Những người 8 năm làm việc không lương ở miền Tây

Chủ nhật - 01/09/2024 00:50
Ở miền Tây có một biệt đội đặc biệt, 8 năm làm việc không lương, chuyên "ăn cơm nhà lo chuyện hàng xóm".
Biệt đội vá đường đặc biệt ở thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang.
Biệt đội vá đường đặc biệt ở thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang.
Hơn 8 năm qua, người dân ở xã Tân Thành (thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) hay nhắc đến anh Nguyễn Văn Tiến và anh Trần Hoài Hận, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tân Thành, là hai gã "thích lo chuyện bao đồng","ăn cơm nhà lo chuyện hàng xóm". 

Các anh chẳng nhận được bất kỳ đãi ngộ nào nhưng vẫn lo toan việc chữa lành những tuyến đường, thắp sáng xóm làng, bảo đảm bà con lưu thông được êm thuận, an toàn.

Biệt đội vá đường đặc biệt

Một buổi sáng chủ nhật, khi những hạt sương trong veo còn đọng lại trên lá, trong không gian yên ắng của buổi sớm mai, ở một góc nhỏ của làng quê xã Tân Thành, tiếng xẻng, tiếng người cùng hô hào làm việc vang động.

Họ là những người thuộc thành viên của đội vá đường tình nguyện do anh Tiến và anh Hận sáng lập. Hôm nay, đội đi chữa lành con đường nông thôn ấp Đông An II A.

Thời gian qua, do mật độ phương tiện lưu thông nhiều, khiến cho con đường ngày càng xuống cấp, nhiều vị trí sụp, lún, mặt đường nứt toác. Trong khi đó, trên tuyến không có hệ thống đèn chiếu sáng nên việc đi lại của bà con rất khó khăn, tai nạn giao thông rình rập. Mùa mưa đến, học sinh chuẩn bị tựu trường, khiến người lớn càng đau đáu hơn về sự an toàn của các cháu khi di chuyển đến lớp.

Ngoài anh Tiến, anh Hận và một số thanh niên trẻ còn có cụ lưng còng, tóc bạc, nhưng vẫn tay cuốc, tay xẻng dàn đều hỗn hợp đá, xi măng lấp đầy những vị trí sụt lún trên nền đường.

Tay thoăn thoắt bay phẳng một ổ gà, anh Hậu không ngừng giới thiệu với chúng tôi về những thành viên trong đội với giọng điệu vô cùng tự hào: "Đội chúng tôi trẻ nhất là khoảng 25, còn chú lớn tuổi nhất là 75 tuổi. Chú đang dùng vòi nước làm sạch mặt đường đó là Bí thư, kiêm trưởng ấp Đông An IIA chú Huỳnh Văn Chành (63 tuổi), còn hai chú đang trộn hồ ở kia là chú Đùm 74 tuổi (Huỳnh Văn Đùm-PV), chú Năm 66 tuổi (Trần Văn Năm-PV) . 

Và còn một vài thành viên khác cũng U70, hôm nay các chú có việc nên không đến. Các chú đều là cựu chiến binh. Thấy hoạt động vá đường nhiều ý nghĩa, các chú không nề hà gì, cùng tham gia".

s
Cụ Huỳnh Văn Đùm hăng say làm việc.

Với một "biệt đội đặc biệt" như vậy, nhưng các anh phân chia công việc từng khâu vô cùng hợp lý, phù hợp tùy vào độ tuổi và sức khỏe. Người đảm nhận việc vận chuyển vật liệu, người trộn hồ, rải đá, vệ sinh mặt đường... Nhờ vậy mà công việc cứ hoàn thành nhanh chóng.

Việc làm đầy ý nghĩa, từ đó đã thu hút nhiều người tham gia.

"Tôi không phải là thành viên trong đội, là người sinh sống trên tuyến lộ này. Hôm nay hay tin mọi người đến đây dặm vá đường này, làm đường trong ấp mình, cũng như là cho bản thân và gia đình đi lại an toàn hơn nên tôi ra đây cùng phụ, góp chút công, chút sức", cụ Lê Quốc Việt (73 tuổi, ngụ ấp Đông An II A) bày tỏ.

8 năm làm việc không lương

Nhắc đến hành trình "lo việc bao đồng", anh Hậu kể, trong quá trình công tác, tiếp cận địa bàn, đã không ít lần chứng kiến những vụ ngã xe do mặt đường hư hỏng. Từ đó, anh nảy sinh ý định vá đường, để bà con đi lại được êm thuận, an toàn hơn.

Năm 2018, tình cờ anh gặp được anh Tiến, một người cùng chí hướng. Từ đấy, hai người quyết định thành lập đội vá đường.

Những khi đi làm, phát hiện đoạn đường hư hỏng, anh Tiến và anh Hậu đều ghi nhớ lại, rồi về cùng nhau bàn bạc, xin ý kiến địa phương. Sau đó, anh Tiến đảm nhận trách nhiệm vận động mạnh thường quân hoặc xin vật tư: xi măng, cát, đá... và vận chuyển đến nơi làm. Còn anh Hận phụ trách chuẩn bị "đồ nghề", huy động lực lượng trong đội tham gia.

s
Đội vá đường như những con ong chăm chỉ, cần mẫn chữa lành những con đường.

Các anh thường chọn thời gian vá đường vào những ngày cuối tuần để tránh ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, cũng như không trễ nãy việc mưu sinh của các thành viên trong đội.

"Được lãnh đạo tin tưởng giao trách nhiệm, tôi luôn cố gắng sắp xếp thời gian hợp lý, không để ảnh hưởng đến công việc của mình ở tại địa phương. Một điều may mắn nữa là tôi luôn được gia đình ủng hộ. Đây chính là hậu phương để tôi có thêm động lực, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao cũng như là tiếp tục hành trình đi vá đường cho bà con", anh Hận chia sẻ.

Cứ như thế mà 8 năm qua, không biết bao nhiêu km đường ở làng quê thành phố Ngã Bảy được các anh ra tay xử lý. Việc làm của các anh đã truyền cảm hứng cho không ít người. Không ít thanh niên, các cụ cựu chiến binh, lão nông đã tìm đến và xin tham gia đội. Hiện nay, đội đã có gần 20 thành viên với nhiều độ tuổi khác nhau.

Các thành viên không hề có thù lao, lắm lúc còn phải bỏ tiền túi ra hùn mua vật tư để vá đường, nhưng mọi người đều vui vẻ. Bởi ai cũng mong con em được đi lại an toàn.

"Từ ngày đội thành lập là tôi bắt đầu tham gia rồi. Xóm mình còn khó khăn, con cháu phải đi lo cho cuộc sống hằng ngày. Nhận thấy mình vẫn còn sức khỏe, nên tôi tham gia, thay cho con cháu, tôi sẽ làm cho đến khi nào sức khỏe không cho phép nữa thì thôi", cụ Huỳnh Văn Đùm nói.

h
8 năm làm việc không lương, nhưng không vì thế mà mất đi sự nhiệt tình của các thành viên trong đội.

Thầm lặng những tấm lòng

Ngoài việc thành lập đội vá đường, ít ai biết, anh Tiến và anh Hậu còn là những người "thắp sáng đường quê".

Trong thời gian qua, các anh đã lắp đặt đèn chiếu sáng cho hơn 30km tuyến đường giao thông nông thôn, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trong khu vực.

Riêng anh Tiến, còn được biết đến là một người tiên phong trong phong trào từ thiện. Từ năm 2018 cho đến nay, anh duy trì bếp ăn từ thiện phục vụ từ thứ 2 cho đến thứ 6, mỗi ngày khoảng 100 suất cơm chay cho các em học sinh và người có hoàn cảnh khó khăn.

Không chỉ vậy, anh còn vận động mạnh thường quân, hỗ trợ xây dựng hơn 20 căn nhà tình thương trao tặng cho các mảnh đời bất hạnh, khó khăn về nhà ở.

Khi thấy bà con trong xã còn nhiều khó khăn, gặp khi ốm đau thắc ngặt, anh còn mua xe phục vụ cho việc chuyển bệnh. Và dĩ nhiên, đây đều là những chuyến xe hoàn toàn miễn phí.

s
Anh Trần Hoài Hận, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tân Thành (áo xanh) là một trong những người thành lập đội vá đường.

Lắm lúc, có lời ra tiếng vào rằng mình "ăn cơm nhà lo chuyện hàng xóm", nhưng các anh không bao giờ nản lòng vì lúc nào cũng có hậu phương vững chắc.

"Nhìn thấy bà con đi lại an toàn, mỗi buổi sáng, các em học sinh, bà con được no lòng, là chúng tôi đã cảm thấy hạnh phúc. Tôi chỉ mong có sức khỏe tốt để tiếp tục công việc ý nghĩa này", anh Tiến bộc bạch.

Ông Lê Hoàng Xuyên, Chủ tịch UBND thành phố Ngã Bảy cho biết, Thường trực, UBND thành phố đánh giá cao những đóng góp qua phong trào vá đường, "thắp sáng đường quê"... mà các anh đã thực hiện. Đây là những hành động ý nghĩa, góp phần đảm bảo an toàn cho bà con đi lại trong mùa mưa, vận chuyển hàng hóa.

"Thông qua việc cùng đồng thuận dặm vá các con đường, còn góp phần tạo sự gắn kết giữa người dân, gắn thắt chặt hơn nữa tình làng, nghĩa xóm.

Mới đây, tôi có tổ chức một buổi gặp riêng đối với đội vá đường. Đồng thời động viên và khen thưởng các thành viên của đội", Chủ tịch UBND thành phố Ngã Bảy chia sẻ.

Nguồn Báo giao thông

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây