Ngôi mộ ven đường ở Huế hé lộ số phận vị hoạn quan nổi tiếng

Thứ năm - 28/03/2024 15:05
Lập được nhiều công trạng trong khoảng thời gian phục vụ triều Nguyễn nhưng đến khi qua đời, vị hoạn quan nổi tiếng lại chọn cho mình một nơi an nghỉ giản đơn, nguyện tâm hướng về cõi Phật.
Khu lăng mộ nằm ven đường của Chưởng Thái giám Mai Văn Hoan.
Khu lăng mộ nằm ven đường của Chưởng Thái giám Mai Văn Hoan.
Nằm cạnh trục đường Thiên Thai (phường An Tây, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế), có một ngôi mộ được giới nghiên cứu quan tâm, tìm hiểu bởi thân phận khá đặc biệt của người được chôn cất bên dưới. Ngôi mộ nằm gần tháp của bổn sư Liễu Quán - người khai lập Thiền phái Liễu Quán, một nhánh thiền mang đậm phong cách của Phật giáo Việt Nam. Phía trước ngôi mộ là một tấm bia lớn, làm bằng đá gan gà rất thịnh vào thời chúa Nguyễn. Trên mặt bia khắc chữ Hán, nét chữ đã khá mờ.

Nội dung đầu tiên trên văn bia được dịch nghĩa: “Trộm hay: Mai công (Mai Văn Hoan) mạnh mẽ khí chất, rộng rãi tấm lòng; thờ Chúa hết dạ trung thành, nào chối từ khổ cực; chọn bạn một lòng đại nghĩa, thực sợ mất ân tình. Hiền lành trung hậu, như chén rượu nồng”.

Nếu không có tấm bia đá còn sót lại, sau những biến chuyển của thời gian và sự đổi thay của lịch sử, ít ai biết rằng, chủ nhân của ngôi mộ trên là Chưởng Thái giám Mai Văn Hoan (1689-1755) - một vị quan có vai trò quan trọng đối với chính quyền của chúa Nguyễn ở Đàng Trong.
s
Mộ phần của Chưởng Thái giám Mai Văn Hoan trải qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được nét rêu phong, cổ kính.
TS. Võ Quang Vinh - Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, theo bia mộ, Chưởng Thái giám Mai Văn Hoan quê ở xã An Xá, viên tử Tân Lập, huyện Duy Xuyên, phủ Thăng Hoa, xứ Quảng Nam.

Năm 16 tuổi, ngài được tuyển chọn vào làm nội giám ở phủ chúa Nguyễn. Đến năm Ất Tỵ (1725), ngài được thăng lên chức Thái giám, Chánh đội trưởng kiêm Tri chư quốc Tào vụ.

Công việc của người giữ chức Tri chư quốc Tào vụ là quản lý mọi việc liên quan đến hệ thống các tàu buôn của các quốc gia và vùng lãnh thổ đến buôn bán, trao đổi giao thương ở Đàng Trong.

“Tri chư quốc Tào vụ là một chức quan cao cấp trong hệ thống quan chức thời chúa Nguyễn bấy giờ. Thời chúa Nguyễn, vấn đề ngoại thương rất được triều đình quan tâm. Đó là một trong những nguồn lực chính yếu để xây dựng và phát triển xứ vững mạnh về tiềm lực kinh tế, quân sự”, TS. Võ Quang Vinh cho biết.
s
Cuốn "Chuẩn Đề Hiển Mật Viên Thông Tập" do Chưởng Thái giám Mai Văn Hoan soạn, đang được lưu trữ tại chùa Thuyền Tôn (Huế).
Về dấu ấn của Chưởng Thái giám Mai Văn Hoan trong lịch sử xứ Đàng Trong, TS. Võ Quang Vinh thông tin rằng, sách "Phủ Biên Tạp Lục" của Lê Quý Đôn đã nói rõ vị thái giám này không chỉ nắm quyền quản lý “Tào vụ” mà còn là quan chức quản lý về thuế lệ toàn xứ Đàng Trong.

Trong bài “Hành trạng và công đức hậu trì tam bảo của Chưởng Thái giám Mai Văn Hoan (1689-1755)” trên sách "Liễu Quán - Tổ đình Thuyền Tôn: Tự sở, truyền thừa và di sản tư liệu" do Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành vào tháng 1/2024, Đại đức Thích Đồng Dưỡng ghi: “Ngài giống như Lý Thường Kiệt. Tuy là thái giám nhưng cũng là một võ quan hay võ tướng”.

Đến năm Mậu Ngọ (1738), ngài được thăng làm Chưởng Thái giám, tức quản lý tất cả các thái giám trong phủ chúa, kiêm cai đội, nắm giữ một chức quan võ.
s
Nội dung cuốn sách ghi lại những công việc của Chưởng Thái giám Mai Văn Hoan dưới thời chúa Nguyễn, trong đó hé lộ phần nào thân phận của cuộc đời các thái giám.
Những năm cuối đời, dường như thấu hiểu nỗi cô đơn, hiu quạnh của một thái giám khi về già, Chưởng Thái giám Mai Văn Hoan quy y với Tổ sư Liễu Quán, nhận phó chúc làm cư sĩ, pháp danh Tế Ý.

“Đoán Tài hầu Mai Văn Hoan đã thực hiện nhiều công đức hộ trì quan trọng, góp phần xiển dương chánh pháp. Tiêu biểu là việc ngài hưng công xây dựng chùa Thiền Tông (Thuyền Tôn), tạo nên một chốn già lam vang danh khắp cõi rừng thiền”, Đại đức Thích Đồng Dưỡng nhận định.

Ông Ngô Dũng (61 tuổi, trú phường An Tây, TP Huế) cho biết, mặc dù ngôi mộ của Chưởng Thái giám Mai Văn Hoan được xây dựng đã hàng trăm năm nhưng từ trước đến nay, người dân địa phương chỉ quen gọi ngôi mộ cổ này là lăng Ông Phèn vì đây là đệ tử của sư tổ Liễu Quán.

“Trước đây ngôi mộ này nằm dưới thấp nhưng sau đó được trùng tu xây lên cao. Người ta tận dụng đá gan gà để xây các bậc cấp lên mộ ngài. Dân làng chúng tôi tôn kính ngài lắm nên hàng tháng thường ra quét dọn vệ sinh cho ngài”, ông Dũng cho biết.
s
Tấm bia mộ bằng đá gan gà vẫn giữ được nội dung và mang đậm tính lịch sử về vị Chưởng Thái giám.
Đại đức Thích Đồng Dưỡng cho rằng cần sớm quy hoạch mở rộng và bảo tồn ngôi mộ của Chưởng Thái giám Mai Văn Hoan, nhằm giữ cho Huế một di tích lịch sử có giá trị.

Đặc biệt, tấm bia mộ là một tư liệu quý, cần được bảo vệ và gìn giữ. Nó rất cần thiết cho các học giả hoặc những ai quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu về vai trò của các vị thái giám xưa, về tình hình Phật giáo cũng như lịch sử xứ Đàng Trong ở thế kỷ XVIII.
Nguồn Vietnamnet.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây