Người cha của 600 trẻ em cơ nhỡ

Thứ năm - 28/10/2021 03:02
Từ một đứa trẻ bụi đời, sống bế tắc, ông Vũ Tiến (Hà Nội) đã vượt qua khó khăn, nghiệt ngã của số phận để vươn lên. 30 năm qua, ông đã đi khắp nơi “nhặt” 600 trẻ em lang thang, cơ nhỡ về mái ấm của mình để chăm sóc, dạy dỗ.
Ông Vũ Tiến - người thành lập ''Gia đình trẻ em mồ côi xa mẹ'' cho 600 trẻ em lang thang. Ảnh: Lại Tấn
Ông Vũ Tiến - người thành lập ''Gia đình trẻ em mồ côi xa mẹ'' cho 600 trẻ em lang thang. Ảnh: Lại Tấn
Dạy trẻ trở thành người lương thiện
 
Ông Vũ Tiến (80 tuổi) ngồi trước cửa nhà có tên “Gia đình trẻ em mồ côi xa mẹ”, nằm ở góc phố Ngô Văn Sở (phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) uống tách trà nóng và cảm nhận tiết trời Thu se lạnh. Mái tóc, lông mày đã bạc trắng, ông Vũ Tiến từ tốn nói: “Tôi chăm sóc nốt lứa trẻ này thì sẽ nghỉ”.

Nhấp một ngụm nước chè, người đàn ông từng sống cảnh ngủ vỉa hè kể về thân phận của một em nhỏ mình đã nuôi nấng. Một người phụ nữ mang thai, sợ điều tiếng vì không có chồng, đã sinh cu Chiến ở ga Hà Nội. Từ khi lọt lòng, suốt ngày mẹ địu em trên lưng đi bới rác kiếm tiền ăn. Ba tuổi, em nặng quá mẹ không địu được nữa, mẹ gửi bà bán nước trông hộ Chiến. Sợ em lạc, chạy qua đường bị xe kẹp, mẹ phải lấy dây xích em vào cột đèn. Tám tuổi, em vẫn không biết ngủ giường. Một sớm, mẹ bới rác trong ga bị tai nạn xe lửa mất. Một năm sau, Chiến xin vào "tổ bán báo xa mẹ”.

Ngoài Chiến, ông Vũ Tiến nhớ nhất trường hợp một bé lang thang ở chợ Long Biên (quận Ba Đình, Hà Nội) khi mới khoảng 3 tuổi. “Cách đây 20 năm, trẻ con lang thang ăn xin ở chợ Long Biên nhiều lắm. Tôi ra đó mở lớp học xóa mù chữ cho các cháu, bà Oanh (vợ ông Tiến - PV) là người dạy. Trong quá trình mở lớp, ông bảo vệ chợ nói với tôi là có một thằng bé khoảng 3 tuổi, mẹ nó đi tù, không có bố, cứ đi lang thang, ai cho gì ăn nấy, có lúc ra cả thùng rác bới thức ăn” – ông Vũ Tiến kể.

Sau đó, chuyện của ông Vũ Tiến được đưa lên truyền hình, mẹ Biên đã xem và nhận ra con mình. Khi mẹ Biên ra tù, ông Tiến có ý định tìm việc làm cho người phụ nữ này để được ở gần con nhưng chị từ chối để về quê (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) chăm mẹ già. “Sau đó, cô ấy mất, khi Biên khoảng 8 - 9 tuổi. Tôi đã nuôi Biên suốt 17 năm, cho đến khi nó tốt nghiệp trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội” – ông Tiến kể.

Hiện nay, “Gia đình trẻ em mồ côi xa mẹ” đang chăm sóc, dạy dỗ, nuôi dưỡng 6 em nhỏ. Vợ chồng ông Vũ Tiến và bà Vũ Thị Ngọc Oanh năm nay đã gần 80 tuổi nhưng vẫn làm “bố mẹ” của những đứa con mồ côi. Thời điểm chúng tôi đến, các em đang học online ở nhà. Thường ngày, ông Vũ Tiến hỏi các con những câu hỏi mà không phải bố mẹ nào cũng dạy như: Tại sao phải có luật pháp, văn hóa là gì?… Bọn trẻ đều có câu trả lời như những bài học chúng đã nằm lòng. Cả 6 đứa trẻ đều biết múa hát, thông minh, khỏe mạnh và ngoan ngoãn. Ít ai nhận ra chúng là những đứa trẻ mồ côi, từng nhem nhuốc và đói khổ.

Em Quách Thị Hoài Anh (12 tuổi, Hưng Yên) được ông nhận nuôi 6 năm nay. Hoài Anh mồ côi bố từ nhỏ, mẹ nghèo quá không nuôi được em. “Em được ông bà dạy về văn hóa, lịch sử. Ông còn dạy em cả cách cầm đũa và những cái nhỏ nhặt nhất về cách ứng xử như: Biết xin lỗi khi làm sai, biết cảm ơn khi được người khác giúp đỡ... Ngoài giờ học, bà dạy chúng em học văn nghệ, tập đàn, tập múa” - Hoài Anh chia sẻ.

Nước mắt của người đàn ông 80 tuổi

Từ năm 1989 đến nay, ông Vũ Tiến và vợ - bà Vũ Thị Ngọc Oanh đã chăm sóc 600 đứa trẻ. Thời gian đầu, vợ ông Tiến chỉ có ý định nuôi ăn các em nhỏ. Nhưng sau đó, ông Tiến đã bàn với vợ phải nuôi nấng, cho các em chỗ ở, dạy học. Bởi có như vậy, những đứa trẻ bơ vơ, không nơi nương tựa mới thành người.Nói đến đây, giọng ông nghẹn lại, nước mắt chảy ra từ khóe mắt của người đàn ông 80 tuổi đã chằng chịt nếp nhăn. “600 đứa trẻ ở đây, chưa có đứa nào có quá khứ khổ như tôi. Tôi là một đứa trẻ bụi đời, sinh ra trong một gia đình quý tộc nhưng số phận nghiệt ngã, 7 tuổi mất bố. Đói, rét, đòn roi, đánh đập, tôi từng trải hết. Vỉa hè Hà Nội, chỗ nào rộng, có mái hiên để ngủ qua đêm, tôi biết hết. Tôi đã từng xin đi tù để có cơm ăn nhưng không có tội nên công an đuổi. Xin đi làm thì chưa đủ tuổi, xin đi học lại không được… Tôi bế tắc và phải sống chui lủi”.

Trong lúc chia sẻ, ông Vũ Tiến nhiều lần lau nước mắt. Để tĩnh tâm hơn, ông Vũ Tiến nhiều lần đứng lên rửa mặt nhưng cứ kể về những đứa trẻ, nước mắt lại ứa ra. “Tôi năm nay đã cao tuổi rồi, chăm sóc nốt cho những đứa trẻ hiện nay là tôi nghỉ. Giờ tôi và vợ cũng không còn nhiều sức khỏe để chăm sóc cho các con lúc đau ốm hay phải đi bệnh viện. Tôi cũng có dự định, sau này sẽ giúp đỡ các em sinh viên nghèo có chỗ ăn, chỗ ở, mua vé xe buýt cho các em. Sức đến đâu, tôi sẽ cố gắng giúp mọi người đến khi ra đi”.
Theo Kinhtedothi.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây