Lê Thị Kim Trâm cầm chiếc tông đơ lướt trên mái tóc của một vị khách nữ. Sau khi tạo dáng được kiểu tóc, chị dùng kéo tỉa lại. Đối với người phụ nữ 42 tuổi, đây là thao tác khó nhất bởi trên bàn tay chị, ba ngón có nhiệm vụ giữ kéo, hai ngón còn lại làm nhiệm vụ như một chiếc lược. Tuy vậy, những nhát kéo vẫn nhịp nhàng như múa trên đầu vị khách. Chưa đầy 10 phút sau, khách hàng đã có một mái tóc mới.
"Với tôi, kể từ khi mất cánh tay trái, việc duy trì được nghề cắt tóc và có thu nhập ổn định để nuôi hai con chỉ bằng một cánh tay phải giống như một giấc mơ", bà chủ tiệm nói.
Chị bị mất cánh tay trái cách đây hơn 4 năm. Một sáng tháng 8/2016, khi đang chở người em đi công chuyện ở Đồng Nai, bà mẹ hai con bị ngã xe. Chiếc xe tải từ phía sau lao đến, đè nát cánh tay của chị. Tỉnh dậy trong bệnh viện với khuôn mặt biến dạng, tay trái không còn, người phụ nữ không dám nhìn vào vết thương. Chị chỉ thấy người nhà và những bệnh nhân khác trong phòng nhìn mình rồi rơi nước mắt.
Ban đầu, Trâm nghĩ đời mình đã "tàn" không thể tiếp tục làm nghề nên chị định sẽ lấy vé số hay thức ăn để bán. Thế nhưng trong lòng, khao khát được làm tiếp nghề cắt tóc do người cha đã khuất truyền lại vẫn cháy bỏng. Suốt một tháng trong viện, trong đầu người phụ nữ luôn tưởng tượng, với kiểu tóc này mình sẽ xử lý ra sao, không có tay trái cố định lọn tóc để cắt thì lấy gì thay thế.
Ở viện, hàng ngày chứng kiến những người đồng cảnh ngộ, chị Trâm không thấy mặc cảm. Nhưng khi về đến nhà, cửa tiệm vẫn mở, những thợ phụ vẫn đón khách nhưng bà chủ cứ lấp ló sau bếp chẳng dám ra. Làm những việc đơn giản quen thuộc như rửa chén, nấu ăn, giặt đồ hay mặc quần áo đều trở thành cực hình của bà mẹ hai con.
Một tháng sau, có vị khách quen là nam đến hớt tóc, chị Trâm lấy khăn trùm kín người. Khách hỏi, chị kể biến cố đời mình. Những tưởng khách sẽ bỏ đi nhưng bất ngờ, vị khách nói: "Trước em cắt hai tay nhưng giờ còn một tay thì cứ cắt một tay, lấy đầu anh thực hành luôn", rồi ngồi vào ghế. Xúc động, chị Trâm cầm tông đơ bắt đầu thử. Hôm đó "đánh vật" gần một tiếng đồng hồ, xoay sở đủ cách chị Trâm cũng hoàn thiện xong đầu tóc cho khách. Vị khách đó về sau còn giới thiệu những người bạn của mình đến tiệm của chị ủng hộ.
"Tôi không hài lòng với đầu tóc vừa cắt, thấy ngại với khách. Nhưng hơn hết, tôi biết ơn ông ấy vô cùng bởi nhờ ổng mà tôi dám thử. Những tưởng tượng lúc còn ở viện khác xa với việc bắt tay làm", Trâm trải lòng.
Tuy nhiên, không phải khách nào cũng đủ "dũng cảm" để cho chị cắt tóc với một tay, có người đến rồi lại bỏ đi. Có người cũng để chị thử nhưng dù là khách ruột, chị không còn thấy họ quay lại thêm lần nào nữa. Sau nửa năm kể từ ngày bị tai nạn, cửa tiệm ngày càng vắng khách, có hôm cả ngày chỉ có đúng một người. Tiền công, cũng chỉ dám lấy một nửa vì biết mình làm chưa đạt.
Trâm toan bỏ nghề để chuyển sang làm nghề trông trẻ tại nhà. Nhưng đây cũng là lúc chị phát hiện cậu con trai chuẩn bị vào lớp 1 của mình bắt chước mẹ, làm mọi thứ bằng một tay. "Tôi thấy con đi nhưng chỉ vung một tay, tay kia đặt sát vào người. Tôi dạy con làm việc nhà, con chỉ dùng một tay làm. Hỏi thì con nói: 'Con chỉ làm giống mẹ thôi mà", chị kể.
Sợ làm trông trẻ thì những đứa trẻ khác cũng bắt chước như con mình, chị Trâm bỏ hẳn ý định đổi nghề.
Tiệm của chị hiện tại đã có một lượng khách quen ổn định. Ảnh: Diệp Phan.
Ít cắt tóc, nhưng chị nhận gội đầu cho khách nhiều hơn, tay phải đảm đương nhiệm vụ của cả hai tay trước kia. Mỗi khi xong việc, cánh tay chị buông thõng, run rẩy vì quá mỏi. Hàm răng và miệng thì tê cứng bởi phải kẹp vòi nước.
Thấy tiệm vắng, chị cho những thợ phụ nghỉ việc. Trước lúc đi, mọi người xúm nhau lấy dao lam cắt thành những chiếc dao cạo nhỏ để bà chủ dùng dần vì biết chị không thể làm. Khi dùng hết, Trâm định bỏ hẳn dịch vụ gội đầu bởi không thể tự cắt.
Muốn kiếm thêm tiền, bà chủ tiệm quyết phải học cách tự mình cắt dao lam bằng chân với suy nghĩ "cả đời này không thể cứ nhờ người khác mãi". "Những ngày đầu, mỗi lần kẹp dao vào chân để cắt, tôi có cảm giác như mình đang tự hành hạ bản thân, bởi lần nào cũng bị chảy máu", chị chia sẻ. Sau hơn một năm, chị mới thạo công việc này.
Tuy nhiên, suốt năm đầu, khi Trâm cố gắng tập thích nghi với cơ thể mới của mình bao nhiêu thì nhận ra người chồng lại muốn rời xa mình bấy nhiêu. Có lần, chị ngỏ ý cắt tóc cho chồng nhưng bị gạt ngay. Những lần cự cãi, chồng bỏ nhà đi nhiều ngày, bà mẹ trẻ đã hai lần toan tự vẫn nhưng cả hai lần đều được con níu lại. "Nhớ lại cảnh người nằm dưới bánh xe tải còn không chết thì sao lại phải chết vì một người đàn ông không đáng", chị
Chị quyết định ly hôn. Ba mẹ con chuyển thuê một mặt bằng nhỏ, mở cửa tiệm ở đường Nguyễn Cừ, phường Thảo Điền, quận 2.
Chị Mỹ Duyên, 27 tuổi, một người dân ở phường Thảo Điền cho biết: "Mình biết chị Trâm cắt tóc một tay lâu rồi nhưng chưa biết tay nghề của chị ấy thế nào nên còn ngại, sợ hư tóc. Vừa rồi mình đã đến tiệm, thấy rất lạ vì trước giờ chưa có thợ nào cắt tóc cho mình bằng tông đơ như chị ấy cả. Chị Trâm cắt rất nhanh và đẹp".
Buổi tối, sau khi cơm nước xong, chị Trâm kèm hai con học bài. Buổi tối của ba mẹ con thường kết thúc lúc 11h. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Hiện tại, thu nhập từ nghề này giúp chị đủ trả tiền thuê nhà, lo được cho hai người con ăn học. Bà mẹ đơn thân không còn buồn chuyện cũ. Điều khiến chị chạnh lòng nhất là suốt mấy năm nay, chị không thể tự mình chở hai con đi chơi. Sợ tốn tiền xe ôm nên ba mẹ con thường chỉ quanh quẩn ở nhà.
Có lần, cậu con trai 9 tuổi của chị bị bạn bè ở trường trêu có mẹ một tay, suy nghĩ mất 3 tháng, cậu bé mới dám đáp trả bạn: "Mình rất tự hào về mẹ, mẹ mình một tay nhưng có thể nuôi được chị em mình ăn học".
"Thằng bé chỉ kể với tôi khi nó đã nói điều này với bạn. Suốt mấy tháng trời, con chịu đựng bị bạn trêu mà không cho tôi biết", chị Trâm kể, mắt nhòe đi sau tròng kính.
Nguồn tin: vnexpress
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự