Ly kỳ truyền thuyết
Người dân làng Kim Liên (thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) đến nay vẫn còn truyền tai nhau nhiều câu chuyện về sự tích miếu thờ Sơn thần. Ngày xa xưa, nơi đây đường đèo hoang vắng và chỉ là lối mòn do “người ta đi mãi nên thành đường”, một bên là vực sâu thăm thẳm, một bên là vách núi cheo leo dựng đứng. Không rõ từ khi nào, trên đỉnh đèo thường xuất hiện bầy cọp dữ năm con chuyên vồ khách bộ hành ăn thịt.
“Nhất chạng vạng, nhì rạng đông”, bầy hổ ngồi thè lưỡi chầu chực trên những tảng đá bên đường chờ đợi con mồi. Không ai biết có bao nhiêu sinh mạng đã bị bầy hổ cướp đi, chỉ biết rằng, người ta sợ đến nỗi nếu muốn qua đoạn đường này, khách bộ hành phải lập đoàn cùng đi, trên lưng mỗi người dắt một thanh giáo nhọn hướng mũi lên phía trên. Thêm vào đó, bầy hổ những năm con liên kết rất chặt chẽ nên cũng chẳng có ai đủ dũng cảm đi diệt chúng. Vì vậy, người địa phương quyết định dựng miếu thờ hổ, dâng lễ vật cúng bái.
Hàng ngày, dân làng, khách thập phương đều quyên góp lễ cúng một cách đầy đủ với mong muốn bầy hổ sẽ hiểu thành ý của họ mà không hại người nữa. Kỳ lạ, từ đó không còn ai nhìn thấy bầy hổ ngồi chồm hổm bên đường rình mồi, thậm chí, chúng còn quay sang... cứu người.
Bà Nguyễn Thị Nhứt (71 tuổi, bán hàng trên đèo Hải Vân) cho biết, hồi 5-6 tuổi, bà được nghe người trong làng kể lại rằng, vào một năm hạn nặng, nạn đói hoành hành khắp nơi, rất nhiều người dân vùng phía nam đèo Hải Vân chạy đói vào đây. Trong số đó, có một bà mẹ cõng theo một đứa con nhỏ, do đường núi gập ghềnh khó đi, người lại đói lả, không còn một chút sức lực, màn đêm lại phủ xuống rất nhanh, nên nếu không đi nhanh cho kịp đoàn người “chạy đói” chắc chắn sẽ làm mồi ngon cho thú dữ. Cuối cùng, không còn cách nào khác, người đàn bà đành bỏ lại đứa con trai trên một mỏm đá ven đường, vái mấy lạy rồi tiếp tục lê lết vào Nam.
Theo bà Nhứt, đứa trẻ bị bỏ lại trên mỏm đá thiếu hơi mẹ khóc ré lên, một con cọp cái nghe tiếng khóc thét liền men theo triền núi xuống chỗ đứa trẻ. Điều kì lạ là con hổ không ăn thịt mà dùng miệng quắp đứa bé trở về hang, rồi cho đứa trẻ bú sữa mình như lũ con của nó. Hàng ngày, khi đi kiếm mồi, nó tha thêm vài trái cây rừng về nuôi đứa trẻ. Mấy năm sau, khi đứa trẻ đã lớn, con cọp cái còn cõng đứa trẻ trên lưng về tận ngôi làng nhỏ dưới chân đèo Hải Vân, để đứa trẻ lại đó cho dân làng, đi ba bốn bước nó còn ngoảnh lại nhìn “con nuôi” lần nữa rùi mới phi thẳng vào rừng.
Giải mã truyền thuyết
Chúng tôi đã có chuyến mục sở thị tận đỉnh Hải Vân, ngôi miếu ông hổ nằm ở lưng chừng đèo được xây dựng khang trang, sạch đẹp, luôn nghi ngút khói hương. Nhưng rất khó khăn để chúng tôi nhận biết đâu là ngôi miếu xây lên để “thờ hổ” như truyền thuyết xưa kia. Nhiều người dân mưu sinh nơi đây cho biết, khu miếu này mới được ông Thọ (người tình nguyện quản miếu suốt 25 năm qua – PV) trùng tu trở lại nhờ vào tiền cúng dường của khách thập phương. Được biết, nhờ những “truyền thuyết” truyền tai nhau của người dân trong vùng mà ngôi miếu trở nên thu hút khách du lịch lạ thường. Ai đi ngang đây ai cũng muốn dừng chân để thắp hương, khấn vái.
Toàn cảnh Miếu ông Hổ.
Chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ ngay dưới chân đèo của ông Trần Đình Châu (83 tuổi), người sinh ra và lớn lên tại làng Kim Liên, cũng là một trong những bậc cao niên nhất làng. Đăm chiêu một hồi, ông kể rành mạch, rõ ràng cho chúng tôi câu chuyện mà ông đã mắt thấy tai nghe: “Tôi sinh năm 1931, từ khi tôi năm bảy tuổi thì đã thấy miếu ông Hổ nằm đó rồi. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ, chuyện hổ hại người thì tôi có chứng kiến, chứ chưa khi nào tôi nghe kể có chuyện hổ giúp người”.
Khi nghe chúng tôi thuật lại câu chuyện truyền miệng về miếu ông hổ được nghe trên đỉnh đèo, ông Châu quả quyết: “Chẳng có hổ báo nào cả, mấy người kia cũng chỉ là được nghe kể lại, người thêm mắm, người thêm muối, sau cùng làm nó sai sự thật hết trơn”. Ông Châu nhớ lại tuổi thơ của mình. Ngày ấy, xóm Kim Cư (tên gọi của làng Kim Liên cũ) còn là rừng núi, hỗn mang thú dữ. Trong đó, hổ dữ luôn là nổi ám ảnh lớn nhất của người dân trong làng. Nhà cách nhà cả mấy rặng tre, trong bóng tối mù, hổ đánh hơi thấy mùi thịt thường lẻn vào chuồng trâu, chuồng bò bắt tha về hang. Có khi còn mò vào tận nhà dân “thò đuôi” qua cửa nhử chó ra để bắt ăn thịt. Người dân trong làng ai cũng sợ nên mới chập tối đã cửa đóng then cài.
Cụ ông Trần Đình Châu (83 tuổi), bậc cao niên của làng Kim Liên.
Cũng theo ông Châu, kì thực ngôi miếu đó có tên là Bàn Ông hay còn gọi là miếu Ông. Ngày trước, ông thường hay theo cha (ông Trần Đình Côn, nguyên là người cai đèo Hải Vân) đi tuần, mỗi lần lên tới đỉnh đèo, ông đều cùng cha thắp hương tại cái am nhỏ ven đường. Nơi này, trước đây có một vị quan Tổng đốc Đại thần người Quảng Nam trong lần đi sứ sang phương Bắc, đi ngang đây không may lâm trọng bệnh mà qua đời. Người dân làng Kim Liên thương tiếc nên đã lập miếu thờ ông. Ngôi miếu ban đầu chỉ là cái am nhỏ và một tấm bình phong bằng đá khắc hình hổ chồm. Vị trí ngôi miếu Ông chính xác là vị trí miếu ông Hổ ngày nay”.
Sở dĩ ông Châu đưa ra khẳng định như vậy là bởi vì, trước mặt ngôi miếu có một hòn đá rất to, có lẽ to nhất Hải Vân Quan. Ngày nay, người ta vẫn hay gọi đó là hòn đá Big Sound theo chữ khắc trên tảng đá thời kháng chiến chống Mĩ. Hòn đá này là “nhân chứng” hùng hồn nhất để chứng minh ngôi miếu ông xưa kia chính là ngôi miếu mà người ta gọi là miếu ông Hổ bây giờ.
Ông Đinh Bán (81 tuổi), một cao lão có hơn 50 năm làm nghề “tiều phu” trên đỉnh đèo cho biết thêm: “Miếu ông nguyên bản có một tấm bình phong hổ che chắn phía trước. Dân làng đi ngang qua đều ghé miếu thắp cho ông Quan tổng đốc nén nhang cho bớt hiu quạnh. Nhưng rồi, lớp người hiểu chuyện như chúng tôi rơi rụng dần, lớp trẻ sau lớn lên không biết, cứ thấy tấm bình phong hổ nên tưởng nhầm là thờ hổ, nên gọi là miếu Ông hổ, rồi mỗi người một ít dựng nên câu chuyện ngũ hổ trấn đèo mà thôi”.
Nhưng chúng tôi thiết nghĩ, dù ngôi miếu có phủ lớp bụi thời gian và bị che lấp bởi tầng tầng lớp lớp những câu chuyện kì bí thì việc đi tìm nguồn gốc, lai lịch của nó vẫn là việc nên làm để tránh những đối tượng xấu lợi dụng dựng thêm chuyện thần bí để trục lợi.
Quản lý để tránh mê tín dị đoan
Ông Nguyễn Như Hân, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) cho biết: “Ngày trước, khi khu rừng trên đèo Hải Vân còn um tùm, cây cối rậm rạp, muông thú nhiều, những tiều phu đốn củi và những ai có việc phải đi qua đèo thấy một cái am nhỏ đằng trước có một tấm bình phong hình con hổ mà không ai hương khói nên dọn dẹp lại thờ phụng. Ngày nay, chỉ còn một vài vị bô lão trong làng Kim Liên biết rõ lai lịch của cái am cổ này. Ngôi miếu Ông không thuộc danh sách di tích đã xếp hạng ở địa phương, nhưng chính quyền phường vẫn cử người quản lý, nhằm tránh tình trạng mê tín dị đoan có thể xảy ra...”.