Hầm mộ của thủ lĩnh liên minh bộ lạc?
Nằm kế bên TX.Long Khánh theo đường QL56 đi Bà Rịa-Vũng Tàu, đến nay di tích đã được bảo vệ và thu hút rất đông người thăm quan, đặc biệt là các chuyên gia khảo cổ học trong và cả ngoài nước tới nghiên cứu.
Theo tài liệu của Ban quản lý di tích danh thắng tỉnh Đồng Nai, mộ Cự Thạch Hàng Gòn hay người dân địa phương còn gọi là “Mã Ông Đá”. Dưới thời Pháp thuộc, mộ Cự Thạch Hàng Gòn nằm trên phần đất của công ty cao su Xuân Lộc, tổng Bình Lâm Thượng, tỉnh Biên Hòa, nay thuộc xã Hàng Gòn, H.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai và cách Biên Hòa 50 km.
Năm 1927, khi mở con đường số 2 (nay là quốc lộ 56), ông Jean Bouchot (kỹ sư người Pháp) đã tình cờ phát hiện một tảng đá nhô thẳng lên từ gốc cây cổ thụ. Sau đó, Pháp đã cung cấp số công nhân Việt Nam để Bouchot chính thức khai quật từ ngày 14.4 đến 16.5 năm 1927 với hy vọng có thể tìm thấy vàng và đã cấm nhân viên trong vùng không được đến gần và bắt công nhân phải đào bới trong điều kiện thiếu thốn về dụng cụ và càng khó khăn hơn khi phải tiến hành trong mùa mưa dai dẳng.
Kết quả cuộc khai quật này được ông Bouchot công bố đầu tiên và mô tả nhiều lần (năm 1927, năm 1929). Sau đó, H. Parmentier-Chủ sự Sở khảo cổ Đông Dương Service Archéologie de L, Indochine - cũng đã tỏ ra quan tâm đặc biệt với 3 lần viếng thăm mộ Cự Thạch Hàng Gòn. Ông mô tả rất kỹ và chi tiết về kích thước, hình dạng các bộ phận của công trình.
Sau công bố của ông Bouchot và mô tả của Parmentier (1929), mộ Cự Thạch Hàng Gòn đã nhanh chóng được mọi người biết đến và trở thành đề tài mới mẻ hấp dẫn các nhà khảo cổ trên thế giới như H. Gaspardone trên tờ báo Ấn Độ (Journal Greater InDia Social Caltutta N.1955), H. Loffs (1961), L. Malleret (1963) N. Saurin (1963). Nhiều ý kiến cũng như giả thiết về niên đại, chủ nhân đặt ra xung quanh mộ Cự Thạch được bàn cãi sôi nổi.
Qua so sánh phân tích, các nhà nghiên cứu đã đưa ra phán đoán cho rằng, chủ nhân của mộ Cự Thạch là một nhân vật quyền uy, là thủ lĩnh của một bộ lạc hay liên minh các bộ lạc hùng mạnh về kinh tế và quân sự; niên đại của di tích được xác định trong khoảng thời gian 150 trước Công nguyên đến 240 năm sau Công nguyên.
Qua những đánh giá trên, mộ Cự Thạch Hàng Gòn được giới khảo cổ lúc bấy giờ xem là ngôi mộ lớn nhất đại diện cho loại hình dolmen ở Á Châu. Mộ Cự Thạch Hàng Gòn là một dạng hầm mộ, được cấu tạo bởi những tấm đá hoa cương lớn và những trụ đá dài, nặng khoảng 30 - 40 tấn. Ngôi mộ có hình chữ nhật dài 4,2m, ngang 2,7 mét, cao 1,6 mét được ghép bởi 6 tấm đá hoa cương được bào khá nhẵn ở mặt ngoài; 4 tấm đá thẳng đứng dùng làm vách, 2 tấm nằm ngang dùng làm mặt đáy và nắp đậy. Liên kết giữa tấm đá hoa cương nhờ vào hệ thống rãnh dọc chắc chắn. Xung quanh mộ có nhiều trụ đá hoa cương cao 7,5 mét, tiết diện mặt cắt ngang hình chữ nhật dài 1,10m X 0,3m, phần lớn các đầu trụ được khoét lõm hình yên ngựa.
Những khối đá khổng lồ được vận chuyển bằng cách nào?
Năm 1982, năm 2006 và năm 2007, đoàn chức năng tỉnh Đồng Nai phối hợp với Ban khảo cổ - Viện khoa học xã hội mở cuộc điều tra quy mô, khảo sát và đo vẽ hiện trường. Ngôi mộ được phát quang sạch sẽ nằm giữa rẫy của công nhân nông trường cao su và có nhiều phát hiện mới. Trong quá trình đào thám sát, đã phát hiện dấu vết của những vệt đất cháy kéo dài thành hình vòng cung, phía trên có rất nhiều than tro và xỉ kim loại; các mảnh đồ gốm trên thân có hoa văn làm từ chất liệu đất sét pha cát và vỏ nhuyễn thể nghiền nhỏ; phát hiện 2 chiếc tù và bằng đồng và 2 chiếc bàn mài bằng đá có lỗ đeo.
Năm 2007, đoàn đã tiếp tục khai quật và giải mã những “bí mật” di tích mộ Cự Thạch Hàng Gòn. Nhiều hiện vật bằng gốm, bằng đá, các dụng cụ bàn mài, các cột đá và những vết đất cháy, than tro.
Đặc biệt, trong xưởng chế tác đá đã tìm thấy trước đó, đoàn khảo sát cũng đã tìm thấy những tấm đá, cột đá, nhiều phế vật mảnh tước đá và nhiều công cụ lao động. Qua đó cho thấy người xưa đã vận chuyển những khối đá lớn về Hàng Gòn để gia công tạo ra những tấm đan, cột đá sử dụng cho kiến trúc mộ, để có được những tấm đá hoa cương lớn và những trụ đá dài, nặng khoảng 30 - 40 tấn như khi phát hiện.
Tuy nhiên, câu hỏi được nhiều nhà nghiên cứu đặt ra là những khối đá nặng hàng chục tấn được xác định có nguồn gốc từ Tây Nguyên và các tỉnh Nam Trung Bộ đã được vận chuyển vào Đồng Nai bằng cách nào, vào thời điểm còn hoang sơ đó.
Theo ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh Đồng Nai: Tuy đã tìm hiểu được những điều về kiến trúc, kết cấu, chất liệu, niên đại hình thành nên mộ Cự Thạch Hàng Gòn song giới chuyên môn vẫn không thể lý giải nổi và đưa ra câu trả lời chắc chắn cho những câu hỏi đã tồn tại suốt gần cả trăm năm qua từ khi di tích này được phát hiện, như: Cư dân nào đã xây dựng kiến trúc này? Bằng cách nào mà người cổ đã vận chuyển được những tấm đá, trụ đá hoa cương nặng hàng chục tấn từ các địa điểm khác đến Hàng Gòn vốn là vùng rừng núi bạt ngàn, địa hình tự nhiên đầy khó khăn, đường thủy không có?
Hay cư dân cổ đã sử dụng kỹ thuật gì để trồng các trụ đá, nâng hạ các tấm đan to lớn, ghép thành một dạng hầm mộ độc đáo? Tại sao cư dân cổ xây dựng hầm mộ tại Hàng Gòn là hình khối chữ nhật mà không là các dạng thức khác? Chủ nhân của khu di tích mộ Cự Thạch Hàng Gòn có quan hệ như thế nào với chủ nhân của bộ vũ khí bằng đá hay tượng tê tê bằng đồng được phát hiện ở địa điểm cách đó không xa là xã Long Giao (huyện Cẩm Mỹ)? Hậu duệ của cư dân cổ đã xây dựng công trình mộ cổ Hàng Gòn là dân tộc nào trên vùng đất Nam bộ ngày nay?
Một giả thiết khác thì cho rằng: Người Việt cổ đã biết tập hợp nhau lại tạo thành sức mạnh phi thường mới có thể vận chuyển được những cấu kiện bằng đá lớn như vậy, ngay cả đền Angkor (Campuchia) cũng không thấy những tảng đá nặng như thế. Các nhà khảo cổ cho rằng, để xây dựng công trình trên, người Việt cổ phải huy động sức lao động của cả cộng đồng, tổ chức lao động một cách rất chặt chẽ. Đây là một công trình giống như “thạch tự tháp” của miền văn hóa sông Đồng Nai.
Trong khi đó, có giả thiết lại cho rằng, đây là một ngôi mộ chôn dưới hình thức hỏa thiêu được xây dựng vào thời kỳ kim khí; đồng thời, khẳng định công trình này không chỉ có giá trị về kích thước (được xem là ngôi mộ đá lớn nhất Đông Nam Á đã phát hiện vào thời điểm hiện nay) mà còn chứa đựng giá trị lớn về trí sáng tạo của người tiền sử được ví như “nền văn minh sông Đồng Nai”. Đến nay, bí mật về quần thể di tích mộ Cự Thạch Hàng Gòn hiện vẫn đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới khảo cổ học trong và ngoài nước.
Toàn bộ di tích đã được dựng mái che bảo vệ. Ảnh: H.A.C
Điểm tham quan du lịch lý thú
Năm 2011, dự án trùng tu, tôn tạo di tích mộ Cự Thạch Hàng Gòn được khởi công thực hiện bao gồm các hạng mục: Khu hầm mộ, khu chế tác, miếu Ông Đá, miếu Thổ thần, các công trình phụ trợ khác (cổng, hàng rào, sân đường nội bộ, nhà trực ban - bán vé, nhà bao che, nhà đón tiếp - trưng bày, nhà điều hành).
Trong đó, công trình nhà bao che là hạng mục lớn nhất trong di tích mộ cổ Hàng Gòn. Nhà bao che mộ Cự Thạch Hàng Gòn bao trùm lên toàn bộ ngôi mộ. Bên trong nhà bao che có một hành lang dẫn đến khu hầm mộ bằng con đường dốc từ trên xuống dần. Nhờ vậy mà mối lo về việc các phiến đá bị xê dịch do nước mưa làm xói mòn đất đã được giải quyết.
Thêm vào đó, việc di chuyển xuống dưới hầm mộ cũng dễ dàng và thuận tiện hơn rất nhiều với những người làm công tác chuyên môn và khách tham quan.
Ngoài việc thực hiện trùng tu, bảo tồn, theo ông Lê Trí Dũng, hiện Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh đang lập đề án để khai thác di tích mộ Cự Thạch Hàng Gòn có hiệu quả trong hiện tại và tương lai.
Trong các tuyến du lịch của tỉnh Đồng Nai, tuyến Xuân Lộc - Long Khánh với di tích mộ Cự Thạch Hàng Gòn, ngoài các giá trị khảo cổ học, việc khai thác phát triển du lịch tâm linh, tham gia các hoạt động lễ hội, vui chơi giải trí tại di tích cũng đang hứa hẹn nhiều tiềm năng.
Cụ thể hàng năm, vào ngày 13.9 âm lịch tại di tích mộ Cự Thạch Hàng Gòn, Lễ hội vía Ông Đá (tên gọi trong dân gian về mộ Cự Thạch) với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, thể hiện được lòng ngưỡng vọng của người dân đối với bậc thần linh với sự tham dự của hàng ngàn người dân và du khách.
Ban quản lý di tích và danh thắng Đồng Nai đánh giá: Với tiềm năng hiện có và nếu được sự đầu tư, quảng bá hợp lý di tích mộ Cự Thạch Hàng Gòn hứa hẹn sẽ trở thành một điểm tham quan, nghỉ ngơi và hoạt động văn hóa hấp dẫn cho nhân dân và du khách, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, phát triển dịch vụ du lịch ở địa phương cũng như bảo vệ, phát huy các giá trị di sản khảo cổ học độc đáo cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Trong 53 di tích được xếp hạng của tỉnh thì mộ Cự Thạch Hàng Gòn là một trong những di tích được xếp hạng cấp quốc gia sớm nhất vào năm 1982. Năm 2015, tiếp tục được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt.