Người dân ở thôn Phương Tảo đã từng trải qua một cuộc tranh cãi gay gắt, nảy lửa. Lý do vì không ai muốn đứng ra nhận trách nhiệm làm thủ từ tại miếu Hai Thôn. Họ lo sợ tai họa sẽ ập xuống đầu nếu “bị” phân công trông nom ngôi miếu có từ hơn nghìn năm trước. Sự thật là, mấy đời thủ từ gần đây của ngôi miếu này đều rơi vào cảnh mù lòa hết sức kỳ lạ. Nguyên nhân được cho là có liên quan đến giếng mắt rồng ở bên phải của ngôi miếu.
Ông từ mù lòa lọm khọm trong ngôi miếu nghìn tuổi
Tọa lạc ở ranh giới của thôn Phương Tảo (xã Xuân Hòa) và thôn An Để (xã Hiệp Hòa, Vũ Thư, Thái Bình), ngôi miếu Hai Thôn nằm trầm mặc dưới những tán cây nhãn cổ thụ xanh ngắt. Lịch sử của ngôi miếu này đủ hấp dẫn để viết thành một cuốn sách, nhưng, tạm thời tóm tắt như sau: Miếu Hai Thôn được thành lập từ thời vua Lý Nam Đế (503-548) và Hoàng hậu Đỗ Thị Khương Nương, sau đó được tôn tạo vào năm 1680 dưới thời nhà Lê. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, điểm đặc biệt nhất của miếu Hai Thôn nằm ở chỗ: Đây là công trình tâm linh thờ Hoàng hậu đầu tiên của Việt Nam.
Lịch sử huy hoàng, song, khi phóng viên tìm về ngôi miếu Hai Thôn, nơi đây khá vắng vẻ. Ngoài đám trẻ con chơi bóng đá ở sân đấu cờ, chỉ có một cụ già mặc áo nâu đang chậm chậm quét lá. Ông cụ đưa từ nhát chổi một cách từ từ, chậm rãi. Xong ba nhát chổi, ông cụ lại dịch chân lên phía trước một bước – ông kéo lê chân trên mặt đất, dường như sợ bị ngã. Tiến lại gần quan sát, quả thật, mắt của ông cụ không được bình thường. Mắt phải trắng đục, không thấy con ngươi. Mắt trái kèm nhèm, chảy dịch.
Qua hỏi chuyện, được biết, ông cụ là Đặng Việt Hân, năm nay vừa qua tuổi 86. Theo lệ, thôn An Để và thôn Phương Tảo đều cử người làm thủ từ của miếu Hai Thôn. Ông Hân là thủ từ do làng An Để tiến cử từ năm 1982, đến nay đã 34 năm. Ông Hân kể: “Trước khi ra miếu làm thủ từ, tôi cũng có vợ con đàng hoàng. Nhưng, việc làng việc nước, các cụ đã phân phó cho tôi thì tôi phải nhận. Hiềm một nỗi, thủ từ ở miếu này toàn kẻ mù, hoặc là kẻ lòa. Như tôi là dạng mù dở, nghĩa là mắt bên trái còn thấy một tý, nhưng cứ thỉnh thoảng lại chảy gỉ mắt như hạt đậu xanh, đậu đỏ. Trước tôi, các cụ thủ từ khác như cụ Thiêm, cụ Vân ... đều mù lòa cả”.
Xác nhận với chúng tôi, người dân ở hai thôn An Để và Phương Tảo đều cho biết, những vị thủ từ ở miếu Hai Thôn đều mắc chứng bệnh về mắt mà không rõ nguyên do. “Truyền thống” đáng buồn này đã kéo dài ít nhất nửa thế kỷ, trải qua 4 đời thủ từ. Chính vì thế, công việc thủ từ - vốn được trọng ở các làng xã Bắc Bộ - lại trở thành gánh nặng mà không ai muốn đảm nhận ở thôn An Để và Phương Tảo.
Ông từ Đặng Việt Hân bị mù mắt phải, mắt trái kém
Lấp giếng mắt rồng, ông từ chịu “trừng phạt”?
Như đã nói, hồi năm 2010, thôn Phương Tảo chọn người ra thay thế vị trí của cụ từ đã quá già yếu. Lúc bấy giờ, nổi lên mấy “ứng viên” tiềm năng, song, khi được đề bạt, hầu hết đều lắc đầu từ chối. Họ không muốn lãnh trách nhiệm quá nặng nề, hơn hết, họ không muốn đối diện với nguy cơ trở thành mù lòa giống như các vị thủ từ trước đó. Đến cuối cùng, ông Trịnh Ngọc Thanh, 59 tuổi, bộ đội nghỉ hưu, đã đứng ra gánh vác vị trí đó.
Sáu năm đã qua, ông Trịnh Ngọc Thanh vẫn ... chưa bị mù. Ông vẫn khỏe mạnh, xốc vác, ăn nói mạnh bạo. Ông bảo: “Trước đây, người ta đồn đại nhiều chuyện, nhưng tôi không tin – là người đã chiến đấu nơi hòn tên mũi đạn, tôi chỉ tin những cái mà mình nhìn thấy thôi. Song, từ chuyện tôi chưa bị mù, tôi đã nảy sinh quan điểm khác. Số là thế này, trước khi tôi làm thủ từ, đã nghe những lời đồn đại về việc các ông từ bị mù là do giếng mắt rồng bị lấp. Các cụ ngày xưa xem địa lý đã chọn đặt miếu này trên thế đất đầu rồng, ở bên trái và bên phải phía trước miếu có hai giếng khá sâu, gọi là giếng mắt rồng. Khoảng năm 1960, do yếu tố thời cuộc, giếng mắt rồng bên phải đã bị lấp đi. Từ đó, bắt đầu có chuyện các cụ thủ từ bị hỏng mắt”.
Không thể lý giải được mối liên hệ giữa chuyện người dân lấp giếng mắt rồng với việc mấy đời thủ từ gần đây tại miếu Hai Thôn mắc các tật về mắt. Có thể, đấy hoàn toàn là sự trùng hợp ngẫu nhiên, không có một chút màu sắc tâm linh nào. Nhưng, người dân ở thôn An Để và Phương Tảo vẫn hết sức lo sợ, hoang mang. Nếu có một sự “trừng phạt” nào đó từ những đấng tối linh giáng lên người dân, lên các vị thủ từ vì họ đã lấp giếng mắt rồng, thì biết làm thế nào?
Ông Trịnh Ngọc Thanh bên giếng mắt rồng mới phục dựng
“Cách hóa giải thì ra rất đơn giản” – ông Thanh cười phấn khởi – “Chỉ cần phục dựng lại giếng mắt rồng và thành tâm xin các bậc tiền nhân tha thứ là được. Mấy năm trước, một vị khách từ xa tìm đến miếu này, ông ta bảo là có “bề trên” phân phó trách nhiệm hóa giải sự “trừng phạt” cho dân thôn An Để và Phương Tảo. Chính ông ta đã bỏ ra 15 triệu để khơi giếng và phục dựng bờ giếng như thời còn chưa bị lấp. Từ bấy đến nay, tôi cảm thấy rất thanh thản, nhẹ nhõm. Sự thật là mắt tôi không bị làm sao cả - may mắn quá!”.
Lạ lùng những tiếng lục cục lúc nửa đêm
Sau khi đưa chúng tôi tham quan giếng mắt rồng (mới phục dựng), ông Thanh chỉ cho người viết mấy phiến đá vuông vức đặt ở dưới chân tường. Ông thủng thẳng kể: “Có chuyện này, tôi nói cho anh, anh tin cũng được, không tin cũng được. Số là, ở làng bên có anh T. làm nghề buôn bán vật liệu nội thất. Giàu có lắm. Bỗng nhiên, 3 năm trước, anh ta mắc bệnh, liệt giường liệt chiếu. Đi bệnh viện thì bác sỹ không tìm ra nguyên nhân, chỉ bảo là về nhà chờ đợi. Mất niềm tin vào y học, gia đình anh T. quyết định tìm đến những phương pháp phi khoa học, tức là hầu đồng. Từ miệng cô đồng, người nhà anh này biết rằng dưới sân nhà có mấy phiến đá vốn thuộc về miếu Hai Thôn. Thời trước, trong giai đoạn nhập nhèm, bố mẹ anh T. đã lấy đá chân cột ở miếu về dựng nhà. Vì “tội” này, anh T. phải gánh chịu hậu quả”.
Những đồ vật được người dân trả lại cho miếu
Theo lời ông Thanh, người nhà anh T. đã đào sân theo lời chỉ dẫn của cô đồng. Quả nhiên, họ tìm thấy 3 phiến đá hình vuông. Quá sợ hãi, họ biện lễ hương hoa đem tới miếu Hai Thôn, xin trả lại 3 phiến đá. Sau đó, sức khỏe của anh T. hồi phục một cách lạ lùng. Đến nay, anh ta đã khỏe mạnh hoàn toàn.
Câu chuyện của anh T. giống như tiếng sét giữa trời quang khiến không ít người dân trong vùng như ngồi trên đống lửa. Thời trước, do nhận thức kém, nhiều người đã lấy đi các vật dụng ở miếu Hai Thôn để phục vụ cho sinh hoạt gia đình. Thậm chí, một vài vật thờ cúng cũng “không cánh mà bay”. Đến nay, họ lo sợ sẽ rơi vào hoàn cảnh như anh T., tức là bị “Thánh quở”, nên tìm cách trả lại cho miếu. “Thế nên, hàng đêm, người dân ở quanh miếu thi thoảng nghe thấy tiếng xe nặng nề, lục cục. Sáng hôm sau, thế nào cũng thấy cối đá, khánh đá ... được bỏ lại trước sân. Đấy là những người đã từng lấy đồ ở miếu, giờ họ sợ bị phạt nên đem đến trả” – ông Thanh cho biết.
Bên cạnh những cối đá, khánh đá mà người dân mang trả lại, ông Thanh không giấu được sự vui mừng vì sự linh thiếng của miếu Hai Thôn đã được tôn trọng. Hơn nữa, ông cũng mừng vì sự trừng phạt đối với thủ từ của miếu đã được gỡ bỏ, tức là ông sẽ không phải chịu cảnh mù lòa. Hi vọng, ông thủ từ 86 tuổi Đặng Việt Hân sẽ là thủ từ cuối cùng bị bệnh về mắt tại miếu Hai Thôn, để cho “truyền thống” đáng buồn về những cụ từ bị mù lòa ở ngôi miếu nghìn năm tuổi này chính thức đi vào dĩ vãng.
Theo Tamnhin.net.vn