"Thầy giáo làng" 30 năm ròng xóa mù chữ cho người dân sông nước

Thứ bảy - 20/11/2021 05:24
Dù đã lớn tuổi nhưng vào chiều thứ 4 và chủ nhật hằng tuần, thầy Trần Văn Hòa ở vùng quê nghèo Thừa Thiên Huế vẫn đều đặn đến điểm trường phổ cập xóa mù chữ cho người dân vùng sông nước đầm phá Tam Giang.
Lớp học xóa mù chữ do "thầy Hòa" giảng dạy
Lớp học xóa mù chữ do "thầy Hòa" giảng dạy

Do những điều kiện cuộc sống, người dân sống ở khu vực Đầm Sam (một phần của xã Phú An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) ít được học hành đến nơi đến chốn. Bao nhiêu năm nay nghề nghiệp chính của họ là đánh cá bắt tôm ở vùng sông nước để lo bữa cơm gia đình qua ngày. Nói về việc học hành ai cũng cho rằng cuộc sống còn khó khăn chưa đủ ăn, đủ mặc, lấy đâu ra điều kiện cho con cái ăn học.

Chứng kiến cảnh trẻ em thất học, đời này qua đời khác nối nhau giữ nghề đánh bắt cá, ông Trần Văn Hòa (sinh năm 1960) - mặc dù mới học qua lớp học kiểu mẫu, quá trình học còn dang dỡ do điều kiện gia đình khó khăn nhưng ông vẫn chọn ở lại quê hương, nuôi mộng gieo con chữ cho người nghèo trong làng.

Với quyết tâm đó, tháng 6/1990 ông Hoà đã quyết định dựng một căn chòi sát bên nhà, mở lớp dạy xoá mù chữ miễn phí cho người dân trong vùng.

Nhớ lại những ngày đầu mở lớp học tình thương, ông Hòa chia sẻ, mới đầu ông chỉ nhận trẻ em có hoàn cảnh khó khăn để dạy học. Nhưng sau này, ông nhận thấy cần phải dạy chữ cho cả bố, mẹ của các em. Vì thế ông vận động thêm phụ huynh, những người lớn tuổi, đặc biệt là chị em phụ nữ vào lớp học.

“Nhiều người trong số họ khi được vận động đến lớp vẫn chưa hiểu được tầm quan trọng của việc học, chỉ một suy nghĩ duy nhất trong đầu là làm gì để có được cái ăn, cái mặc qua ngày…”, ông Hòa tâm sự.

257333347_601950521045570_5771296288946022908_n
Dù đã lớn tuổi nhưng đến nay "thầy Hòa" vẫn đều đặn đến điểm trường phổ cập xóa mù chữ cho những người dân quanh năm sống trên sông nước.

Để nâng cao trình độ cho mình và có thêm kiến thức truyền lại cho bà con, năm 2006, ông Hòa quyết định đi học lại bậc THPT dù đã lớn tuổi. Sau khi lấy được tấm bằng bổ túc lớp 12 vào 2008, ông còn học thêm 3 tháng nghiệp vụ sư phạm để nâng cao kĩ năng dạy học.

Là lớp xoá mù chữ nên ông Hoà chỉ dạy môn tiếng Việt và Toán học từ lớp 1 đến lớp 4 để giúp các em biết đọc thông viết thạo. Sau đó, nếu em nào có nguyện vọng đi học, ông Hoà sẽ giới thiệu ra các điểm trường chính của huyện.

Tiếng lành đồn xa, lớp học tình thương giúp người dân nghèo của “thầy Hòa” được nhiều người biết đến. Vì thế, mỗi ngày trôi qua lại có thêm nhiều người dân và trẻ em trong vùng đến nhờ thầy dạy chữ.

Thấu hiểu việc làm ý nghĩa và những khó khăn, vất vả trong việc tổ chức dạy học của ông Hòa, năm 2000, Tổ chức ACWP – Hoa Kỳ thông qua chính quyền địa phương đã tài trợ vốn, xây dựng căn nhà cấp 4, với diện tích là 30m2 làm điểm trường cho ông Hòa dạy học cho bà con trên địa bàn.

Hơn 30 năm qua, nhờ có sự nỗ lực từ ông Hoà nên những suy nghĩ có phần lệch lạc về việc đi học của bà con vùng sông nước giờ đây đã có sự thay đổi.

257842007_318345523136085_8932460579755442327_n

258342566_959806751278479_3650162157348342910_n
Những người lớn tuổi trong lớp học tình thương của "thầy Hòa" giờ đây đã biết đọc, biết viết từng con chữ.

Khi hỏi về việc trợ cấp cho công sức ông bỏ ra 30 năm qua ông Hòa cho hay, ông chưa khi nào nhận một đồng tiền công của bà con. Mong muốn của ông là dạy học cho người dân ở đây đến khi nào sức khoẻ không cho phép thì dừng.

“Thời điểm này, có rất nhiều người tốt nghiệp bằng đại học chính quy nhưng vẫn không có việc, tôi học hành chắp vá như này cũng không mong gì hơn, chỉ mong người dân trong làng, từ người già đến trẻ nhỏ biết đọc, biết viết, xóa nạn mù chữ”, ông Hoà chia sẻ.

Không chỉ truyền đạt kiến thức, dạy từng con chữ cho người nghèo, “thầy Hòa” còn là “cầu nối” với các nhà hảo tâm để giúp đỡ các em học sinh khó khăn có thêm cuốn vở, cây bút.

Nhờ những nỗ lực và tâm huyết không ngừng, suốt 30 năm qua thầy Hòa đã chắp cánh ước mơ cho nhiều học sinh ở vùng quê nghèo đầm Sam để vươn tới các giảng đường cao đẳng, đại học.

“Mong sao ông trời cho mình có sức khỏe để mình có thể giúp được thêm nhiều người chưa biết chữ hơn nữa mong các cơ quan cùng chính quyền địa phương, phụ huynh tạo điều kiện cho những trẻ có hoàn cảnh khó khăn được đến trường, đến lớp” – người thầy giáo làng tâm sự thêm.

Theo Giadinhonline.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây