Thầy giáo 10 năm gieo chữ ở vùng khó Pờ Chừ Lủng

Chủ nhật - 07/11/2021 23:03
10 năm trong nghề cũng là ngần ấy thời gian thầy giáo Hò Văn Lợi (người dân tộc Giáy) kiên trì đưa con chữ đến với các em học sinh vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang.
Thầy giáo Hò Văn Lợi 10 năm gắn bó với học sinh vùng đặc biệt khó khăn tại Yên Minh.
Thầy giáo Hò Văn Lợi 10 năm gắn bó với học sinh vùng đặc biệt khó khăn tại Yên Minh.

10 năm in dấu chân trên đá

Những ngày đầu tháng 11, điểm trường tổ 2, thôn Pờ Chừ Lủng đóng của Trường PTDT bán trú Tiểu học Ngam La (xã Ngam La, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang) sương giăng dày đặc. Đây là nơi thầy giáo Hò Văn Lợi đang công tác.

Con đường dẫn vào Pờ Chừ Lủng được chia thành 2 đoạn, đoạn đầu mất khoảng 1 giờ đi xe máy với những con đường dốc đá nhỏ hẹp. Còn đoạn thứ 2 phải đi bộ mất thêm 2 giờ nữa. Đường đi bộ lởm chớm đá núi, nhiều đoạn đang được người dân góp sức phá đá lót đường, đoạn còn lại thì nhầy nhụ bùn đất. Với người dưới xuôi mới đến lần đầu thì cũng phải mất cả nửa ngày mới leo hết con đường này.

Thôn Pờ Chừ Lủng hiện là thôn sâu, xa nhất của xã Ngam La với 100% là đồng bảo dân tộc Mông. Thôn nằm chơ vơ giữa đại ngàn với những ngọn núi còn vắng dấu chân người qua lại. Pờ Chừ Lủng nghèo lắm, tất cả có 54 hộ dân thì có đến 52 hộ thuộc diện nghèo, 2 hộ còn lại thì có khá hơn nhưng cũng thuộc diện… cận nghèo.

Sinh ra và lớn lên tại Yên Minh, vì nhiều lý do nên mãi đến 10 tuổi cậu bé Hò Văn Lợi mới bắt đầu đi học. Đến lớp, được chứng kiến các thầy giáo, cô giáo không quản ngại khó khăn vào vùng sâu, vùng xa dạy học, đã khiến Hò Văn Lợi nuôi dưỡng ước mơ trở thành giáo viên.

1
Đường lên điểm trường ở Pờ Chừ Lủng, xã Ngam La, huyện Yên Minh, Hà Giang.

"Con đường này gần 10 năm nay tôi đã đi qua, trước còn khó đi hơn nhiều, giờ đỡ hơn chút, từng viên đá, cái cây, khúc cua tôi đều quen thuộc. Nói là quen nhưng cũng phải ngã xe nhiều lần, thủng xăm cong vành thì không thể tính hết thì mới quen được. Được cái, tôi sinh ra ở vùng núi đá từ nhỏ, đi bộ nhiều nên cũng quen và rèn luyện thêm sức khỏe cho bản thân, ít ốm đau, bệnh vặt”. Thầy Hồ Văn Lợi chia sẻ.
 

Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau khi tốt nghiệp lớp 12 năm 2004, Lợi không đi học tiếp mà nghỉ học, làm thợ sơn để lo kinh tế cho gia đình.

Làm được khoảng 5 năm, được sự động viên của vợ (hiện đang là giáo viên mầm non) và gia nên Lợi quyết tâm theo học cao đẳng ngành sư phạm vào năm 2009. Tốt nghiệp năm 2011, anh Lợi về công tác tại địa phương sau đó là được chính thức chuyển về, Trường PTDT bán trú Tiểu học Ngam La, gắn bó với điểm trường Pờ Chừ Lủng từ đó đến bây giờ.

Pờ Chừ Lủng được chia làm 3 cụm dân cư riêng rẽ gồm các cụm dân cư 1, 2 và 3, mỗi cụm cách nhau vài giờ đi bộ. Trong đó cụm 1 được coi là “trung tâm” vì còn có đường xe máy chứ cụm 2 và 3 thì phải đi bộ hoàn toàn.

Ngày thầy Lợi mới lên điểm trường, đường đi lại rất khó khăn. Học sinh tại điểm trường đều là con em người đồng bào dân tộc. Ở đây các em học lớp 1, 2 sau đó được đón về điểm trường chính ở nội trú và học tập.

“Do quanh khu vực các điểm trường đều là núi đá vôi nên luôn thiếu nước, trong khi điện lưới thì chưa có. Chủ yếu sử dụng nước mưa từ mái chảy xuống để uống, quần áo thì phải cuối tuần để vào ba lô mang về để giặt. Mọi sinh hoạt của giáo viên và học sinh rất khó khăn.

Hầu hết các giáo viên đều tận dụng thời điểm rảnh rỗi ban ngày để soạn giáo án. Ban đêm rét, mùa đông có khi xuống đến 1, 2 độ nên không thể làm việc được nên cứ ăn cơm xong là mọi người lên giường đắp chăn đi ngủ. Cả điểm trường im phăng phắc, chìm trong sương rét của núi rừng” – Thầy Lợi nhớ về quãng thời gian mới nhận công tác tại điểm trường ở Pờ Chừ Lủng.

1
Học sinh tại Pờ Chừ Lủng do thầy Hò Văn Lợi chủ nhiệm.

Vẫn chọn nghề giáo

Sinh hoạt của giáo viên tại điểm trường có đôi chút đặc biệt, ngày bình thường lên lớp với học trò. Hết giờ thì thầy cô chia nhau mỗi người một việc. Người thu dọn lớp học, người đi kiếm thân ngô làm củi, người chuẩn bị bữa cơm chiều. Công việc cứ lặp lại ngày này qua ngày khác, chẳng ai cần bảo ai phải làm gì.

“Lúc mới lên, xa nhà, xa vợ, không truyền hình, không điện thoại, nhiều khi nhớ nhà lắm muốn về nhưng nghĩ đến học sinh, nghĩ đến trách nhiệm nghề nghiệp nên vẫn quyết tâm bám trường, bám lớp. Có nhiều lúc, dù thời tiết xấu, mưa rét nhưng trong những năm công tác tác mình chưa nghỉ ngày nào.

Hiện nay, sóng điện thoại tại Pờ Chừ Lủng đã có nhưng muốn bắt được phải đi dò mất cả giờ đồng hồ. Nhiều lúc nói được vài câu rồi lại mất. Cũng may là giờ đã có điện thắp sáng, lớp học được cải thiện nên cuộc sống và việc dạy học cũng đỡ hơn phần nào” - Thầy Lợi chia sẻ.

1
Giờ ra chơi của học sinh tại điểm trường ở Pờ Chừ Lủng.

Để tạo điều kiện cho giáo viên bám điểm trường, hằng năm nhà trường đều tổ chức luân chuyển giáo viên giữa điểm trường chính và các điểm trường phụ. Từ tháng 5/2019, sau 4 năm ở trên điểm cụm 2 thầy Lợi được chuyển về điểm trường chính, hai cô giáo lên thay nhưng tháng 9 vừa rồi khi đi dạy học do đường trơn, khó đi nên hai cô giáo không may bị ngã. Thầy Lợi lại xung phong tiếp tục lên điểm cụm 2 thay thế để dạy học.

Suốt những năm trong nghề, thầy Lợi không thể nhớ hết những ngày cùng đồng nghiệp lặn lội đến các thôn, bản để tuyên truyền, vận động học sinh không bỏ học giữa chừng.

“Đối với học sinh miền xuôi đi học đều là chuyện bình thường nhưng ở miền núi chuyện học sinh bỏ học giữa chừng là chuyện không hiếm, thậm chí phổ biến. Đường xá di chuyển khó khăn, xa xôi bố mẹ học sinh nhiều khi bận việc trên nương nên không cho con đến lớp. Nhất là mùa đông, nhiệt độ xuống thấp học sinh ở các cụm 2 và 3 đi học rất ít.

Các em đến lớp cũng chỉ có lớp áo mỏng, rét run nên thầy cô lại phải đốt lửa sưởi ấm cho học trò rồi mới vào lớp dạy học được. Mỗi lần có học sinh nghỉ học, các thầy cô lại phân công nhau đến từng nhà để vận động phụ huynh cho con em mình đến trường, có khi không gặp bố mẹ học sinh vào ban ngày, đến tối mọi người lại cầm đèn đi đến mới gặp được”- thầy Lợi tâm sự.

1
Lớp học và cặp sách do các nhà hảo tâm trao tặng cho học sinh tại điểm trường Pờ Chừ Lủng.

Gần 10 năm gắn bó với nghề, với học sinh, thầy Lợi vẫn giữ cho mình một đam mê với nghề giáo.

“Tôi luôn tự nhủ bản thân phải bằng tình yêu thương và trách nhiệm trong công tác. Mong muốn đóng góp một phần sức nhỏ bé của mình mang cái chữ đến với các em học sinh, giúp các em có thêm hy vọng về một tương lai tương sáng ở phía trước. Còn tôi, nếu được chọn lại dù biết trước được rất nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn sẽ chọn làm một thầy giáo vùng cao” - Thầy Lợi chia sẻ thêm.

Được sự quan tâm của Nhà nước và các nhà hảo tâm, cuộc sống đồng bào Mông ở Pờ Chừ Lủng dần được cải thiện nhưng vẫn còn rất khó khăn. Cũng vì thế mà các thầy cô ở đây luôn ý thức được tầm quan trọng của mình trong việc “gieo chữ” nơi vùng cao heo hút này. Trong công tác, thầy cô luôn kiên trì hết hợp với sáng tạo để truyền dạy con chữ đến với các em.

Thầy giáo Đặng Ngọc Bường, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học Ngam La cho biết: Thầy Lợi là người hiền lành, có chuyên môn khá, được Ban giám hiệu và đồng nghiệp quý mến. Công tác tại trường 10 năm, dạy học trong môi trường đặc thù, khó khăn nhất của nhà trường nhưng thầy Lợi luôn kiên trì và hoàn thành nhiệm vụ mà đơn vị phân công. Dù còn nhiều khó khăn nhưng nhà trường luôn động viên và tạo điều kiện có thể để thầy Lợi và thầy cô ở các điểm trường yên tâm công tác.
Theo Giaoducthoidai.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây