Chỉ đường về cho người từng sa chân lỡ bước với ma túy

Chủ nhật - 12/12/2021 16:01
Từ bỏ được ma tuý đã khó, làm thế nào để hoà nhập với cộng đồng mà không tự ti, mặc cảm lại càng khó hơn. Thấu hiểu được những khó khăn đó, nhiều dì, nhiều chị đã dang rộng vòng tay giúp đỡ, là điểm tựa cho những người từng có một thời lầm lỗi.
Cô Nguyễn Thị Lang (áo đen) là gương điển hình trong công tác quản lý, giáo dục và cảm hóa thanh niên sau cai, tái hòa nhập cộng đồng.
Cô Nguyễn Thị Lang (áo đen) là gương điển hình trong công tác quản lý, giáo dục và cảm hóa thanh niên sau cai, tái hòa nhập cộng đồng.

Chuyên cảm hóa thanh niên sau cai

Cô Nguyễn Thị Lang (Phường 8, Phú Nhuận, TPHCM) là một tấm gương tiêu biểu trong thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng, giúp người lầm lỗi tại cơ sở vươn lên làm lại cuộc đời. Cô Lang luôn có nhiều hình thức vận động, tuyên truyền, đã tạo kết quả tích cực trong giúp đỡ người sau cai nghiện, phụ nữ yếu thế vượt qua mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng và làm lại cuộc đời bằng con đường làm ăn chân chính, lương thiện.

Cô Lang năm nay đã gần 70 tuổi, đang bị bệnh suy tim, suy thận giai đoạn cuối, mỗi tuần phải chạy thận hai lần. Thế nhưng, cô vẫn đang giữ chức là trưởng ban điều hành khu phố 3. Trước đó, từ những năm 1990 cô đã tham gia công tác Hội với vai trò là Chi hội trưởng phụ nữ khu phố.

Chỉ đường về cho người từng sa chân lỡ bước với ma túy - Ảnh 1.
Dù sức khỏe yếu kém nhưng vô Lang vẫn nhiệt tình tham gia các hoạt động cộng đồng tại địa phương.

Cô Lang được biết đến là người chuyên cảm hóa thanh niên sau cai. "Công tác hỗ trợ người lầm đường lạc lối tái hòa nhập luôn gặp nhiều khó khăn, không phải ai cũng làm được. Thế nhưng, cô Lang dù sức khỏe yếu kém nhưng vẫn có cách làm sáng tạo, cách tiếp cận gần gũi và trái tim thương người. Cô là gương điển hình trong công tác quản lý, giáo dục và cảm hóa thanh niên sau cai, tái hòa nhập cộng đồng. Mấy em thanh niên dù chưa tốt, chưa ngoan, nhưng hễ gặp cô là gật đầu chào hỏi. Cô khuyên chuyện gì các em cũng nghe, nhờ việc gì cũng làm" Chị Lê Thị Thanh Thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Phú Nhuận nhận xét.

Nói về công việc giúp đỡ đối tượng sau cai, cô Lang chia sẻ kinh nghiệm: "Thông tin ban đầu phải nắm lại từ công an. Nhưng lợi thế là tôi biết rõ hoàn cảnh từng em, tìm lý do đến thăm rồi vận động, tạo niềm tin và hỗ trợ một chút vật chất ban đầu. Tiếp cận nhiều sẽ biết tính cách từng em, tìm hiểu nhu cầu rồi đưa ra phương án giúp đỡ".

Từ những năm 1990 đến nay, cô đã làm việc qua các vị trí như: Công tác xóa đói giảm nghèo, Chủ tịch Hội Khuyến học, Trưởng Ban điều hành khu phố, Tổ trưởng Tổ dân phố 33. Cô nhận nhiều bằng khen, giấy khen từ Trung ương, thành phố, quận và phường. Trong đó có 5 bằng khen của UBND TPHCM, 2 kỷ niệm chương của Trung ương Hội Chữ thập đỏ, Hội LHPN Việt Nam.

Tạo việc làm cho phụ nữ có H

Còn chị Nguyễn Thị Nguyệt Cầm (quận 3, TPHCM) là đồng đẳng viên của Quận 3 trong lĩnh vực tuyên truyền phòng chống HIV, hỗ trợ sau cai. Chị từng là trưởng nhóm bình minh đêm và CLB Chúng tôi là phụ nữ - CLB Sen xanh (Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP HCM).

Trong quá khứ, chị từng vấp ngã trước "nàng tiên nâu". Sống một cuộc sống phụ thuộc vào ma túy. Từ một cô gái hiền lành ở miền Tây lên TPHCM tìm việc, chị đi làm cho một quán cà phê rồi chuyển qua làm ở quán bar. Vì tin lời bạn bè xúi giục sử dụng ma túy đá có thể chơi thâu đêm, lại giữ được vóc dáng thon thả mà không gây nghiện, chị đã lâm vào con đường nghiện ngập từ lúc nào không hay. Trong một lần chứng kiến người bạn trong nhóm bị sốc thuốc và tử vong, chị đã bàng hoàng và nhận ra sai lầm. Sau nhiều tháng ngày tự nhốt mình trong nhà, chị đã suy nghĩ tìm cách làm lại cuộc đời. Đặc biệt, khi biết mình đã mang thai, chị lại càng quyết tâm cai nghiện và trở thành đồng đẳng viên của Quận 3 trong lĩnh vực tuyên truyền phòng chống HIV, hỗ trợ sau cai.

Giờ đây, chị đã có một công việc ổn định với vai trò giám sát cho một công ty dịch vụ vệ sinh tại TPHCM. Con của chị đã vào đại học. Chị đã sống tiếp một cuộc đời có ích cho bản thân và cho mọi người.

Chị Nguyệt Cầm chia sẻ: "Bây giờ tôi là giám sát cho một công ty dịch vụ vệ sinh, quản lý 20 nhân viên làm tạp vụ. Trong hoạt động xã hội, thì tôi vẫn đồng đẳng viên ở quận 3, nhưng không có nhận tiền trợ cấp hàng tháng. Số tiền đó tôi ủng hộ vào quỹ hỗ trợ cho các bạn nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn. Mấy năm nay tôi chủ yếu là hoạt động cá nhân, tư vấn online là chính. Tôi có một nhóm kín để chia sẻ, tư vấn chứ không có đi trực tiếp phát bao cao su, bơm kim tiêm hay truyền thông như trước nữa. Thời công nghệ nên áp dụng công nghệ để tuyên truyền. Tôi thường tư vấn tâm lý sau cai, tư vấn cho các chị em mới có HIV, tư vấn đều trị ARV (ARV là thuốc kháng vi-rút, dùng điều trị cho những người nhiễm HIV có tác dụng làm giảm sự phát triển của vi-rút và làm chậm việc chuyển sang giai đoạn AIDS). Ai cần thì mình giúp, giúp đâu có tốn tiền đâu".

Đăc biệt, chị còn thường xuyên tạo công ăn việc làm cho các chị em có H, người sau cai có thêm thu nhập và sống có ích. "Tôi luôn tuyển dụng những bạn trong nhóm những người đồng cảm, nhóm "bình minh đêm" về làm vị trí tạp vụ của công ty. Nhiều bạn trước kia đi "làm nghề" nhưng bây giờ lớn tuổi, không đi khách được nữa, các bạn cần có một công việc để có thu nhập mà nuôi thân. Nhất là mùa dịch, nhiều người trong nhóm thất nghiệp, nên tôi khuyên nhủ vào làm để có thu nhập. Các chị em làm đủ năm sẽ có bảo hiểm, có lương tháng 13, ngày chỉ làm 8 tiếng, công việc ổn định và có đồng lương chân chính", chị Nguyệt Cầm cho hay.

* Tên chị Nguyễn Thị Nguyệt Cầm đã được thay đổi.

Theo Phunuvietnam.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây