở hữu, không phải bồi thường, chiếm đất bán cho những người muốn làm nhà hoặc để xây dựng công trình, đường xá… chùa chiền bị tàn phá đầu tiên.

Rất may, trong khoảng thời gian đầu của kế hoạch khai thác thuộc địa, chùa Diên Hựu còn nằm ngoài khu vực bị nhòm ngó.

Kể từ khi Paul Doumer (người đã cho làm cầu Long Biên) sang làm toàn quyền Đông Dương cùng những nhà khoa học sáng suốt người Pháp trong Viện Viễn Đông Bác Cổ (École française d’Extrême-Orient, viết tắt là EFEO), người ta đã chú ý giữ lại những công trình, kiến trúc độc đáo của Đông Dương nói chung và Hà Nội nói riêng. Và chùa Diên Hựu đã được đưa vào danh sách những công trình cần bảo vệ đặc biệt.

Mặc dù trên danh nghĩa, việc quản lý chùa do các nhà sư Việt trụ trì, thế nhưng việc trùng tu, sửa chữa thì lại phải tiến hành theo một quy trình cực kỳ chặt chẽ. Chỉ có điều đáng tiếc là có lẽ do một sự vội vàng bất cẩn nào đó, dường như người Pháp đã đặt tên cho công trình này là “Chùa Một Cột” (Pagoda au pilier unique, nguyên văn là “chùa” trên cột duy nhất), và từ đó dân ta cứ thế mà vô tư dịch ngược lại là “chùa” một cột.

Có nhầm lẫn gì ở đây?

Trước hết, đó là do sự kém hiểu biết về Phật giáo. Tiếp theo là sự hời hợt về lịch sử ngôi chùa, hoặc lười tra cứu tài liệu, hoặc từ một số nhận thức chưa thấu đáo của tiền nhân khi điều kiện tra cứu thông tin buổi xưa khó khăn, hạn chế. Vậy lịch sử của chùa là như thế nào?

Ngày nay, chúng ta dễ dàng tra cứu rằng, Đại Việt sử ký toàn thư (thường được gọi tắt là Toàn thư) là bộ chính sử Việt Nam xưa nhất còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay. Tuy còn nhiều sự kiện cũng chưa được chính xác, song vẫn có thể cho biết những nét căn bản.

Đó là vào năm 1049 thời vua Lý Thái Tông, từ câu chuyện về giấc mơ, nhà vua đã cho xây một quần thể chùa được đặt tên là Diên Hựu (延祐寺 – Diên hựu tự) với nghĩa Phúc lành (祐 – hựu) dài lâu (延 – diên). Trong quần thể đó, nổi bật và cũng độc đáo có một Đài Sen được gọi là Liên hoa đài (蓮花臺).

Đài Hoa Sen là một kiến trúc tiêu biểu, phổ biến trong Phật giáo, để tôn sùng địa vị, để thờ cúng đức Phật hoặc chư vị Bồ Tát. Trong tiếng Hán, “đài – 臺” có nghĩa là một lầu cao, để có thể nhìn ra bốn phía. Trên đài sen thường có Phật Thích Ca hoặc Quan Thế Âm ngự.

Kiến trúc này còn được Lý Thánh Tông cho lặp lại năm 1058 trước điện Linh Quang, nhưng là lầu chuông với cột sáu cạnh cũng tượng trưng cho một bông sen.

Nhiều nhà nghiên cứu cố tình liên tưởng đến Nhất Trụ tự tại Hoa Lư và cho rằng, khi Đức Lý Thái Tổ dời đô đã chuyển mô hình chùa này từ Hoa Lư về Thăng Long. Tuy vậy hãy chú ý sự khác biệt rất lớn giữa hai kiến trúc mà Giáo Sư sử học Hà Văn Tấn đã chỉ ra để hiểu rằng, “đài” ở Thăng Long Hà Nội là đài, còn “chùa” ở Hoa Lư là chùa, không thể nhầm lẫn một bộ phận với toàn thể kiến trúc được.

Vấn đề quan trọng thứ hai là khi Thái Tông dựng chùa Diên Hựu và Liên hoa đài thì chưa có hồ, có nghĩa là đài đứng ngay trên nền đất cạnh chùa, xung quanh chưa có nước. Mãi tới năm 1106, vua Lý Nhân Tông mới cho trùng tu lại to lớn hơn, nhiều công trình hơn. (Có tài liệu viết Lý Anh Tông thật là nhầm lẫn, lại còn cho là vì hiếm muộn thì thật nực cười vì Anh Tông có con từ 16 tuổi, và tới 6-7 con trai, trong đó Lý Long Tường sợ họa nhà Trần đưa gia đình sang tận Cao Ly (Hàn Quốc), tạo dòng họ Lý xứ Kim Chi).

Việc trùng tu chùa Diên Hựu, Toàn thư cũng ghi rõ:

Mùa thu, tháng 9 năm 1105, làm hai ngọn tháp chỏm trắng ở chùa Diên Hựu.

Bấy giờ vua sửa lại chùa Diên Hựu đẹp hơn cũ, đào hồ Liên Hoa Đài, gọi là hồ Linh Chiểu. Ngoài hồ có hành lang chạm vẽ chạy xung quanh, ngoài hành lang lại đào hồ gọi là hồ Bích Trì, đều bắc cầu vồng để đi qua. Trước sân chùa xây bảo tháp.

Còn văn bia ở chùa Đọi mô tả:

“Lòng sùng kính đức Phật, dốc lòng mộ đạo nhân quả, hướng về miền Tây Cấm nổi danh, xây ngôi chùa sát Diên Hựu. Theo dấu vết chùa cũ cùng với ý mới của nhà vua (Lý Nhân Tông)…

Đào hồ Linh Chiểu, giữa hồ vọt lên một cột đá, đỉnh cột nở sen nghìn cánh, trên bông sen đứng vững toà điện màu xanh, trong điện đặt pho tượng vàng Nhân Đức. Vòng quanh hồ là hai dãy hành lang, lại đào ao Bích Trì, mỗi bên bắc cầu vồng đế đi qua. Phía sân cầu đằng trước hai bên tả hữu, xây bảo tháp Lưu Ly.

Hằng tháng, vào sớm ngày mồng Một, hằng năm vào dịp du xuân, nhà vua ngồi xe ngọc, đến chùa mở tiệc chay, làm lễ dâng hương hoa, cầu cho ngôi báu lâu dài, bày chậu thau làm lễ tắm tượng Phật. Trang sức pho tượng tinh tế, biểu lộ tướng mạo của năm loại chúng sinh…”

Thế là trong đợt trùng tu lớn này mới xuất hiện hồ, mà những hai hồ: Linh Chiểu quanh Liên Hoa Đài, còn Bích Trì lại bao lấy Linh Chiểu, có nhiều cầu bắc nối để đi từ chùa chính qua hai hồ vào đài. Ngoài ra còn trang trí thêm một tòa sen được mạ vàng trên đỉnh cột (cho thấy trước kia chỉ có tượng, chưa có điện, đền che quanh). Ẩn trong tòa sen là ngôi đền được sơn sắc tím và trên mái chùa có chim thần. Bên trong chùa có đặt một bức tượng mạ vàng của Đức Phật

Có thể thấy chùa Diên Hựu đời Lý rất được coi trọng, rất bề thế và lộng lẫy tráng lệ, nằm ngay lối ra từ cửa Tây thành Thăng Long là nơi tất cả các vua Lý đều thường xuyên tới hành lễ.

Như vậy Liên hoa đài chỉ là một bộ phận trong rất nhiều bộ phận khác (tháp, cầu, hồ nước …) trong quần thể chùa Diên hựu. Rất tiếc là rất nhiều người cho đến nay vẫn hiểu rằng Đài Sen điện thờ trên một cái cột này là “chùa” mang tên “Một Cột”. Một số người khác lại coi Một Cột (Đài Sen) và Diên Hựu là hai ngôi chùa khác nhau, độc lập với nhau dẫn đến khá nhiều du khách cả trong nước lẫn nước ngoài đến đây cũng chỉ nhăm nhăm tham quan, lên Đài Sen thắp hương, đi một vòng quanh hồ là hết! Là bởi vì rành rành sách hướng dẫn du lịch bằng tiếng Anh cũng ghi “One Pillar Pagoda”, xin nhấn mạnh: PAGODA (nghĩa là chùa), một sự thiếu cẩn trọng nhưng vô cùng tai hại. Người bình tĩnh suy ngẫm chắc hiểu ngay “chùa” sao chỉ có thế? Kiến trúc cạnh đó mới là chùa, trên nóc còn đó rành rành 3 chữ Hán “Diên Hựu tự” (đọc từ phải sang trái theo cách cũ), còn trên hoành phi sơn đỏ treo cao phía sau tượng Phật nghìn mắt nghìn tay (thiên nhãn thiên thủ) trong đài trên một cột kia cùng rành rành 3 chữ thếp vàng “Liên hoa đài” (xin nhấn mạnh ĐÀI, chẳng tìm thấy ở bất cứ đâu “Liên hoa tự” cả, nghĩa là đây không phải là chùa).

Nhưng tới năm 1249, chùa hư hại nặng do năm tháng nên Đức Thái tông (Trần Cảnh) vua đầu tiên của nhà Trần đã cho xây lại trên nền cũ. Tuy vậy khi dịch Văn bia Sùng Thiện Diên Linh của chùa Đọi ở Hà Nam có đề cập đến chùa Diên Hựu thì một số nhà nghiên cứu lại cho rằng đã có sự thay tượng Quán Thế Âm bằng tượng Thích Ca Mâu ni.

Thời Mạc, có lẽ tòa sen đã hư hỏng nên không thấy tư liệu nhắc đến tòa sen nữa, chỉ còn “Một cây cột đá sừng sững giữa ao sen, trên dựng chênh vênh một ngôi lầu, bốn mặt có hành lang vòng quanh”.

Sang thời Hậu Lê chùa càng hư hỏng thêm. Theo ghi chép của Phạm Đình Hổ thì Chùa Diên Hựu lợp bằng tranh tre, còn ao sen hoang tàn, hành lang đổ nát, chỉ còn cây cột và trên cột có tòa lầu nhỏ, trong thờ tượng Phật Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn và một cây cầu vồng lợp mái cong phía trước.

Đến năm Ất Sửu niên hiệu Gia Long (1805), phá thành cũ xây thành Vauban thì cây cầu vồng bị triệt bỏ, dấu tích kiến trúc của đài Hoa Sen thời Lý gần như không còn

Mãi tới năm 1864, Tổng đốc Tôn Thất Hàm hưng công trùng tu làm các cột chống bằng gỗ tạo khối hình bát giác để đỡ toà sen, chạm trổ rất công phu cho thêm phần tráng lệ. Nhưng chi tiết thì không ghi lại như thế nào.

Năm 1922 thời Pháp thuộc, Giám đốc cổ học Parmentier cùng chuyên gia phục chế Batteur đã thực hiện việc tu sửa đài Hoa Sen theo những tài liệu sưu tầm trước đó và cho ghi chép lại tỉ mỉ để phục vụ việc bảo tồn về sau.

Tuy thế, ngày 10 tháng 9 năm 1954, trước khi rút khỏi thủ đô, người Pháp lại cho đặt mìn phá hủy, đài chỉ còn cây cột với mấy cái xà gỗ.

Năm 1955, sau ngày tiếp quản Thủ đô, Bộ Văn hóa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cho tu sửa Liên Hoa đài theo đúng kiểu mẫu thời cũ để lại từ thời Nguyễn. Được giao phục dựng, kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng vẫn giữ nguyên hai tảng đá trụ từ thời Lý. Đài Hoa Sen hình vuông, chiều dài mỗi cạnh 3 m, mái cong, dựng trên cột cao 4 m (không kể phần chìm dưới đất), đường kính cột đá 1,20 m. Tầng trên của cột là hệ thống những đòn gỗ làm giá đỡ cho ngôi đài ở trên, mái ngói, bốn góc uốn cong, trên có đôi rồng chầu nguyệt.

Ngày 28/4/1962, chùa được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đợt đầu tiên.

Ngày 4/5/2006, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập chùa là “Kỷ lục Việt Nam” và đề cử đến Tổ chức Kỷ lục châu Á.

Ngày 10/10/2012, tại Faridabad (Ấn Độ), Tổ chức Kỷ lục châu Á đã xác lập kỷ lục châu Á: “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất”.

Nguồn tin: Trithucvn.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây