Trong xưởng sản xuất rộng 1.500 m2 ở Nhân Thắng, Gia Bình, tiếng máy móc rầm rập, anh Trần Thế Mạnh, 47 tuổi, tổ trưởng tổ lắp ráp và hơn 10 nhân công đang thực hiện các khâu cuối cùng để hoàn thiện chiếc máy bơm điện. "Ông ơi, cái máy trục trặc sao ấy. Cháu khởi động mãi không lên, thử nhiều cách rồi", anh đi như chạy vào phòng giám đốc Nguyễn Kim Hùng để báo cáo tình hình. Nhấc chiếc máy lên nhìn ngó và chỉ vài thao tác, ông Hùng đã tìm ra nguyên nhân.
"Có sự cố gì là chỉ sau vài phút ông đã xử lý xong. Làm cùng ông lâu năm, đầu óc tôi cũng sáng ra", anh Mạnh nói. Trước khi trở thành một trong tám công nhân đầu tiên làm việc tại xưởng cơ khí của ông Hùng 20 năm trước, anh tổ trưởng tổ lắp ráp này là một thợ hồ, không biết gì về máy móc.
Cũng như Mạnh, ban đầu, chủ của anh cũng chỉ là một anh thợ sửa xe đạp "đói việc" trong những năm đất nước còn bao cấp.
Duyên đến với nghề cải tiến máy nông nghiệp của ông Hùng bắt đầu vào những năm 1990. Hồi đó, mô hình VAC (vườn-ao-chuồng) nở rộ ở huyện Gia Bình. Nhu cầu sử dụng máy bơm càng ngày càng cao nhưng cả huyện mới có một cơ sở sửa chữa máy cơ khí, cách Nhân Thắng hơn 20 km. Máy bơm hỏng, dân lại kéo đến tiệm sửa chữa xe đạp của vợ chồng ông Hùng nhờ sửa. Nhiều hôm, ông phải thức đến 12 giờ khuya để mày mò cách sửa máy bơm cho khách.
"Nhu cầu của dân thì nhiều, mà người sửa thì ít nên tôi quyết định tự học, mua thêm máy hàn, máy tiện về sửa", ông Hùng kể. Hai vợ chồng ông đi vay một cây vàng, trả lãi mỗi năm hai chỉ để khởi nghiệp.
Nhà chỉ có túp lều rách quây tạm ven đồng, vợ chồng ông đặt mọi kỳ vọng lên tấm biển "Dịch vụ sửa chữa, hàn tiện đồ cơ khí" trước cửa nhà. Cứ tháo ra, lắp vào các loại máy bơm, máy tuốt lúa, ông thợ sửa xe đạp dần thuộc lòng nguyên lý hoạt động của các loại máy móc này. "Tôi làm nhiều, thành ra nghiện, chỉ thích đóng cửa ở nhà tìm cách cải tiến", ông Hùng nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp.
Nhưng làm nhiều, người đàn ông phát hiện các loại máy bơm người dân đang dùng hoạt động kém lại tốn nhiều năng lượng, nên nghĩ cách cải tiến cho hiệu quả hơn. "Có ngày ông ấy làm mà không ăn trưa, đến nửa đêm vẫn chong mắt thức. Tôi hỏi thức làm gì, ông ấy bảo đang suy nghĩ cách cải tiến máy bơm. Họ hàng có giỗ chạp, bảo ông ấy đi, nhưng vài tuần sau ông ấy mới nhớ ra", bà Nguyễn Thị Phương, 58 tuổi, vợ ông Hùng nhớ lại.
Năm 2003, sau nhiều đêm thức trắng và những lần thất bại, ông Hùng gọi vợ cùng ra ao sau vườn thử nghiệm mẫu máy bơm ly tâm do mình cải tiến. Chiếc máy hoạt động mạnh mẽ hơn hẳn trong khi tiêu hao năng lượng ít hơn chiếc máy dân trong vùng vẫn dùng, đang đặt cạnh bên để đối chứng.
Đại diện thôn mua năm chiếc máy bơm của vợ chồng ông bơm chống hạn. Dân trong thôn, trong xã thấy máy tốt, kéo đến mua mỗi lúc một đông. Ông chồng đặt tên máy bơm là Thiên Long và quyết định thành lập công ty vào năm đó.
Vợ chồng bà Phương trong một chuyến du lịch ở Australia năm 2019. Sau những ngày đồng cam, cộng khổ, họ được hưởng thành quả ngọt ngào: hai con trai và con gái đều trưởng thành, có kinh tế vững chắc. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Thành công vừa tới, chỉ thời gian ngắn sau ông đã bị người khác "hớt tay trên". Một lần chạy xe đến đại lý nơi nhà mình phân phối hàng, ông Hùng thấy xếp cạnh máy Thiên Long là những chiếc máy bơm có kiểu dáng, dán nhãn y hệt. "Mấy nhà khác làm giống nhà bác, bán giá rẻ hơn đấy", người chủ đại lý cảnh báo.
Tức giận, ông Hùng phóng xe một mạch về nhà, vừa đi vừa thầm mắng những kẻ láu cá. Khi cơn giận nguôi xuống, người đàn ông biết lỗi do mình. "Là do chúng ta thiếu cẩn trọng. Giờ chỉ có cách cải tiến để chiếc máy tốt hơn, nhưng giá thành không đổi thì nông dân sẽ vẫn chọn mình", hai vợ chồng động viên nhau.
Không biết vẽ, ông thợ viết ra giấy những gì mình tưởng tượng. Không biết làm mộc, mô hình máy bơm, ông lấy xi măng tự đắp. Mày mò suốt ba tháng ở xưởng, ông Hùng vẫn không thể tìm ra cách thức sửa chữa máy bơm sao cho hiệu quả. Biết địa chỉ một số người làm thợ máy trong vùng, ông đến học hỏi. "Phải xem xét kỹ roto và stato", họ gợi ý. Biết nút ở đâu, ông tập trung gỡ.
Đúng một năm sau, chiếc máy bơm điện do ông Nguyễn Kim Hùng cải tiến có công suất 3,7 Kw, tiêu thụ ít điện năng, có thể thay thế 20 công nhân tưới một ha. Lần này, ông đăng ký bản quyền thương hiệu cho chiếc máy bơm, thêm tên mình và vợ vào tên máy. Mỗi năm, họ bán ra thị trường từ 2.000 - 3.000 sản phẩm.
Một lần, một nông dân trong xã đạp xe đến nhà ông than khổ vì máy bơm. "Điện thì chập chờn, máy yếu không tải nổi. Ông xem làm thế nào cải tiến để điện yếu vẫn dùng được hộ tôi", người này "ra đề". Một dịp khác, có người nhờ ông giải nghĩ cách làm máy có thể nạo được bùn. Ông Hùng lại chong mắt cả đêm nghiền ngẫm tìm đáp án cho bài toán người nông dân đưa ra.
Cứ như thế, sau hơn 30 năm làm việc với người nông dân, ông Nguyễn Kim Hùng đã sáng chế và tạo ra hàng chục loại máy bơm nước với công suất lớn, nhỏ khác nhau, máy bơm siêu chịu mặn ứng dụng cho nuôi trồng thủy, hải sản vùng nước mặn; máy hút bùn đa năng phục vụ dọn đáy ao, máy cung cấp oxy và bơm nước không cần mồi; máy quạt nước làm mát bằng nước tự nhiên.
Một góc xưởng sản xuất thuộc công ty của vợ chồng ông Hùng - vốn là thợ sửa xe đạp. Ảnh: Phạm Nga.
Từ năm 2012 đến nay, khi hai con trai trưởng thành, ông Hùng lùi về làm cố vấn. Bà Phương cũng san sẻ công việc sổ sách cho con dâu và nhân viên. Tuy vậy, đầu ông thợ sửa xe năm nào vẫn không ngừng "cải tiến" để cho ra đời những sản phẩm tốt hơn.
Ông Nguyễn Văn Luật, ở Gia Bình vừa làm kinh doanh, vừa nuôi cá nước ngọt trên diện tích một mẫu. Trước đây, ông vất vả xoay trở vì sử dụng các loại máy móc, nhưng phải hẹn giờ tại chỗ, tốn thời gian, công đi lại nếu muốn điều chỉnh giờ máy hoạt động. Những năm gần đây, ông Luật mua toàn bộ hệ thống máy bơm, máy sục khí và hút bùn của ông Kim Hùng sản xuất, có thiết bị điều khiển từ xa. "Tôi ngồi ở TP HCM cũng có thể cho cá ở nhà ăn được, rất thuận tiện", ông nhận xét.
Các sản phẩm đều được nông dân đón nhận. Ông nhận được nhận hàng trăm bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận vì sáng tạo ra sản phẩm nông nghiệp hiệu quả, có tính ứng dụng cao, trong đó, có bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2020, ông là một trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc. Người dân địa phương, truyền thông ca ngợi ông là "nhà sáng chế nông dân".
Nhưng ông Hùng thừa nhận, sẽ không thể thành công nếu không được cùng làm, cùng sống giữa những người nông dân. "Họ chính là những người đưa ra bài toán để tôi tìm lời giải. Nhờ vậy mà "nguồn cung" như tôi biết nông dân đang "cầu" ở mình mà đáp ứng", ông nói.
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự