Mới 9h30 sáng, trước cửa số nhà 175 đường Trần Bình Trọng, hàng chục người lao động phổ thông, thăm nuôi bệnh, sinh viên đã đứng xếp hàng mua và nhận cơm "Phong Bụi" mặc dù 10h quán mới mở bán.
Cầm trên tay 2 hộp cơm nóng hổi với đồ ăn là thịt lợn kho tiêu, chả cá chiên và canh khổ qua, anh Thành (lượm ve chai) mừng rỡ nói: "Mấy bữa nay tôi đều qua đây nhận cơm miễn phí của Phong Bụi. Cơm ngon mà nhiều nữa, có cơm ăn đỡ tốn tiền mua, mừng lắm".
Khác với anh Thành, chị Phương (Phường 8, Quận 5) nghe người bạn giới thiệu ở đây có quán cơm Phong Bụi chỉ 10.000 đồng. Vậy là mỗi buổi trưa, mẹ con chị Phương thường ghé qua ăn. "Mỗi ngày đỡ được vài chục ngàn chứ chẳng ít", chị Phương vui vẻ chia sẻ.
Các món ăn của quán được thay đổi theo theo thực đơn hàng ngày với nhiều món ngon, đưa miệng.
10 năm trước, Lê Văn Phong từ Phú Yên lên TP.HCM để theo học đại học. Ra trường, Phong đi làm và trở thành phóng viên năng nổ của báo Người lao động. Suốt chục năm lăn lộn Sài Gòn, Phong bén duyên với mảnh đất đầy tình cảm này.
Trong thời gian dịch COVID-19 vừa qua, Phong cùng các cộng sự tổ chức nấu cơm miễn phí cho người vô gia cư hàng trăm suất/ngày, có ngày cao điểm lên đến 1000 suất. Đồng thời, anh cũng cung cấp thuốc, máy thở, oxy điều trị cho hàng trăm người mắc COVID-19 và hỗ trợ mai táng cho những người không may tử vong do dịch bệnh.
Phong cho biết, anh mở trạm cơm không phải để kinh doanh mà xuất phát từ lòng thiện nguyện. Hồi sinh viên, cứ đến cuối tháng, Phong cùng các bạn lại kéo đến quán cơm chay trên đường Trần Nhân Tôn (Quận 10) để ăn. Lý do giá cơm hồi đó chỉ 7.000 đồng.
Tôi từng trải qua nỗi lo cơm áo sinh viên nên hiểu cảm giác đắt rẻ và tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó. Đợt dịch vừa rồi, tôi cũng mất đi nhiều người thân và bạn bè. Trạm cơm như một món quà nhỏ để nhớ đến những người không còn nữa. Anh Phong chia sẻ.Thực tế cho thấy, ngoài miễn phí cho sinh viên và người bệnh, trạm cơm Phong Bụi bán giá 10.000 đồng/phần chỉ để người lao động đến ăn không cảm thấy ngại. Với giá bán đó mà suất ăn đầy đặn, ngon miệng, thực đơn thay đổi liên tục, ai cũng biết rằng quán không thể có lãi, thậm chí bù lỗ nhiều. Đấy là chưa kể, mỗi ngày trạm cơm còn bỏ ra 60-100 suất cơm miễn phí cho người vô gia cư.
"Có nhiều bữa tổng kết chúng tôi chỉ thu được 2 triệu đồng/ngày, chỉ vừa đủ tiền mua nguyên liệu thịt heo thôi. Vậy là quán cơm phải bù lỗ", Phong tiết lộ.
Cũng theo Phong, anh lựa chọn quán cơm của mình ở địa chỉ trên bởi nó gần Bệnh viện Phục hồi chức năng Quận 8 và khu vực người lao động nghèo. Mục đích của anh là giúp đỡ những mảnh đời khó khăn có bữa cơm dinh dưỡng hơn.
Ngoài Phong, quán cơm "Phong Bụi" còn có sự đồng hành của chị Đỗ Thị Tưởng (52 tuổi) và nhiều anh chị em tình nguyện làm không lấy công. Hàng ngày, họ thức thức khuya dậy sớm, lọ mọ chuẩn bị từng món ăn rồi dọn dẹp, sắp xếp nhưng không hề thấy vất vả. Mỗi người một công việc, độ tuổi cũng khác nhau nhưng chính lòng yêu thương và mong muốn sẻ chia đã kết nối họ làm một để xây dựng nên trạm cơm ấm tình người.
"Chúng tôi nấu 600 suất cơm, 400 suất bánh canh/ngày mà vẫn không đủ. Mọi người đến nhận và mua cơm nhiều quá, thường chỉ trong vòng 1 giờ, cùng lắm trong 2 giờ là hết rồi. Trạm cơm không sợ ế", Phong hóm hỉnh nói.
Quán cơm của Phong Bụi miễn phí cho sinh viên, người bệnh. Ngoài ra hỗ trợ cơm có thịt cho người lao động với giá 10.000 đồng/hộp.
Cứ như thế, mỗi buổi trưa hằng ngày có đến hàng trăm suất cơm chan chứa yêu thương sẻ chia đến với những lao động thu nhập thấp, người bệnh khó khăn.
Anh Phong cho biết, quán cơm được anh và những người bạn cùng có sở thích làm thiện nguyện của mình lập ra và duy trì. "Ngày trước, khi chưa mở quán cơm, chúng tôi thường phải tự đi đến các địa điểm có nhiều người nghèo và vô gia cư trao cơm. Sau này mới nảy ra ý tưởng tại sao mình không làm một cái gì đó cố định để người ta tới ăn mỗi ngày".
Tuy nhiên, theo anh Phong, việc mở một quán cơm với giá 10.000 đồng không hề dễ dàng. Để mở và duy trì trạm cơm này, Phong và các cộng sự phải hết sức cố gắng. Ngoài vấn đề về tài chính thì nhân lực và kế hoạch để duy trì quán cơm được lâu dài là vấn đề hết sức khó khăn.
Hàng ngày, trạm cơm "Phong Bụi" nhận được hàng chục sự giúp đỡ từ trong và ngoài nước gửi về. Người góp tiền, người góp bao gạo, bó rau, người góp thời gian công sức... Vì vậy, sau mỗi ngày, các thành viên trong nhóm đều ngồi lại để bàn kế hoạch, tổng kết thu chi rõ ràng.
Phong Bụi quyết định quán cơm mình có tên là "trạm cơm nghĩa tình" và có giá 10.000 đồng chứ không dùng chữ "miễn phí" bởi anh coi như đang bán cho người khó khăn chứ không phải kiểu ban phát.
Trên facebook của Phong luôn đăng tải đầy đủ những thông tin các mạnh thường quân ủng hộ cho quán cơm. Phong chia sẻ, trạm cơm nghĩa tình này được dựng lên từ chính sự hảo tâm, nhân ái của những con người tử tế.
"Mình biết mở trạm cơm này đã khó và duy trì được càng khó gấp trăm lần. Tuy nhiên mọi người sẽ cố gắng hết sức để có bữa cơm ngon đến bà con. Tụi mình xác định đây là công việc nghiêm túc nên mọi sổ sách, kế hoạch được bàn rất cẩn thận. Mình và mọi người muốn duy trì lâu dài chứ không giống kiểu tự phát rồi lại sớm nở tối tàn", Phong tâm sự.
Phong cũng chia sẻ, anh quyết định quán cơm mình có tên "trạm cơm nghĩa tình" và có giá 10.000 đồng chứ không dùng chữ "miễn phí" bởi anh coi như đang bán cho người khó khăn chứ không phải kiểu ban phát, ai có nhu cầu mua miễn phí thì cứ lấy.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự