Độc lạ ngôi trường mở cửa khi trời chưa sáng, đóng cửa lúc nửa đêm

Thứ ba - 02/04/2024 14:50
22 giờ tối, khi đang chìm sâu vào giấc ngủ, Quân (15 tháng tuổi) lại bị gọi dậy. Cậu bé chỉ la lên vài tiếng rồi lại tiếp tục ngủ ngon lành trên vai mẹ. Chuyện này dường như đã rất quen thuộc với những đứa trẻ nơi đây vì bố mẹ tăng ca nửa đêm mới đến đón về nhà.
Lớp học có giờ giữ trẻ đặc biệt.
Lớp học có giờ giữ trẻ đặc biệt.
Ngôi trường đóng cửa lúc nửa đêm

Tờ mờ sáng, cô So Thị Na (27 tuổi) giáo viên tại trường Mầm non Vàng Anh (TP. Bến Cát, Bình Dương) đã có mặt tại trường để đón học sinh.

Đỡ đứa bé còn say giấc từ tay người mẹ, cô giáo trẻ nhẹ nhàng bế em bé đưa vào trong. 5 năm gắn bó với nghề “giữ trẻ”, cô Na đã xem đây là một phần trong cuộc sống hằng ngày của mình.

Kể lại hành trình bén duyên với nghề, cô Na kể mình tốt nghiệp ngành sư phạm mầm non. Thế nhưng, cuộc sống lúc ấy khiến cô gái trẻ tạm ngưng ước mơ, nộp đơn vào làm công nhân của Công ty Yazaki.

Khi đó, trường vừa mới thành lập, còn thiếu nhiều giáo viên. Na được bộ phận nhân sự đề xuất làm cô giáo, và thế là cô gái liền đồng ý nhận lời.

s
Những buổi chiều vui chơi ngắn ngủi của hai mẹ con vào giờ tan ca.

Trường Mầm non Thanh Xuân được khởi công xây dựng vào năm 2008 bởi những trăn trở của ban Giám đốc: “Làm sao để nhân viên khi đến làm việc tại công ty có thể yên tâm, nhất là những gia đình có con em nhỏ”.

Từ đó, công ty Yazaki đã xin giấy phép xây dựng trường học để phục vụ cho nhu cầu của công nhân viên. Đúng 1 năm sau, ngôi trường hoàn thành trong sự vui mừng của biết bao công nhân có con nhỏ.

Không chỉ thế, đây là ngôi trường duy nhất có giờ giữ trẻ đặc biệt. Giờ đưa đón trẻ được sắp xếp phù hợp với lịch tăng ca của nhân viên công ty, chia làm nhiều khung giờ như: 6g00, 8g00, 10g00, 14g00, 18g00 và trả trẻ trễ nhất lúc 22g00 tối với bố mẹ đi ca đêm.

s
Gương mặt những đứa trẻ ánh lên sự rạng ngời khi được mẹ đến đón.

Đặc biệt hơn, nhà trường còn mở lớp và chăm sóc cho những đứa trẻ chỉ vừa tròn 6 tháng, nữ nhân viên vừa hết chế độ thai sản cũng có thể yên tâm gửi con để quay trở lại làm việc.

Như hiểu được tâm lý của nhân viên, mỗi lớp học đều được nhà trường bố trí camera quan sát. Dù không được sử dụng điện thoại trong giờ làm, nhưng ở bếp ăn có trang bị một màn hình lớn kết nối với camera của từng lớp học để huynh có thể theo dõi, ngắm nhìn con mình trong mỗi giờ ăn trưa.

s

Anh Lê Tín Nghĩa (Phó Chủ tịch Công đoàn Công Ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam) cho biết: “Việc sắp xếp lịch học phù hợp với lịch tăng ca của công ty đều có hai mặt thuận lợi và khó khăn. Các bé có thể đến công ty cùng ba mẹ, thuận lợi cho việc đưa đón, thăm hỏi.

Tuy nhiên, nếu ba mẹ đi sớm hay về trễ thì các con phải đồng hành cùng. Bên cạnh đó, công ty có chính sách hỗ trợ giảm 50% học phí, nửa còn lại sẽ được trừ thẳng vào lương của nhân viên vào cuối tháng”.

Vòng xoáy tăng ca và những giấc ngủ chập chờn

Tầm 7 giờ tối, tranh thủ vài phút giải lao, chị Thúy Kiều (35 tuổi) vội vã đến lớp học để thăm con. Trên tay chị cầm vài cây xúc xích, một hộp sữa tươi, chị Kiều cẩn thận xé lớp vỏ bọc, cắm ống hút đưa con lót dạ. Cậu bé ngoan ngoãn đón nhận “món quà” từ mẹ, ăn trông rất ngon lành.

Chị Kiều cho biết, chị gắn bó với công ty được 2 năm. Trong suốt 2 năm ấy là khoảng thời gian mà chị yên tâm nhất vì mẹ con chị được gần nhau. Trước đây, ở công ty ngoài, không có giờ giữ trẻ đặc biệt, những ngày tăng ca về trễ, chị đành gửi con cho hàng xóm trông hộ.

s
Giờ "tăng ca" đặc biệt của những đứa trẻ mầm non.

Bên ngoài khuôn viên trường học, không gian tĩnh lặng dường như bị phá vỡ bởi tiếng khóc thét của hai đứa trẻ còn ẵm trên tay. Làm cùng công ty, bố mẹ của hai chị em Nhã Kỳ (2 tuổi) và Minh Anh (1 tuổi) phải tăng ca tối cùng lúc.

Nhói lòng trước tiếng khóc của con, thế nhưng đôi vợ chồng đành phải rời đi cho kịp giờ vào làm. Bên trong chiếc ba lô nhỏ nhắn có vài miếng bỉm gấp gọn, một bình sữa và bộ quần áo để thay.

Chẳng ai phải bảo ai, các cô giáo cùng nhau làm vai trò của người mẹ để bù đắp phần nào những thiệt thòi của các cháu bé vì công việc đặc thù của phụ huynh.

s
Bên trong lớp học, những đứa trẻ được các cô chăm sóc chu đáo từ miếng ăn đến giấc ngủ.

Đặt đứa trẻ nằm ngay ngắn trên võng, cô Na đưa bình sữa vừa mới pha vẫn còn nóng ấm. Vài phút sau, khi đã uống đủ no, em bé nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Quay người sang chỗ khác, cô giáo lần lượt trải những chiếc nệm “mini” cho các học trò lớn hơn nằm nghỉ ngơi.

“Động lực để mình đến trường mỗi ngày đó chính là tình yêu dành cho trẻ em. Nhiều năm gắn bó, mình xúc động trước những hoàn cảnh công nhân có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các mẹ đơn thân vừa phải tăng ca vừa chăm sóc con cái. Chính vì thế, mình luôn cố gắng trong công việc để phụ huynh có thể yên tâm hơn” – Cô Na chia sẻ.

Gần nửa đêm, ca làm việc cuối cùng của ngày cũng kết thúc. Sự vất vả sau một ngày làm việc của mọi người dường như tan biến khi nhìn thấy con, gương mặt non nớt lại tiếp tục giấc ngủ trên đường về nhà.

s
Gần nửa đêm, lớp học chỉ còn tiếng nói cười thưa thớt của các cô trò.
s

Ngày mai và những ngày sau nữa những đứa trẻ này sẽ lại tiếp tục đến trường lúc sáng sớm và trở về nhà giữa đêm theo vòng lặp tăng ca của bố mẹ.

Thế nhưng, chính ngôi trường có thời gian dạy học độc lạ này đã giúp cho nhiều gia đình đỡ vất vả hơn, thuận lợi trong việc chăm sóc và đưa đón con cái.

Nguồn Saostar.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây