Năm 2003, Dũng giành giải Nhì cuộc thi Học sinh giỏi Vật lý cấp Quốc gia, được tuyển thẳng vào Đại học. Người dân quê anh lúc đó đã bắt đầu truyền tai nhau về dự án thủy điện lớn nhất Đông Nam Á sẽ được xây dựng ở quê mình.
"Học điện để về làm gần nhà" từng là lựa chọn của nhiều thanh niên cùng tuổi Dũng lúc đó. Nhưng sau 5 năm học, chỉ có anh cầm tấm bằng tốt nghiệp ngành Hệ thống điện về với thủy điện Sơn La. Bạn học đồng hương của Dũng, không thiết tha trở về.
Sự dấn thân của hàng trăm chàng kỹ sư tuổi đôi mươi như Dũng và mồ hôi suốt ba nghìn ngày không nghỉ của 13 nghìn công nhân đã hiện thực hóa giấc mơ dài kéo gần nửa thế kỷ của người Việt: chế ngự sông Đà, xây dựng nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á.
Không phải đợi đến đầu thiên niên kỷ mới, Việt Nam mới nghĩ đến chuyện chế ngự "thủy quái" miền núi Tây Bắc để làm thủy điện. Năm 1979, nhà máy thủy điện Hòa Bình, bậc thang thủy điện đầu tiên trên sông Đà được khởi công. Dự án hoàn thành sau 15 năm, với 37 nghìn nhân lực, hơn 750 chuyên gia Liên Xô tham gia xây dựng, vận hành.
Theo nguyên Thứ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phạm Hồng Giang, bậc thang thủy điện Sơn La có trong quy hoạch từ những năm 1960. Nhưng lần này sẽ là công trình tự lực của người Việt. Do vậy, câu hỏi đặt ra không chỉ là vị trí "Sơn La cao" hay "Sơn La thấp", mà còn là lo ngại về trình độ khoa học kỹ thuật của đất nước thời điểm đó.
Năm 2002, tổng chi quốc nội cho nghiên cứu và phát triển khoa học (GERD) của Việt Nam là 0,19% GDP, thuộc hàng thấp nhất thế giới. Tức là từ 1 triệu đồng GDP, sẽ chỉ có khoảng 1.900 đồng được chi cho nghiên cứu khoa học. Thực tế, sự cố vỡ đập xảy ra không chừa cả những nước siêu cường. Thống kê của Hiệp hội an toàn đập nước Mỹ cho thấy, từ 2005 đến 2013, trung bình cứ 16 ngày lại có một đập thủy điện của nước này bị vỡ.
Đến tận hôm nay, lo ngại của của Phó chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng, An ninh Quốc hội, Nguyễn Văn Khá trong kỳ họp Quốc hội khóa X năm 2002 vẫn còn được nhiều người nhắc lại. "Nếu đập Sơn La vỡ, chiếc xe tăng 4 tấn ở Sơn Tây sẽ bị thổi bay như lá vàng. Sau 30 phút, toàn đồng bằng Bắc Bộ chìm sâu 4- 60 m, cướp đi sinh mạng 15 triệu người".
Việt Nam mất thêm 4 năm nữa để đưa ra quyết định cuối cùng.
Nhìn từ ảnh vệ tinh, thủy điện Sơn La chỉ như một chiếc cầu bê tông nối đôi bờ sông Đà nước lặng xanh ngắt, lắt léo chạy quang những dãy núi phía thượng nguồn Tây Bắc. Nhưng "làm thủy điện" không đơn giản chỉ là xây đập ngăn nước và để máy móc làm những phần việc còn lại.
Cuối năm 1998, Tiến sĩ Nguyễn Anh Dũng, thành viên Hội đồng nghiệm thu quốc gia lần đầu đến Sơn La để khắc phục một sự cố sạt lở đồi. Quãng đường 300 km từ trung tâm thủ đô lên thị xã Sơn La mất 3 ngày 2 đêm ngồi ô tô.
Bảy năm sau, đoàn chuyên gia quan trắc của ông chỉ mất chưa đầy 8 tiếng để tới nơi. Hàng trăm kilomet đường từ Hòa Bình lên Sơn La được bê tông hóa phục vụ cho xây dựng nhà máy thủy điện. Người kỹ sư 60 tuổi đời, từng tham gia vào các dự án trọng điểm của đất nước như hầm Thủ Thiêm, cầu Bắc Mỹ Thuận, chiều ấy tới Mường La, vẫn thấy xúc động lặng người. "Vĩ đại lắm, cái khung cảnh con người đang chinh phục thiên nhiên".
Giữa núi trời sông thăm thẳm của vùng Tây Bắc, một công trường điện sáng thâu đêm mở ra trước mắt ông. Tiếng bước chân dồn dập của những công nhân làm không ngày nghỉ, tiếng máy chạy rộn vang cả một vùng non nước.
Trong ấn tượng của ông, đại công trường Sơn La ít công nhân hơn hẳn các công trình thủy điện khác. Ngay cả trong giai đoạn cao điểm nhất, cũng chỉ bằng 1/3 nhân lực của thủy điện Hòa Bình, do thiết bị thi công đều là tự động hóa.
Việt Nam đã dành nhiều ưu tiên cho công trình ở Sơn La, đặc biệt là việc lựa chọn máy móc, như lời nguyên Thứ trưởng Phạm Hồng Giang, "những cái gì hiện đại nhất thế giới, lúc ấy thủy điện Sơn La đều có".
Vận hành tự động ở nhà máy thủy điện Sơn La.
Hơn 14 triệu mét khối đất đá đã được đào đắp chuẩn bị cho quá trình 2 lần lấp dòng chảy sông Đà, đắp đê quai, làm cống dẫn dòng. Những tính toán tần suất lũ trong vòng 100 năm được đưa ra để thử mô hình thủy lực cho kênh và cống.
Trong trường hợp xả lũ cho hồ chứa 224 km2, tương đương diện tích huyện Chương Mỹ, Hà Nội, không có sai sót nào được phép xảy ra. Vì thủy điện Hòa Bình, và cả thủ đô Hà Nội đang nằm dưới hạ lưu. Con đập - bức tường ngăn dòng chảy phải là một kết cấu đủ kiên cố để chịu lực của 9,26 tỷ mét khối nước trong hồ.
Đập có chiều dài 961m, cao 138 mét, tương đương tòa nhà 35 tầng. Với kỹ thuật thông thường, để đổ 3 triệu m3 bê tông cho con đập sẽ kéo dài thời gian hoàn thành nhà máy lên tới 10 năm. Nhưng nhà máy đã vận hành năm 2012, trước dự kiến 3 năm, nhờ vào kỹ thuật đổ bê tông mới.
58 năm về trước, kỹ thuật bê tông đầm lăn được ứng dụng lần đầu tiên trên thế giới ở Trung Quốc, với công trình đầm Thạch Môn. Bê tông đầm lăn sử dụng 1/5 lượng xi măng so với bê tông truyền thống, giảm tối đa nguy cơ nứt công trình. Với ưu điểm thi công nhanh, giá thành thấp, kỹ thuật này nhanh chóng lan sang châu Âu và bắc Mỹ. Nhưng phải đến 2003, Việt Nam mới thử nghiệm bê tông đầm lăn cho đập thủy điện Định Bình, tỉnh Bình Định với độ cao 60 mét.
Và lần thứ hai ở thủy điện Sơn La, với độ cao đập gấp đôi, 138 mét. "Lên cao hơn dù một mét, yêu cầu của kết cấu bê tông cũng khác". Tiến sĩ Nguyễn Anh Dũng cho biết, trộn bê tông đầm lăn là một quá trình vô cùng phức tạp.
Để giảm thấp nhất nguy cơ rạn nứt do tỏa nhiệt, nhiệt độ quy định cho bê tông đầu ra không được quá 22 độ C. "Toàn bộ bê tông đều được trộn trong khu nhà lạnh, giữ lạnh đá, cát và xi măng. Nước trộn bê tông cũng phải là nước đá".
Hàng trăm đầu đo được đặt trong thân đập để theo dõi độ tỏa nhiệt của bê tông. "Thi công mùa hè, nhiệt độ tăng rất nhanh, anh em công nhân phải đi ôm rơm, kiếm xốp che nắng cho bê tông là thường", ông Dũng nhớ lại.
Công trình hoàn thành sớm 3 năm nhờ kỹ thuật đổ bê tông đầm lăn.
Giám đốc công ty thủy điện Sơn La, Khương Thế Anh quan niệm "máy móc tối tân là một chuyện, nhưng người vận hành cũng phải có tài". Năm 2006, chỉ vài tháng sau khởi công, nhà máy thành lập ban chuẩn bị sản xuất, bắt đầu tuyển kỹ sư vận hành.
Nội bộ ban lãnh đạo nhà máy đã từng nảy ra những cuộc tranh luận kéo dài hàng tháng trời quanh vấn đề nhân lực. Nên "kéo" đội ngũ kỹ sư kinh nghiệm từ các thủy điện khác về, hay tìm kiếm nguồn lực trẻ?
Sơn La là nhà máy thủy điện đầu tiên ở Việt Nam sử dụng thiết bị tự động hóa. Người trẻ tuổi có ưu thế hơn trong tiếp cận khoa học kỹ thuật và sửa chữa sau này. Nhưng sử dụng người trẻ cho một công trình trọng điểm cấp quốc gia là một canh bạc lớn.
Làm thế nào để giữ chân những người vừa tài vừa trẻ, ở lại với vùng đất nghèo nàn heo hút với mức lương tháng chưa đầy 4 triệu đồng, trong khi nhiều tiêu chí đặt ra trong quá trình tuyển dụng.
"Đôi khi, người giỏi nhất chưa chắc đã được chọn. Chúng tôi muốn thấy cả tiềm năng gắn bó lâu dài cùng công việc". Ông Khương Thế Anh, khi đó là người trực tiếp vào Nam ra Bắc "chiêu mộ nhân tài". Trong nhiều buổi báo cáo luận án tốt nghiệp của Đại học Bách khoa Hà Nội, Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Thái Nguyên... khi ấy, người ta thường thấy ông ở hàng ghế đầu, cặm cụi ghi chép, lắng nghe.
Những buổi "tuyển quân" ấy từng kéo dài đến hơn 11h đêm ở các giảng đường đại học. Số hồ sơ đăng ký mỗi ngày lên đến hơn 200. Những cử nhân tuổi đời đôi mươi ông chiêu mộ, nay đều đã là đội ngũ nòng nốt của nhà máy.
Để làm quen với máy móc và quá trình vận hành, những thanh niên như Dũng được cho ra công trường ngay từ khi nhà thầu lắp đặt thi công. Hơn 40 chương trình vận hành của nhà máy thủy điện được những thanh niên này tự tay viết ra từ những đêm như không ngủ.
Dũng bảo, trường học chỉ dạy cho anh 20% kiến thức, "thủy điện Sơn La mới là trường học lớn nhất của chúng mình". Lần đầu tiên nhìn thấy những loại máy móc chưa từng xuất hiện trên sách vở của trường Đại học, anh em kỹ sư ai cũng háo hức.
"Say mê lắm, đi làm hết giờ vẫn chả muốn về. Ăn với máy ngủ với máy". Dũng nhớ những tối ăn cơm xong, anh cùng mấy bạn tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Quân sự vẫn xin xe vào công trường mày mò nghiên cứu tiếp.
Những chàng kỹ sư trẻ măng khi ấy, chưa ai nặng nổi 55kg đêm đêm chong đèn học tiếng Anh, nghiên cứu vận hành đã không còn xa lạ với công nhân công trường. "Mình thì thức học, anh em công nhân thức làm, không khí cứ lâng lâng rộn ràng".
32 tháng đổ 2,7 triệu m3 bê tông đầm lăn, trung bình 3 nghìn m3 mỗi ngày, đó là quãng thời gian thung lũng chong đèn làm đập. Những ngày cao điểm, lượng bê tông đổ được lên tới hơn 8000 m3. Nhà máy hoàn thành trước tiến độ 3 năm. Nguyên Thứ trưởng Phạm Hồng Giang gọi đó là một điều "phi thường".
Nhưng thủy điện Sơn La xây nên từ hơn một điều phi thường mang tên người Việt.
Công trình Sơn La đánh dấu sự ra đời của chiếc cần cẩu 1.200 tấn đầu tiên mang thương hiệu "made in Vietnam". Phát kiến của ông Nguyễn Tăng Cường, người sau này được vinh danh "Vua cần cẩu", nâng hạ các thiết bị siêu trường siêu trọng với độ chính xác đến từng milimet, tiết kiệm 70% chi phí so với cần cẩu nhập ngoại.
Với tổng khối lượng lên tới 115 nghìn tấn, câu chuyện về sức nặng thiết bị luôn là những sự thách đố liên tiếp. Từ cảng Hải Phòng, số máy móc này theo đường sông lên đập thủy điện Hòa Bình, vượt gần 200km từ lòng hồ lên bến phà Tà Hộc, Sơn La, vượt thêm 70km đường núi và hàng chục cây cầu yếu để lên với Ít Ong.
Chiếc cầu Mường La là lối đi duy nhất đưa máy móc lên với nhà máy, có tải trọng chỉ 30 tấn. Trong khi thiết bị thuộc hạng nhẹ, như trục tuabin thủy lực đã nặng 110 tấn, chưa kể bánh xe công tác nặng trên 200 tấn, máy biến áp nặng 280 tấn, và đặc biệt là trái tim của tổ máy, rotor nặng tới 1.000 tấn.
Một ngày đầu năm 2011, người Thái ở Ít Ong dắt díu nhau đứng quây quanh cầu Mường La. Chiếc xe hàng trăm bánh, trông xa như con rết đang gánh trên mình khối máy móc to như một căn nhà, chầm chậm nhích từng centimet qua bên kia cầu. Chỉ một sơ suất nhỏ, cầu gãy, số máy móc trị giá hàng triệu USD, cùng toàn bộ công nhân đội vận chuyển sẽ rơi từ trên độ cao 100 mét, trôi xuống dòng nước xiết.
Vận chuyển máy biến áp 280 tấn qua cầu Mường La.
"Tôi chỉ muốn chứng minh người Việt Nam đủ sức làm những việc tưởng như không thể", ông Nguyễn Đăng Sâm, Tổng giám đốc công ty vận tải đa phương thức Vietransimex, chỉ huy của công cuộc vận chuyển lịch sử, cũng chính là người ngồi trong khoáng lái của chiếc xe kéo đi qua cầu Mường La năm ấy.
- Nếu không phải người Mường La, chắc gì anh đã về đây?
- Tớ thấy đủ say mê để gắn bó với nhà máy, ngay cả khi là người nơi khác.
Dũng, 25 tuổi đã làm trưởng ca, 33 tuổi làm trưởng phòng kỹ thuật của công ty. Người ngoài biết được đều ngạc nhiên, Dũng chỉ gãi đầu, "Tớ vẫn già, ở thủy điện Lai Châu, các anh em toàn 9X".
Một sáng tháng mười năm 2019, Giám đốc Khương Thế Anh ngồi trong phòng làm việc cách đập hơn 30km, gọi một số trả lời tự động. Vài giây sau, đầu dây bên kia phản hồi, "mức nước hiện tại là 197,82 mét". Thiết bị đo mức nước tự động là một trong vô số những công nghệ hiện đại mà nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á đang áp dụng.
Sau cái vẻ tĩnh lặng của nước hồ những ngày không xả lũ, sau con số hơn 10 tỷ kwh điện nhà máy sản xuất mỗi năm, là câu chuyện về "bước trưởng thành đáng thán phục của những người làm khoa học nước nhà, đặc biệt là những người trẻ tuổi", như lời Nguyên thứ trưởng Phạm Hồng Giang.
Trong căn phòng truyền thống của thủy điện Hòa Bình, cạnh những mũi khoan và chiếc cuốc chim trong những ngày thi công của 40 năm về trước còn lưu lại một hòn đá, sơn 7 chữ đỏ: "Hỡi sông Đà, ta chinh phục ngươi".
Với thủy điện Sơn La, người Việt đã chứng minh mình làm được điều này, không chỉ có một lần.
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự