Hồi nhỏ, mẹ tôi có thói quen hay giữ đồ chơi của con. Đó là một chiếc hộp thiếc cũ, bà cho vào đó nào là cục rubik, con búp bê, chiếc vòng nhựa đủ màu... Mẹ tôi gọi đó là chiếc hộp kỷ niệm, chứa đựng những ký ức tuổi thơ của chúng tôi. Qua những món đồ chơi, mẹ nhớ lại quãng thời gian đó chúng tôi đã khóc nhè thế nào, say mê thứ gì và lớn lên ra sao...
Tôi tin "tuổi thơ" là một chiếc hộp ký ức đẹp đẽ nhất của mỗi người. Và, bạn đã bao giờ gặp lại tuổi thơ của mình trên hè phố chưa? Một chiếc mặt nạ, một con chuột giấy, một chùm bóng bay... Chắc hẳn những hình ảnh này sẽ khiến bạn bất giác mỉm cười, nhớ về những ngày thơ bé.
Vì thế, chúng tôi gọi bà Tư, chú Bảy trong những câu chuyện sau đây là "người gìn giữ" tuổi thơ... Và câu chuyện đời, chuyện nghề của họ cũng đầy ắp ký ức, kỷ niệm và dạt dào cảm xúc.
Giữa một Sài Gòn tấp nập, phồn hoa, với những dòng xe nhộn nhịp bất kể đêm ngày, vẫn có những người như chú Bảy, lặng lẽ trưng bày những chiếc mặt nạ trên một chiếc xe đạp cũ, đẩy xe rong ruổi khắp nơi.
Từ niềm yêu thích hát bội thuở bé, chú mày mò vẽ nên những chiếc mặt nạ đủ sắc màu và dần trở thành cái nghề, cái nghiệp, gắn liền với chú suốt tận 30 năm.
Trong nghệ thuật hát bội cổ truyền, mỗi chiếc mặt nạ đều tượng trưng cho một nhân vật. Vì thế, chú đã phải mất rất nhiều thời gian để tìm hiểu và yêu thích công việc này. Mỗi khi có vị khách ghé thăm gian hàng nhỏ của chú, chú lại say mê kể về những giai thoại ngày xưa, rằng người ta đã từng rất yêu thích một Bao Thanh Thiên liêm khiết hay một Quan Vũ dũng mãnh như thế nào.
Chú rong ruổi cùng chiếc xe đã sờn màu thời gian, giữa một thành phố luôn không ngừng đổi mới, nhưng ngọn lửa yêu nghề chưa bao giờ nguội lạnh, bởi chú muốn giữ lấy nét văn hoá này, muốn truyền ngọn lửa của niềm đam mê và sự trân trọng những giá trị truyền thống đến thế hệ mai sau.
Quá khứ là một phần của hiện tại, là nhân tố tác động đến tương lai. Trong thời đại của sự chuyển giao văn hoá, nghệ thuật ngày càng trở nên đa dạng và phong phú. Thế nhưng, có những bộ môn nghệ thuật truyền thống đang dần trở nên mai một. Vậy nên, những người trẻ chúng ta phải nhớ gìn giữ mãi những nét văn hoá cổ truyền, tránh để cho chúng chìm vào lãng quên.
Có những điều tưởng chừng như thuộc về quá khứ, nhưng suy cho cùng chỉ cần tình yêu, sự trân trọng và gìn giữ thật sâu, thì chúng sẽ không bao giờ biến mất, mà sẽ còn trường tồn mãi mãi...
Và Sài Gòn chính là như thế, dẫu phát triển và hiện đại, vẫn sẽ có những người cháy hết lòng với nghề, để lưu lại những giá trị văn hoá mãi vững bền với thời gian…
Bà Tư quê Nam Định, năm nay bà đã 74 tuổi. Vào Sài Gòn hơn 30 năm, bà mưu sinh bằng nghề thủ công, làm rắn chuột đồ chơi. Mỗi ngày, bà bán rong ruổi nhiều nơi đông người qua lại.
Bà thường ngồi ở ngã tư Nguyễn Thái Học - Trần Hưng Đạo, có đêm bà bán ở Phố đi bộ, Bùi Viện...
Hồi bé, nếu bạn đã từng chơi món đồ chơi này, chắc hẳn bạn đã có một tuổi thơ rất đủ đầy. Những con chuột giấy "biết chạy", con gà trống biết vỗ cánh... nhờ sợi dây điều khiển phía trên.
Món đồ chơi tuy đơn giản nhưng đã làm ánh mắt của biết bao đứa trẻ rạng rỡ, lấp lánh hạnh phúc. Như "bỏ mặc" xe cộ đông đúc ngoài đường, đôi tay của bà Tư thoăn thoắt đan xếp, tạo thành những con thú nhiều màu sắc.
Những khoảnh khắc bình dị, dạt dào cảm xúc của bà Tư đã được ghi lại bởi nhiếp ảnh gia Kỳ Anh. Anh chia sẻ: "Mình hy vọng mang đến nhiều cuộc đời đẹp hiện lên giữa muôn vàn khó khăn trong cuộc sống, vẻ đẹp từ giá trị lao động lên ngôi hoá thành nụ cười và niềm lạc quan vui vẻ".
Bạn Lâm Mỹ Ngọc (sinh năm 1992) chia sẻ: "So với "tụi con nít 9X", những đứa trẻ bây giờ thích cầm điện thoại hơn chơi đồ chơi. Thi thoảng, chúng bỏ quên khoảng trời đầy nắng ngoài hiên, một cuộc rượt đuổi khắp hẻm với đám bạn hay một trận tắm mưa "đã đời" để rồi sau đó đứa nào cũng bệnh... Nhưng không trách được, mỗi thế hệ có sở thích, sự quan tâm và những giá trị riêng.
Đối với mình, khi gặp được những cô bác lớn tuổi như bà Tư, mình sẽ ghé lại mua. Mình đã "lố tuổi" để chơi trò chơi rồi, nhưng mình muốn mua lại một phần ký ức tuổi thơ. Hơn nữa, mình muốn ủng hộ cô bác vẫn âm thầm, lặng lẽ làm ra những món đồ chơi thủ công, giữa thời đại công nghệ này".
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự