Gieo mầm tình yêu thương
Năm 2005, dù đã có được công việc ổn định tại quê hương sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm âm nhạc tại Học viện âm nhạc Huế, thầy giáo Dương Văn Vấn vẫn quyết định lập nghiệp tại Kon Tum để rồi có 16 năm gắn bó sâu sắc với mảnh đất cao nguyên đến ngày nay.
Chứng kiến sự khó khăn của học sinh cũng như những đồng bào thiếu thốn nơi miền núi, thầy Vấn không khỏi xót xa. Chính vì thế, thầy giáo không ngừng tham gia vào những công việc thiện nguyện vùng đất xa xôi này, thầy Vấn bộc bạch: “Tôi từ nhỏ cũng từng nhận được những món quà từ thiện, tôi cảm thấy biết ơn những người đã giúp mình lúc khó khăn nhất và tôi muốn trả ơn cuộc sống!”.
Thầy Dương Văn Vấn trong chương trình thiện nguyện "Áo trắng đến trường".
Nhớ đến một lần đi vận động một em học sinh nghèo, thầy giáo trẻ đã không khỏi xót xa khi chứng kiến toàn bộ hoàn cảnh gia đình đông con, lại nhiều thế hệ sống chung trong điều kiện vô cùng thiếu thốn: “Tôi thấy gia đình em học sinh ấy rất đông người ngồi ăn mà bữa cơm có được nồi cơm, mấy con cá khô, lá củ mỳ giã với muối… không có bát đũa hay gì cả, chỉ ăn bằng tay bốc…”
“Tôi đoán được lý do tại sao em ấy không đi học, tôi chỉ hỏi về suy nghĩ, sinh hoạt của em. Tôi hỏi em đã bao giờ ăn bún hay phở chưa? Em ấy nói cả đời ông của em cũng chưa bao giờ được ăn nữa là em, thầy ơi!... Tôi im lặng và cảm nhận sự khó khăn của các em trong cuộc sống và tương lai. Tôi xúc động lắm với hoàn cảnh này và từ đó về sau trong các chương trình từ thiện trong làng tôi đều nấu một bữa ăn cho các bạn nhỏ, lúc thì bún, lúc thì phở, cháo,…”. – thầy Vấn chia sẻ.
Lan tỏa cảm hứng thiện nguyện
Kết nối được với một học sinh cũ của thầy Vấn, em Lê Thị Hoàng Hải – một cô bé năng nổ trong những hoạt động thiện nguyện hiện đang là học sinh lớp 12 trường THPT Dân tộc nội trú Kon Rẫy, em thật thà chia sẻ: “Thầy Vấn chính là người truyền cho em cảm hứng đầu tiên. Vào năm lớp 8 em tình cờ tham gia vào chương trình tình nguyện chung với thầy. Sau khi kết thúc thì thầy có nói chuyện riêng với em về những ý nghĩa của việc tham gia tình nguyện, cách để trở thành một tình nguyện viên năng động vì một tình nguyện viên không chỉ cần một tấm lòng tốt mà cần có đam mê và kiên nhẫn tham gia các hoạt động… Sau đó thì em bắt đầu có chiều hướng tốt về tình nguyện và tham gia nhiều chương trình, hoạt động nhiều hơn…”
Quay trở lại trò chuyện với thầy Vấn – thầy tâm sự: “Mong muốn lớn nhất của tôi là các em học sinh dân tộc thiểu số đủ điều kiện để đi học và thay đổi được cuộc sống sau này. Về làm từ thiện thì mong rằng sau này sẽ có nhiều người hiểu hơn về “từ thiện” và cùng tham gia, ủng hộ giúp đỡ tinh thần và vật chất để giúp người nghèo khổ, động viên họ vượt qua khó khăn, tạo được xã hội thương yêu nhau, giúp đỡ nhau bằng cả tình người…”
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự