Vị Bồ tát ấy chính là Hoà thượng Thích Viên Thanh - Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Lâm Đồng, Phó Hiệu trưởng trường TCPH Lâm Đồng.
Hoà thượng là một người con của vùng đất Quảng Ngãi nhưng lại sinh ra và lớn lên tại thành phố Đà Lạt. Năm 15 tuổi (1965) với hạnh nguyện hoằng truyền Phật pháp, giúp đời, giúp người, Hoà thượng đã thế phát xuất gia tu học tại chùa Linh Sơn với Hòa thượng Thích Từ Mãn - bậc Tòng lâm thạch trụ của Phật giáo miền Trung Tây Nguyên.
Thuận duyên đến năm 1980, Hòa thượng được Bổn sư giao trọng trách hướng dẫn tu tập cho bà con tín đồ Phật giáo vùng Đa Thiện - phường 8, TP. Đà Lạt và từ đó Hòa thượng đảm nhận trụ trì chùa Vạn Hạnh (Thiền Viện Vạn Hạnh) đến nay.
Trong suốt thời gian ấy, Hòa thượng đã góp công khai sơn hơn 10 ngôi chùa trong và ngoài tỉnh, đúc gần 40 đại hồng chung cúng dường các chùa, tịnh thất, tịnh xá và Niệm Phật đường vùng sâu vùng xa, kêu gọi tín đồ Phật tử góp công góp của vào các công tác thiện nguyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khó khăn, phát triển vùng nông thôn,…
Người không xuất hiện trên toà sen uy nghiêm, không xuất hiện với hào quang rực rỡ. Người xuất hiện bình dị thôi với màu áo hoại sắc, chiếc áo mưa và đôi ủng lội trong mưa lũ nhưng mang theo đó là tấm lòng Bồ tát to lớn.
Dường như cả cuộc đời của mình, việc Hòa thượng trăn trở nhất chính là việc làm sao cho Phật pháp trường tồn? Làm sao để tốt đời đẹp đạo?.
Giờ đây ở cái tuổi 65, mặc dù không còn được khoẻ mạnh như trước, nhưng khi nghe tin miền Trung liên tiếp phải hứng chịu hậu quả nghiêm trọng của bão lũ, Hoà thượng lại lo lắng, buồn thay cho họ như chính những người thân ruột thịt. Tình thương ấy chính là tình thương của một người thầy cao cả dành cho những người đồng bào đang hằng ngày chống chọi với bão lũ ngoài kia.
Hoà thượng dành cả đời mình vì công cuộc hoằng pháp lợi sanh.
Để có thể giúp đỡ người dân miền Trung phần nào vơi bớt khó khăn, Hoà thượng đã đứng ra kêu gọi mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh chung tay góp sức. Trong chuyến hỗ trợ miền Trung lần đầu tiên từ ngày 01 đến 05/11/2020, Hoà thượng đã đích thân ra giữa vùng rốn lũ để trao 1.800 phần quà đến cho bà con. Sau chuyến thiện nguyện ấy trở về, Hoà thượng vẫn không ngớt lo âu vì người dân còn khổ, miền Trung vẫn còn đau thương. Vậy là một lần nữa, Hoà thượng lại tiếp tục kêu gọi lần 2 với 1.420 phần quà.
Cả cuộc đời của mình, việc Hòa thượng trăn trở nhất chính là việc làm sao cho Phật pháp trường tồn...
Mặc dù ở miền Trung thời tiết không ưu ái lòng người, nhưng Hoà thượng vẫn không ngại khó khăn, mệt mỏi. Trực tiếp ra tận nơi để trao đến người dân những phần quà thật ý nghĩa.
Hoà thượng như một vị sứ giả được Như Lai đưa xuống để giúp đỡ người dân, để mọi người thấy rằng tình thương là gốc rễ hạnh phúc. Nơi nào có khổ đau, nơi đó có dấu chân của những người đệ tử Phật.
Hoà thượng đã trực tiếp ra tận nơi để trao đến người dân những phần quà thật ý nghĩa.
Nhìn những hình ảnh Hoà thượng đội mưa trao từng phần quà, ngồi trên chiếc xe công nông di chuyển đến nơi cứu trợ làm chúng ta không khỏi thấy khoé mắt cứ cay cay. Thường ngày, Hoà thượng là một vị Giảng sư uy nghi trên pháp toà, nhờ sự uyên thâm về giáo pháp của mình, Hoà thượng đã đào tạo biết bao thế hệ Tăng tài. Nhưng khi cần dấn thân, Hòa thượng không ngại gian lao không từ mệt nhọc, di chuyển trên chuyến xe đi vài trăm cây số, trèo suối, băng rừng Hoà thượng vẫn không hề từ nan. Hoạ chăng có sợ, chỉ là sợ người dân ăn không đủ no, nơi kia nhà vẫn còn ngập, lo vì cái nghèo, cái khổ cứ lây dây không dứt. Lo rằng cứ bão lũ thế này, đến bao giờ người dân mình mới thoát được cảnh cơ cực đây.
Nhìn những hình ảnh Hoà thượng đội mưa trao từng phần quà.
Trong suốt hơn 10 ngày ở miền Trung, đi đến đâu thấy chùa hư hỏng Hoà thượng phát tâm cúng dường , thấy người nghèo khổ dốc túi mà ban phát. Từ lúc kêu gọi cho đến 2 lần trở lại miền Trung, Hoà thượng đã gặp không ít khó khăn. Với nụ cười hiền trên môi, Hoà thượng chia sẻ: “Thầy muốn làm nhiều hơn nữa, chứ có nhiêu đó ăn thua gì với cái khổ của người dân…đi nhiều mình mới thấy cái khổ, thấy rồi mới về tu, tu như vậy mới thành. Khi nào còn thở là thầy còn làm, cầu nguyện sao cho lũ lụt nhanh chóng qua đi, người dân nhanh trở lại với cuộc sống bình yên…”.
Mặc dù vậy nhưng được góp chút sức mình giúp đỡ người khác Hoà thượng cũng vui lắm “Thầy không thấy khổ, không thấy mệt vì người dân được no đủ là thầy vui rồi…”.
Hòa thượng không ngại gian lao không từ mệt nhọc, di chuyển trên chuyến xe đi vài trăm cây số, trèo suối, băng rừng trao từng phần quà cho người dân vùng lũ.
Nhìn thấy Hoà thượng, người dành cả đời mình vì công cuộc hoằng pháp lợi sanh mà thương thay. Thương cái hạnh nguyện cao cả của một vị Hoà thượng, thương một vị Bồ tát giữa đời thường.
Có một vị Bồ tát giữa đời thường như thế.