Ước mơ của thầy giáo cắm bản nơi biên giới

Thứ ba - 21/12/2021 15:48
“Đối với giáo viên miền xuôi lên cắm bản, day dứt nhất có lẽ là phải xa con nhỏ. Bố mẹ dạy học, nhưng chưa một lần được cùng con tựu trường, khai giảng, bên con khôn lớn".
Thầy Toàn đã gắn bó với học sinh người Mông gần 20 năm. Ảnh: TG
Thầy Toàn đã gắn bó với học sinh người Mông gần 20 năm. Ảnh: TG

Thầy Nguyễn Trọng Toàn – giáo viên Trường Tiểu học Đoọc Mạy, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An tâm sự như trên đồng thời bày tỏ: "Tất cả sự nhớ thương mong mỏi đó, tôi chỉ biết dồn vào học trò, như một sự bù đắp cho chính mình và cho lũ trẻ còn quá nhiều thiệt thòi nơi đây”.

Học làm con của dân bản

Năm 2002, tốt nghiệp ngành Sư phạm Tiểu học (Trường CĐSP Nghệ An), Nguyễn Trọng Toàn (SN 1979) gói mấy bộ quần áo vào balo rời quê nhà Thanh Chương đi lập nghiệp. “Khi đó, giáo viên ở miền xuôi hầu như đã đủ. Muốn theo nghề, chỉ có lên vùng cao. Vậy là tôi lên Kỳ Sơn, huyện biên giới xa nhất xứ Nghệ”, thầy Toàn nhớ lại ngày đầu vào ngành.

Tới nơi, thầy Nguyễn Trọng Toàn được phân công về Trường Tiểu học Đoọc Mạy. Trường đóng chân ở xã biên giới vùng sâu, vùng xa và nằm ở độ cao 1.200m so với mực nước biển. Chưa có đường giao thông thuận lợi, muốn vào trường thầy phải thuê xe ôm. Nhưng có đoạn xe chở người, cũng có đoạn người xuống đẩy, cõng xe qua suối, đoạn lầy lội, sạt lở. Không ít người đã bỏ về khi còn chưa kịp vào tới nơi, vì xa xôi, thực tế khó khăn quá sức tưởng tượng, vì nản lòng không thể cố gắng hơn được nữa. “Nhưng tôi là con nhà nông, vất vả từ bé quen rồi. Trong nhà, anh chị đã phải nghỉ học giữa chừng cho tôi được đi học đến nơi đến chốn. Vậy thì mình phải cố gắng”, thầy Toàn kể.

Ngót 20 năm gắn bó với vùng đất biên giới Đoọc Mạy, nhưng chiếm phần lớn thời gian thầy Toàn dạy ở điểm trường ở bản, từ Huồi Viêng, Noọng Hán, Huồi Khơ, Phà Nọi... Đến nay, để đến được các điểm trường lẻ của Đoọc Mạy vẫn vô cùng khó khăn, đường đi xa xôi, dốc đá. Như điểm bản Huồi Khơ, chỉ cách trường chính có “mấy quãng dao quăng” nhưng đi đường bộ lại xa tận... 70km, phải vòng qua 3 xã biên giới khác là Na Loi, Bắc Lý, Mỹ Lý mới tới Huồi Khơ. Vì vậy, thầy Toàn và giáo viên nam khác của trường xung phong luân phiên đi điểm lẻ, nhường điểm chính thuận lợi hơn cho cô giáo. Là giáo viên “cắm bản”, sau giờ học, thầy Toàn lại đi thăm nhà học sinh, tìm hiểu đời sống, văn hóa, học nghe hiểu tiếng Mông.

1
Thầy Nguyễn Trọng Toàn và lớp ghép 1+2 tại điểm bản Phà Nọi, Trường Tiểu học Đoọc Mạy, Kỳ Sơn, Nghệ An.

Thuở ấy, bọn trẻ ở điểm lẻ chẳng bao giờ nhớ lịch đến trường. Cứ đến mùa rẫy lại theo bố mẹ vào lán trong rừng. Hết mùa, về nhà mới quay lại lớp học. Vì vậy, sĩ số lớp học không bảo đảm. “Thời gian đó, cứ rảnh rỗi tôi lại theo cả bố mẹ học sinh lên rẫy. Bà con tỉa hạt, trồng bầu, bí, khoai tôi cũng làm theo. Rồi tranh thủ trò chuyện, thuyết phục họ cho con về đi học đầy đủ”, thầy Toàn   nhớ lại.

Có phụ huynh nói với thầy, cho anh chị về đi học, thì đứa nhỏ không ai trông. Khi ấy, trường mầm non chưa có, vậy là thầy nhận luôn việc “trông trẻ” để học trò của mình được về nhà đi học. Trong điểm trường nơi lưng chừng núi ngày ấy, thầy vừa dạy, vừa dỗ, vừa tổ chức vui chơi cùng học sinh.

Ở nơi này, cũng chẳng có giờ giấc cụ thể mà theo thời tiết. Có hôm trời mưa, sương mù, phải đợi nắng lên hoặc sương tan, vì trong bản không có điện, lớp học tối om. Nhưng thầy dạy cả ngày, cả thứ 7, Chủ nhật mà chưa bao giờ nghĩ đến chế độ tăng tiết. Tranh thủ mọi lúc nói chuyện với học sinh để tăng cường tiếng Việt, tạo niềm vui, thân thiện khi các em đến lớp với thầy.

1
Niềm vui của thầy Toàn là nhìn thấy học trò thích đi học và đến lớp đầy đủ.

Gửi yêu thương, ước mơ vào học trò

Những năm đầu, tiền lương hợp đồng của thầy Toàn chỉ gần 800 nghìn đồng/tháng, mà tiền xe ôm từ Đoọc Mạy ra thị trấn Mường Xén đã hơn 500 nghìn đồng. Vì vậy, mỗi năm, thầy Toàn chỉ dám về nhà vào dịp Tết và hè. Nhưng ở nơi “trời thấp, đất cao” biên giới này, thầy Toàn gặp được bạn đời của mình, là cô giáo mầm non, cũng từ dưới xuôi lên Kỳ Sơn.

Cả hai mượn đất dựng tạm căn nhà nhỏ gần trường chính để ở và đi dạy. Con gái đầu lòng chào đời, nhưng mới hơn 2 tuổi rưỡi, vợ chồng đành gửi về quê nội ở Thanh Chương. “Bố mẹ ở trường cả ngày, biền biệt trong điểm lẻ, chẳng thể trông nom. Hơn nữa, con lớn lên bất đồng ngôn ngữ, khác biệt dân tộc, văn hóa, sẽ khó hòa nhập...”, thầy Toàn tâm sự.

Là giáo viên cắm bản, vất vả, thiếu thốn nào thầy cũng đã trải qua. Nhưng nỗi nhớ thương con thì day dứt khôn nguôi. Ước mong xa xỉ của vợ chồng thầy chỉ là một lần được cùng con tựu trường, khai giảng, bên con khôn lớn... Mỗi lần về quê rồi “trốn con” quay lên trường dạy học. Con khóc, bố mẹ cũng rơi nước mắt. Cũng bởi vậy mà phải đến 10 năm sau, hai vợ chồng thầy Toàn mới sinh cháu thứ 2. Con lên 4 tuổi, tiếp tục được gửi về ở với chị gái và cô ruột vì ông bà già yếu.

1
Gian bếp tạm của thầy Toàn khi cắm bản tại điểm lẻ.

“Giờ thông tin liên lạc thuận tiện hơn, có mạng Internet để gọi video. Xa bố mẹ, các con cũng tự lập, tự giác hơn. Tất cả nỗi nhớ thương con, tôi chỉ biết dồn vào học trò, như một sự bù đắp cho chính mình và cho lũ trẻ còn quá nhiều thiệt thòi nơi đây”, thầy Toàn chia sẻ.

Thầy Nguyễn Trọng Toàn là người đầu tiên ở Đoọc Mạy và cũng là một trong số ít giáo viên tiểu học của Kỳ Sơn đạt danh hiệu dạy giỏi cấp tỉnh. Đặc biệt, thầy có nhiều sáng kiến kinh nghiệm về phương pháp dạy học cho học sinh dân tộc thiểu số. Từ bồi dưỡng mũi nhọn, phụ đạo học sinh đại trà, gặp hoàn cảnh nào, thực tế ra sao, thầy lại viết kinh nghiệm ở đó.

Năm học này, thầy tiếp tục được phân công cắm bản Phà Nọi, điểm khó khăn nhất của Trường Tiểu học Đoọc Mạy. Hai năm nay, học sinh lớp 3, 4, 5 được ra điểm chính ở bán trú. Bản Phà Nọi chỉ còn thầy Toàn phụ trách lớp ghép 1+2. Sĩ số cả 2 lớp vỏn vẹn 10 em, nhưng đều học Chương trình SGK mới, vất vả gấp bội. Nhưng với lũ trẻ, lúc nào thầy cũng nhẹ nhàng, khích lệ, chăm học trò như chăm con. Đặc thù của học sinh người Mông có tính tự trọng rất cao. Các em thích được khen, nói lời tình cảm.

Mỗi ngày, thầy Toàn dậy từ 4 giờ sáng, nấu cơm, cho vào cặp lồng, rồi vào bản. Thầy trải lòng: “Cắm bản, thức khuya dậy sớm vượt đèo dốc đã trở nên quen thuộc. Thiếu thốn, khó khăn nào tôi cũng đã qua. So với trước kia, điều kiện dạy học ở Đoọc Mạy đã tốt lên rất nhiều. Học trò đến lớp đầy đủ, thích đi học, mạnh dạn giao tiếp hơn. Với tôi, đó là điều hạnh phúc và không có gì hối tiếc khi dạy học nơi rẻo cao biên giới này”. 
Theo Giaoducthoidai.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây