Từ cậu bé lạc mẹ đến Trạng nguyên Tam nguyên, tổ nghề dệt chiếu

Thứ sáu - 09/08/2019 02:34
Người dân làng Hới vẫn tự hào rằng: ”Ăn cơm hom, nằm giường hòm, đắp chiếu Hới” bởi vì chiếu của họ không chỉ bền đẹp mà còn có thể đắp thay chăn. Hình ảnh chiếu Hới gắn liền với Trạng nguyên Tam nguyên Phạm Đôn Lễ, ông tổ của nghề chiếu nơi đây.
Ðình Quan Trạng xã Tân Lễ (Hưng Hà) nơi thờ Trạng nguyên Phạm Ðôn Lễ – ông tổ nghề chiếu. (Ảnh từ báo Thái Bình)
Ðình Quan Trạng xã Tân Lễ (Hưng Hà) nơi thờ Trạng nguyên Phạm Ðôn Lễ – ông tổ nghề chiếu. (Ảnh từ báo Thái Bình)

Bị lạc mất mẹ

Phạm Đôn Lễ sinh năm 1457 ở làng Hải Triều (tục gọi là làng Hới) thuộc tổng Thanh Triều, phủ Long Hưng, huyện Ngự Thiên, tỉnh Hưng Yên (nay là thôn Hải Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).

Ông sinh trưởng trong gia đình nghèo khó, bố là họ Phạm làm nghề chài lưới quê ở huyện Tứ Kỳ, mẹ người làng Hải Triều dựng túp lều tranh đơn sơ làm quán bán nước cho khách qua đò. Khi ông còn rất nhỏ thì người bố qua đời, hai mẹ con đơn côi sống dựa vào hàng quán.

Một lần hai mẹ con ông đi dạo trên bờ sông Luộc thì Phạm Đôn Lễ bị lạc, người mẹ tìm khắp nơi mà không được. Trong lúc lang thang vì lạc mẹ thì Phạm Đôn Lễ được một gia đình giàu có quê ở Thanh Hóa đưa lên thuyền về nhà nuôi dưỡng.

Tam nguyên Trạng nguyên hiếm có trong sử Việt

Đến tuổi đi học bố nuôi cho Đôn Lễ cùng con trai của mình theo thầy học. Vốn thông minh, Đôn Lễ học một biết mười, dù phải vất vả giúp đỡ gia đình nhưng nhưng Đôn Lễ vẫn học vượt trội hơn hết thảy chúng bạn.

Thấy Đôn Lễ thông minh như vậy, thầy học rất quý mến, dốc lòng truyền thụ, tin rằng đứa bé này rồi nhất định sẽ làm nên nghiệp lớn.

Thời vua Lê Thánh Tông rất xem trọng hiền sĩ, chú trọng khoa bảng, các khoa thi đều tìm được nhân tài rường cột cho Giang Sơn Xã Tắc.

Năm 1481, Phạm Đôn Lễ tham dự khoa thi, các kỳ thi Hương, thi Hội ông đều đỗ đầu. Vào kinh dự thi Đình ông đỗ luôn Trạng Nguyên và trở thành Trạng nguyên Tam nguyên hiếm có trong lịch sử khoa bảng.

Sử liệu có chép rằng: “Vua ngự ở Ðiện kinh thiên, thảo ra văn sách, hỏi về lý số, Phạm Ðôn Lễ đều trả lời rành mạch, lời lẽ phóng đạt trôi chảy, vua cho đỗ Trạng nguyên.”

Không màng công danh, lo tìm người mẹ đã thất lạc hàng chục năm

Sau khi vinh quy bái tổ, cha nuôi mới kể lại chuyện xưa cho Phạm Đôn Lễ, nói rằng ông chỉ là con nuôi, được gia đình nhận nuôi khi thấy lạc ở sông Luộc.

Dù vừa đậu Trạng nguyên nhưng Phạm Đôn Lễ không màng đến phần thưởng cũng như quan chức của Triều đình, việc đầu tiên ông làm là đi tìm lại gia đình khi xưa của mình.

Phạm Đôn Lễ lần tìm đến làng Hải Triều bên bờ sông Luộc khi xưa. Ông đến bến đò Cà, thấy có quán nước cũ kỹ xiêu vẹo bên bờ sông, bèn định bụng vào hỏi thăm. Chủ quán là một bà cụ với mái tóc bạc phơ bán nước cho khách bộ hành.

Trạng nguyên vào quán nước nghỉ chân rồi lân la hỏi chuyện. Khi hỏi đến con cái thì bà cụ bật khóc kể về đứa con thất lạc khi mới lên 3 tuổi của mình. Bà vẫn hàng ngày bán nước nơi đây với hy vọng đứa con trai còn sống sẽ tìm về với mẹ.

Trạng nguyên nghe kể thì quặn lòng hỏi rằng: “Cụ còn nhớ con trai cụ có đặc điểm gì nổi bật, dễ nhớ không?”

Cụ già nói trong làn nước mắt: “Ở giữa gan bàn chân trái chân con trai tôi có nốt ruồi đỏ như son.”

Trạng nguyên nghe nói thì đã đoán đây chính là mẹ mình rồi, nhưng vẫn cố nén lòng, xin phép được nhờ nằm trên cái chõng tre, rồi ông cố ý gác chân để lộ nốt ruồi đỏ ở gan bàn chân trái của mình ra.

Bà cụ nhìn thấy thì đột nhiên lại khóc, Trạng nguyên hỏi thì bà đáp rằng: “Tôi khóc vì nhìn thấy nốt ruồi ở gan bàn chân trái của quý khách giống như của con trai tôi ngày còn bé.”

Trạng nguyên liền chạy đến ôm lấy người mẹ của mình nói mình chính là đứa con đã thất lạc mấy chục năm trước đây.

Người mẹ vừa mừng vừa tủi gặp lại đứa con trai sau hàng chục năm thất lạc, và bà cũng không ngờ rằng khi gặp lại thì con đã là Trạng nguyên Tam Nguyên của Đại Việt. Sau vài năm sống hạnh phúc cùng con, người mẹ bình an qua đời.

Trạng chiếu

Trong thời gian tang mẹ, Phạm Đôn Lễ thấy dân làng Hải Triều có nghề dệt chiếu, nhưng chiếu làm ra không đẹp, khung dệt lại cao, lá chiếu không phẳng, ông vẫn luôn suy nghĩ tìm tòi để giúp dân làng.

Trở về Triều Phạm Đôn Lễ làm quan đến chức Tả thị lang, rồi lên đến Thượng thư. Ông được cử đi sứ sang nhà Minh. Trên đường đi đến vùng Quế Lâm (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), nhận thấy phong canh nơi đây hữu tình, đoàn sứ liền hơi chậm lại để thưởng lãm cảnh đẹp.

Tình cờ Phạm Đôn Lễ nhận thấy người dân nơi đây cũng có nghề dệt chiếu, nhưng những chiếu được làm không chỉ nhanh hơn mà còn đẹp và bền hơn. Qua quan sát Phạm Đôn Lễ thấy rằng người dân nơi đây dùng kỹ thuật khác với kỹ thuật làm chiếu ở quê nhà, đặc biệt là nhờ có ngựa đỡ đay.

Sau khi hoàn thành việc đi sứ, lúc trở về đi qua Quế Lâm, Phạm Đôn Lễ mua bàn dệt chiếu rồi mang về làng Hới, ông gọi người phường dệt đến tháo ra nghiên cứu để làm bàn dệt, nhưng họ đều than khó quá và bỏ cuộc. Phạm Đôn Lễ đành tự nghiên cứu.

Nhờ tư chất thông minh, ông nắm bắt được kỹ thuật. Đồng thời ông còn cải tiến đưa khung dệt chiếu thấp xuống, lại làm thêm ngựa đỡ đay ở trên khung, giúp cho sợi dây thêm căng, đồng thời dùng nêm tre để nêm chèn ở phần cuối khung chiếu, giúp cho sợi đay trên khung không bị chùng xuống. Cải tiến xong khung dệt, Phạm Đôn Lễ truyền dạy cho dân chúng, từ đó chiếu của làng Hới vừa đẹp, vừa phẳng.

Không chỉ vậy, Phạm Đôn Lễ còn dạy người dân cách dệt chiếu đậu từ cỏ cói. Chiếu đậu của ông vừa bền, vừa đẹp, lại không bị mốc, lại tinh xảo, thưởng dùng đến 5 – 7 năm mới phải thay. Người dân yêu quý mà gọi ông là Trạng Chiếu.

Bị hãm hại

Dưới thời vua Lê Uy Mục, Triều đình suy thoái, nịnh thần hoành hoành. Phạm Đôn Lê lúc này giữ chức Thượng thư thường can gián nhà vua không nghe lời những kẻ nịnh thần, khiến những kẻ này rất căm ghét ông.

Khi cửa sông Luộc bị vỡ, Phạm Đôn Lễ giúp dân kè lại cửa sông bị vỡ. Đúng thời gian đó công chúa bị ốm, những kẻ nịnh thần nhân cơ hội này tâu với nhà Vua rằng: “Công chúa bị ốm là do Phạm Ðôn Lễ đào đắp đê cửa Luộc đã bị phạm đến long mạch”.

Vua nghe lời gièm pha mà khép tội Phạm Đôn Lễ, nhưng nhờ có lời tấu của các trung thần trong Triều, Vua giảm tội cho ông. Tuy vậy, Vua bắt ông phải từ quan.

Phạm Đôn Lễ cùng vợ con về Hải Triều, sau đó lại dời về quê phụ thân ở làng Mỹ Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Ông truyền nghề làm chiếu cho người dân, đồng thời mở trường dạy học đến cuối đời.

Tưởng nhớ

Sau khi ông mất, dân làng cảm kích vị Trạng nguyên Tam nguyên liêm khiết nên xây lăng mộ khá quy mô. Người dân Hải Triều cũng lập đền thờ ông. Trong đền có bài thơ được chạm lên, dịch ra như sau:

Nước sông mênh mang nguồn dòng dài
Nhà từ đường rực rỡ, hương hoa ngát thơm
Vị thần giáng xuống ánh sáng rực rỡ
Mây sáng phiêu diêu, xa giá lượn quạnh
Giáng vẻ ung dung, vang khắp mùa xuân
Hát vang bài ca yên vui, điển chương yên lành
Phúc thần dạt dào, nhân kiệt địa linh
Từng bước đi đưa hương, báo đáp thần linh
Đời đời thờ thần, mãi mãi hoà bình.
(Bản dịch của Viện Hán Nôm)

Hàng năm cứ vào ngày mất của ông mung 6 tháng Giêng, người dân các làng Hải Triều, Bùi Xá, Hà Xá, Thanh Triều, Kiều Thạch, Mỹ Ðại, Xuân Hải, Xuân Trúc… đều tổ chức lễ hội để tưởng nhớ đến Trạng chiếu.

Theo Trithucvn.net

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây