“Quan tòa” của làng
Đặt chân trở lại làng Klăh sau nhiều năm, chúng tôi khá bất ngờ khi ngôi làng giờ đây khoác “chiếc áo” khang trang, đẹp đẽ hơn, nhà cửa mọc san sát và ấn tượng nhất vẫn là đường làng sạch sẽ. Một lãnh đạo xã cho chúng tôi biết, đường làng sạch, đảm bảo vệ sinh một phần có sự đóng góp của già Rơ Lan HLếk.
Lúc này, già HLếk nghĩ nếu có xe rùa thì các hội, đoàn, đơn vị quản lý tuyến đường sẽ thu gom phân bò tiện hơn, gom xong thì có thể bán để lấy tiền làm quỹ. Do các tổ chức hội đoàn chưa có điều kiện mua xe rùa, già HLếk bày tỏ ý định muốn tài trợ. Sau nhiều lần bàn bạc và thống nhất, già HLếk chi tiền mua 3 xe rùa hỗ trợ các tổ chức thôn thu dọn phân bò. “Tôi không giàu có gì, nhưng với mong muốn đường sá được sạch đẹp nên ủng hộ. Tiền ủng hộ, tôi trích từ tiền vay dùng việc gia đình trước đó. Bây giờ nhìn đường sá sạch sẽ, tôi rất vui mừng”, già HLếk nói.
Không chỉ tình nguyện giúp làm đẹp, bảo vệ môi trường thôn xóm, già HLếk còn được tín nhiệm như một “kỹ sư” nông học, một “quan tòa”. Đang trò chuyện cùng chúng tôi nhưng điện thoại của già HLếk reo liên hồi, lúc thì thôn gọi mời tham gia họp, lúc thì người trong làng điện hỏi kinh nghiệm chăm sóc cây trồng, chăn nuôi. “Dân hỏi, mình biết thì giải đáp, tất tần tật. Có việc gì thôn cần, mình cũng đến. Có những chuyện thôn xử lý không được, cũng gọi mình. Như chuyện tham gia phân xử, hòa giải mâu thuẫn cho người trong làng. Những việc tổ hòa giải thôn không làm được, đều gọi mình đến phân xử hết”, già HLếk chia sẻ.
Theo già HLếk, ở mỗi thôn đều có tổ hòa giải, có nhiệm vụ phân xử, hòa giải các mâu thuẫn từ tranh chấp đất đai, đến chuyện vợ chồng cãi nhau, hay chuyện trộm cắp. Từ lúc đảm nhận vai trò già làng, già HLếk đã tham gia không ít vụ hòa giải mà tổ hòa giải của thôn bất lực. Điển hình nhất là hòa giải mâu thuẫn giữa hai gia đình Rơ Lan Plut và Rơ Lan Pem (làng Klăh). Chuyện là giữa hai gia đình này mâu thuẫn vì nghi ngờ ăn trộm, dẫn đến đánh nhau. Tổ hòa giải thôn đã mời hai gia đình lên hòa giải nhưng không thành công. Sau đó, tổ mời già đứng ra phân xử. Trước mặt hai gia đình và tổ hòa giải, già hỏi mâu thuẫn bắt đầu từ đâu, phân tích ai đúng ai sai, qua đó xác định vụ việc chỉ là hiểu lầm. Nghe già phân xử, hai bên đã hiểu ra sự việc nên bắt tay nhau, rồi cùng uống ly rượu hòa giải. Già cũng nhấn mạnh vai trò của tình làng nghĩa xóm, qua đó căn dặn bà con trong làng phải đề cao sự đoàn kết, giúp đỡ nhau, cùng nhau sống hòa thuận.
Để xác thực câu chuyện, chúng tôi gặp chị Rơ Lan Plut. “Chuyện cũng qua rồi. Hồi đó chưa hiểu chuyện nên xảy ra hiểu lầm. May có già HLếk uy tín đứng ra phân tích hợp lý chúng tôi mới hiểu ra sự việc nên chấp thuận hòa giải. Những mâu thuẫn đã xóa bỏ, không còn ghét bỏ nhau nữa đâu”, chị Rơ Lan Plut bày tỏ cảm kích đối với vị “quan tòa” HLếk.
Tấm lòng của già H’Blâm
Ngược về làng Krông, chúng tôi bắt gặp chị Siu Kéo vừa đi thả bò từ cánh đồng về, gương mặt lộ rõ sự háo hức. Không vui sao được khi con bò chị đang chăn thả ngoài đồng kia hiện đang mang bầu lần thứ 2. “Chuyện tôi có bò nuôi cũng nhờ già Ksor H’Blâm cả. Hồi trước, gia đình còn khó khăn nên chẳng có con bò nào. Thấy nhiều người đến nhà già Ksor H’Blâm mượn tiền để làm ăn, nên năm 2019 tôi mạnh dạn qua mượn con bò cái của già để về gây dựng đàn bò cho riêng mình. Già H’Blâm không suy nghĩ gì mà gật đầu ngay. Con bò tôi mượn của già chính là bò cái đang mang bầu lần 2 đấy”, chị Siu Kéo cười nói.
Chúng tôi gặp già H’Blâm khi già mới đi nhận bằng vinh danh “Gương sáng pháp luật” về. Già cho biết được bầu làm già làng đã 26 năm nay. Trong nhà già không thấy tài sản gì giá trị ngoài những tấm bằng khen cấp xã, huyện, tỉnh và Bộ trưởng Bộ Công an tặng. Đề cập đến việc cho dân mượn bò, mượn tiền phát triển kinh tế, già H’Blâm xua tay nói: “Không phải già cho mượn là già giàu đâu. Thực ra già chẳng giàu vật chất gì cả. Chẳng qua có ít tiền tích cóp. Thấy người ta nghèo hơn thì già thương, giúp họ thôi”.
Già H’Blâm được bầu làm già làng đã 26 năm nay.
Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơ Nguyễn Tuấn Anh cho biết, nhờ sự giúp đỡ cho mượn tiền, mượn bò của già H’Blâm mà một số bà con có đời sống tốt hơn hồi xưa. “Ngoài việc giúp dân, già H’Blâm còn có đóng góp rất lớn trong việc xây dựng nông thôn mới, cũng là người đi đầu trong việc tuyên truyền xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong làng. Nhờ đó mà đời sống, văn hóa người dân tiến bộ, tình trạng vi phạm pháp luật giảm rõ rệt”, ông Nguyễn Tuấn Anh tâm sự.