“Người vác tù và” trên những cung đường

Thứ sáu - 04/12/2020 21:18
Họ tuy chỉ là những người chạy xe ôm, song trên từng chặng đường hành nghề, vẫn luôn tìm cách giúp đỡ, giành giật sự sống cho các nạn nhân không may gặp tai nạn…
Đội xe ôm an toàn phường Hòa Hiệp Bắc diễn tập sơ cứu tai nạn giao thông
Đội xe ôm an toàn phường Hòa Hiệp Bắc diễn tập sơ cứu tai nạn giao thông
“Đội xe ôm an toàn”…
Các tình nguyện viên tại điểm sơ cấp cứu Chữ thập đỏ phường Hòa Hiệp Bắc (số 61 đường Nguyễn Văn Cừ) được ví như những người “vác tù và hàng tổng” trên những cung đường đặc biệt như Quốc lộ 1A tuyến ngang qua cầu Nam Ô lên đèo Hải Vân, thuộc địa phận phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu (TP.Đà Nẵng).
 
Đây là khu vực thường xảy ra tai nạn giao thông, nhất là khi trời về khuya, đường vắng. Những lúc ấy, họ lại có mặt kịp thời để giúp đỡ người bị nạn.
 
Xuất phát từ chương trình thuộc dự án “Kiểm soát thương tích” do Tổ chức Counterpart International tài trợ, Hội Chữ thập đỏ TP.Đà Nẵng đã thành lập “Đội xe ôm an toàn” trên địa bàn các phường của TP.Đà Nẵng vào tháng 7-2006.
 
Tuy dự án đã kết thúc từ năm 2009 nhưng đội xe ôm an toàn phường Hòa Hiệp Bắc (Đội) là một trong những đội xe ôm vẫn tiếp tục duy trì hoạt động với các thành viên luôn nhiệt tình, tích cực và không vụ lợi.
 
Với mục đích căn bản là sơ cấp cứu ban đầu cho người bị tai nạn giao thông, theo thời gian, thành viên của đội không chỉ được sự tin cậy của người tham gia giao thông trên các cung đường mà còn ở nhiều hoạt động nhân đạo thiết thực khác.
 
Đội trưởng đội xe ôm an toàn, ông Đặng Thanh Kinh (61 tuổi) cho biết: “Đội xe ôm an toàn được thành lập lúc ban đầu với 10 thành viên, cho đến nay tuy dự án đã kết thúc nhưng anh em chúng tôi vẫn cố gắng duy trì ở 3 điểm nóng tại khu vực ngã ba Trường Giao thông 5 - cầu Nam Ô, ở đèo Hải Vân và ngã ba quốc lộ đường Nguyễn Văn Cừ lên hầm Hải Vân.
 
Từ khi thành lập, đội không chỉ sơ cấp cứu cho nhiều trường hợp bị tai nạn, tạo niềm tin cho người tham gia giao thông trên những tuyến đường này mà còn có những đóng góp trong các hoạt động nhân đạo, thiện nguyện tại địa phương...”.
 
Những việc làm ý nghĩa của các thành viên đội xe ôm an toàn để lại là niềm tin, dấu ấn đọng lại cho những người được giúp đỡ chính là sự nhiệt tình, hết lòng hỗ trợ cộng đồng trong cơn hoạn nạn. Họ đã không ít lần xông pha cứu người mà quên mình, không từ nguy hiểm để giúp người gặp nạn.
 
Đội trưởng Đặng Thanh Kinh nhớ lại vụ tai nạn xảy ra trên biển Nam Ô vào ngày 29-4-2007, khi chiếc thuyền đánh cá của ông Trương Lữ, ngụ tại Nam Ô chở 24 khách du lịch không may lật trên biển.
 
Nhận được tin báo, các thành viên Đội xe ôm an toàn đã phối hợp với người dân quanh khu vực biển gần đó, lập tức đến trợ giúp cứu người gặp nạn, đưa họ lên bờ một cách an toàn.
 
Hay như trường hợp vào ngày 22-12-2012 trên QL 1A, đoạn phía Nam hầm đường bộ Hải Vân, ngay tại vị trí bùng binh (km 12+00), một chiếc ô-tô tải chở đầy sắt khi vừa qua hầm Hải Vân đã bị mất thắng tông thẳng vào tường, làm sập trụ đèn chiếu sáng rồi lao tiếp vào một nhà dân bên đường. Thời điểm đó, đội xe ôm an toàn đã có mặt kịp thời để sơ cấp cứu cho các nạn nhân…
 
Cũng có trường hợp, khi thành viên của đội trên đường chở khách lên Khu du lịch Bà Nà Hills (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) thì gặp tai nạn, ngay lập tức thành viên đội dừng công việc, ưu tiên sơ cấp cứu ban đầu cho nạn nhân, rồi gọi xe cứu thương đến chuyển nạn nhân đi viện.
 
Đó là một vài trong số rất nhiều trường hợp mà đội đã hỗ trợ người gặp nạn giao thông suốt hơn 14 năm qua trên tinh thần tình nguyện và tình thương.
 
Khó khăn không từ nan…
Ngoài những giờ chạy xe ôm để mưu sinh, lo cho cuộc sống gia đình, các anh em trong đội dù còn nhiều khó khăn nhưng họ không từ nan việc gì, miễn việc ấy mang lại ý nghĩa, giúp đỡ cho cộng đồng.
 
“Hàng ngày, chúng tôi còn đi quyên góp tiền để nấu nhiều nồi cháo tình thương phục vụ, giúp đỡ các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tại các bệnh viện, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn… Những việc làm đó dù nhỏ nhưng cũng giúp phần nào cho những người khó khăn thật sự”, một thành viên trong đội xe ôm an toàn cho biết.
 
Không từ nan việc nghĩa trên đường mưu sinh, những thành viên trong đội còn luôn chú trọng trau dồi kiến thức về y tế, các kỹ năng sơ cấp cứu để hỗ trợ kịp thời cho nạn nhân; hay kỹ năng thu thập những thông tin ban đầu về vụ tai nạn nhằm cung cấp cho cơ quan chức năng và lực lượng cảnh sát giao thông khi xử lý, giải quyết các vụ việc.
 
Đặc biệt, khi hai đợt dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại Đà Nẵng, các thành viên của đội đã kề vai, sát cánh cùng các lực lượng tại những chốt chặn cửa ngõ ra vào thành phố, hỗ trợ khẩu trang, nước sát khuẩn… cho người dân chống dịch bệnh.
 
Việc trao đổi kinh nghiệm sơ cấp cứu luôn được các thành viên đặt lên hàng đầu, nên họ sẵn sàng tham gia các chương trình giao lưu trao đổi về công tác y tế.
 
Những buổi giao lưu như gặp gỡ 24 điểm sơ cấp cứu trên địa bàn thành phố do Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) TP.Đà Nẵng tổ chức là dịp thu thập thêm kiến thức cần thiết trong công tác, giúp mỗi người chắt lọc, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động tình nguyện… từ đó, mỗi thành viên phần nào củng cố kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu, xử lý vết thương…

Trên hành trình tình nguyện của mình, đội xe ôm an toàn cũng được sự đồng hành cùng Hội CTĐ thành phố, các đơn vị đã hỗ trợ các dụng cụ sơ cấp cứu để hỗ trợ cho đội hoạt động hiệu quả hơn trong công tác giúp đỡ người bị nạn.
 
“Điểm sơ cấp cứu phường Hòa Hiệp Bắc là một trong số 24 điểm sơ cấp cứu trên toàn thành phố, góp phần tạo hiệu quả trong việc ứng cứu, trợ giúp người bị tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn giao thông.
 
Trong đó, ông Đặng Thanh Kinh là Đội trưởng đội xe ôm an toàn và các thành viên của điểm sơ cấp cứu này là những tấm gương bình dị cao quý”, bà Lê Thị Như Hồng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.Đà Nẵng cho biết.
 
Các thành viên đội xe ôm an toàn cũng đồng thời là những tình nguyện viên luôn có tinh thần trách nhiệm, đặt tình thương, sự giúp đỡ lên trên tất cả. Họ không được hưởng bất kỳ một chế độ, chính sách trợ cấp gì nhưng họ luôn thể hiện trách nhiệm trong từng việc nhỏ, vì nghĩa cử cao đẹp giữa đời thường.
 
Chính vì lẽ đó, mô hình sơ cấp cứu này đã và đang được Ban An toàn giao thông TP.Đà Nẵng nhân rộng, góp phần giảm thiểu thương vong sau các vụ tai nạn giao thông, thiết thực giúp đỡ những nạn nhân không may gặp biến cố.

Nguồn tin: Giác Ngộ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây