Ngày 29/11, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trao danh hiệu cho 14 nhà giáo của thành phố đạt danh hiệu Nhà giáo ưu tú do Chủ tịch nước trao tặng.
Đồng thời, thành phố cũng trao giải thưởng Võ Trường Toản, tôn vinh 50 thầy cô, cán bộ quản lý có nhiều đóng góp tiêu biểu cho sự nghiệp giáo dục, nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Trong số các thầy cô giáo đạt được giải thưởng lần này có thầy Nguyễn Tường Thịnh – giáo viên môn Vật lý của Trường trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10.
Biệt danh là thầy Thịnh “kiên trì” và luôn tin tưởng học sinh
Ra trường, đi dạy từ năm 1998 tại Trường trung học phổ thông Quang Trung, huyện Củ Chi, cho tới nay, thầy Nguyễn Tường Thịnh đã có gần 24 năm gắn bó với nghề sư phạm, tại 3 ngôi trường khác nhau, như trường Quang Trung (5 năm), trường trung học phổ thông Bình Phú, quận 6 (11 năm) và trung học phổ thông Nguyễn Du (từ năm 2014 đến nay).
Nhớ về những ngày tháng “chân ướt, chân ráo” chuyển về trường Nguyễn Du từ trường Bình Phú, thầy Thịnh kể lại: Khi mới xin về trường, thầy xin được chủ nhiệm lớp 10, lớp mà có nhiều học sinh cá biệt nhất trường.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Tường Thịnh nói rằng, dù đã có rất nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy ở hai ngôi trường khác nhau, nhưng thầy vẫn muốn thử sức mình ở một khối lớp mới trong một ngôi trường mới toanh.
“Lúc đó, cứ mỗi giờ lên lớp, hay mỗi giờ sinh hoạt chủ nhiệm, tôi lại dành ra 5 phút đầu giờ để phát những video nói về sự kiên trì và hạnh phúc, dạy cho các em biết tự tin vào chính bản thân mình. Và cứ như thế, từng tuần, từng tháng và một năm học trôi qua, dù các em trong lớp này không phải là học giỏi nhất, nhưng luôn là lớp tình cảm, đoàn kết và có phong trào học tập rất sôi nổi”.
Thầy Thịnh nói về kinh nghiệm dạy học sinh của mình rằng: Suốt nhiều năm nay, cả khi thực hiện việc dạy trực tuyến, thầy luôn bắt đầu giờ dạy của mình bằng các câu chuyên, hay phát các đoạn video để truyền đến học sinh của mình tinh thần kiên trì, tư duy không được bỏ cuộc.
Dần dần, thầy đã tạo ra một dấu ấn riêng, độc đáo cho mình, tạo sự ấn tượng và thích thú ở mỗi học sinh trong các tiết học Vật lý.
Nhiều thế hệ học sinh của thầy tới nay đã ưu ái, trìu mến đặt cho thầy một nickname là thầy Thịnh “kiên trì”.
Ngoài việc tìm tòi những đoạn video, câu chuyện truyền cảm hứng, tạo động lực học tập cho học sinh, trong mỗi giờ lên lớp của mình, thầy Thịnh luôn chú trọng, hình thành các thói quen cho học sinh luôn nỗ lực, vượt khó trong học tập.
Mỗi khi gặp các kiến thức, bài tập khó, thầy luôn giảng đi giảng lại cho đến khi học sinh nhuẫn nhuyễn, làm được bài mới thôi.
Quan điểm của thầy Nguyễn Tường Thịnh là: Mỗi học sinh đều có tố chất và thế mạnh riêng, không ai giỏi và thông minh hơn ai, mà vấn đề chính là ai chăm chỉ và kiên trì hơn ai.
“Bài tập dễ hay khó không hẳn phụ thuộc vào bài học, mà phụ thuộc vào bản thân các em học sinh kiên trì tới đâu…” – thầy Nguyễn Tường Thịnh cho hay.
Bên cạnh việc truyền cảm hứng cho học sinh, để mỗi tiết học Vật lý trở nên nhẹ nhàng hơn, thầy Thịnh luôn tiên phong trong việc đổi mới, sáng tạo, ứng dụng Công nghệ thông tin vào từng bài giảng. Cứ như vậy, mỗi giờ học Vật lý với các kiến thức khô khan đã trở nên nhẹ nhàng, sinh động hơn.
7 năm, nhận gần 750 lá thư tâm sự của học sinh
Công tác tại trường trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10 được 7 năm, cứ mỗi khi kết thúc học kỳ 1, thầy Nguyễn Tường Thịnh luôn khuyến khích học sinh viết thư tâm sự về cách dạy học của mình trong thời gian đã qua.
Theo thầy Nguyễn Tường Thịnh, tới nay, thầy đã nhận được gần 750 lá thư của học sinh viết. Thầy Thịnh khẳng định: “Đó chính là một ‘báu vật’ vô giá mà học sinh dành cho tôi, để tôi có thể tự soi rọi, sửa mình sau mỗi lời tâm sự của các em”.
Hàng trăm bức thư của học sinh viết mà thầy Thịnh đã nhận trong suốt 7 năm dạy ở trường Nguyễn Du (ảnh: CTV)
Thầy Nguyễn Tường Thịnh vẫn không thể nào quên được lá thư đầu tiên mà học sinh đã viết cho mình. Đó là một học sinh lớp 10, khi thầy chỉ mới chuyển về công tác tại trường.
Trong thư này, em học sinh đã viết: “Mỗi lần con nhớ đến những dòng chữ mà thầy đã viết vào lời phê “Con đã làm được”, thì con thấy mình có sức mạnh nhiều lắm”.
Kể từ sau khi nhận được lá thư này, thầy Thịnh đã có thêm động lực để luôn tin vào con đường mà mình đã lựa chọn, đó là khơi dậy trong mỗi học sinh sự vượt khó và tính kiên trì.
Người giáo viên này nhớ lại: Đó là một em học sinh rất bình thường. Thế nhưng, trong lần đầu tiên đạt được điểm 10 ở bài kiểm tra Vật lý, thầy Thịnh đã phê vào bài làm của em “Chúc mừng con, con đã làm được”.
Bất ngờ là kể từ sau lời phê này, từ một học sinh bình thường thì em học sinh này đã trở thành giỏi môn Vật lý. Rõ ràng, chỉ cần giáo viên khích lệ và động viên kịp thời học sinh, các em đã thay đổi.
Kể từ đó, thầy Thịnh luôn ghi nhớ 1 điều là phải thường xuyên khen ngợi học sinh, nhìn ra mọi ưu điểm của từng em để khen, giúp các em tiến bộ.
Hay như của em học sinh đạt huy chương Vàng kỳ thi học sinh giỏi Olympic 30/4 của toàn miền Nam. Em này nhiều lần muốn bỏ cuộc thi, vì thiếu tự tin vào bản thân và sợ gặp phải thất bại.
Thầy Nguyễn Tường Thịnh còn chăm chỉ dạy con học ở nhà (ảnh: P.L)
Tuy nhiên, ngay sau khi đạt huy chương Vàng thì em học sinh này đã viết thư gửi tới thầy Thịnh. Bức thư có đoạn: “Từ một cô bé có 0% niềm tin về bản thân, thầy đã “kề vai sát cánh”, truyền cho con không chỉ kiến thức, mà còn tinh thần, một ý chí thật mạnh mẽ…”.
Nói về những bức thư của học sinh, thầy Nguyễn Tường Thịnh cho hay, chính những bức thư này đã cho thầy thấy mình dưới góc nhìn của các em học sinh, phát huy được những điều mà mình đã làm được và khắc phục ngay những điều chưa làm được.
“Các phản hồi tích cực của học sinh cho tôi thấy việc giảng dạy của mình có ý nghĩa, có thêm động lực để tin, yêu thêm nghề giáo. Hơn hết, những góp ý của các em học sinh sẽ là cơ hội để tôi tự soi, sửa mình, nỗ lực trọn vẹn hơn nữa trong công việc giảng dạy hàng ngày…” – thầy Thịnh nhấn mạnh.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự