3 thói quen xấu gây tổn hại tế bào não

Thứ sáu - 15/04/2016 06:15
Số đông chúng ta tin tưởng rằng tế bào não của con người là giới hạn và không được sản sinh. Thực tế, phần lớn các tế bào não được phát triển ở giai đoạn đầu của cuộc đời, sau đó vài vùng trên não bộ vẫn tiếp tục sản sinh tế bào não cho đến khi ta trưởng thành. Quá trình này gọi là quá trình sản sinh hay phát sinh tế bào não (neurogenesis).
3 thói quen xấu gây tổn hại tế bào não

Và hồi hải mã (hippocampus - một phần của não bộ) là một trong những vùng nói trên. Đây là một trong những vùng quan trọng nhất của não bộ, “phụ trách” trí nhớ, cảm xúc và học tập. Khi chúng ta già đi, nhiều nhân tố khác “đánh nhau” với quá trình sản sinh tế bào não và giết chết tế bào não.

Dưới đây là một số thói quen xấu làm tổn hại các tế bào não của chúng ta, như sau:

1 - Thiếu ngủ

Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Hoa Kỳ khuyến nghị rằng người trưởng thành mỗi đêm có thể ngủ từ 7-9 tiếng đồng hồ. Thời gian ngủ này đảm bảo não bộ của chúng ta có đủ thời gian hồi phục.

Người mất ngủ thường xuyên thường khó tập trung, khó đưa ra quyết định chuẩn xác, việc tập trung cho học hành và xử lý các tình huống xã hội gặp nhiều khó khăn.

Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy nơ-rôn thần kinh ở khu vực sản sinh năng lượng có tên là locus coeruleus (LC) sẽ bắt đầu chết đi nếu chúng ta thiếu ngủ vào ban đêm. Không có tế bào này, cơ thể chúng ta sẽ không thể hoạt động khỏe mạnh vào ngày hôm sau.

Nghiên cứu khác khẳng định thiếu ngủ sẽ gây co, teo vùng đại não và hồi hải mã, đặc biệt là ở người từ 60 tuổi trở lên. Do vậy, với người cao tuổi, ngủ đủ giấc là điều vô cùng cần thiết.

2 - Hút thuốc lá

Ở Hoa Kỳ, cứ 5 người thì có 1 người hút thuốc lá, chiếm khoảng 42 triệu người. Một hơi thuốc rít vào, họ đưa vào cơ thể mình hơn 7.000 độc tố, và 69 độc tố trong số đó là nguyên nhân gây ra ung thư. Hút thuốc lá gây ra các bệnh phổ biến như ung thư vòm họng, ung thư phổi, bệnh tim mạch và đột quỵ.

Đột quỵ là dạng bệnh gây phá hủy não bộ. Nghiên cứu năm 2012 của Viện Nghiên cứu Quốc gia Pháp về Sức khỏe & Y dược cho thấy, vật thử nghiện nicotine làm giảm phát sinh 50% lượng nơ-rôn ở vùng hồi hải mã. Nói cách khác, hấp thu liều cao nicotine làm chết tế bào não bộ.

Một nghiên cứu khác của Ấn Độ chỉ ra, một hợp chất có trong thuốc lá là NNK có thể gây ra sự phản hồi thái quá của tế bào bạch cầu trong não, làm cho bạch cầu quay ra tấn công tế bào não bộ.

Từ quan sát trên vật thử, các chuyên gia có thể giải thích vì sao người nghiện thuốc khi cố gắng bỏ thuốc thì gặp phải các bất ổn tạm thời trong nhận thức. Nicotine trong thuốc lá làm mất đi tính mềm dẻo và linh hoạt của các nơ-rôn và khi bỏ thuốc thì sự tổn hại này vẫn không thể được phục hồi.

3 - Hay bị stress

Áp lực có thể giúp cải thiện khả năng tập trung để giải quyết vấn đề nhưng nếu cơ thể phải gánh chịu tình trạng stress quá thường xuyên thì sẽ mất luôn sự tập trung, gây ra sự cáu gắt khó chịu và làm cơ thể ta mất năng lượng.

Trong lúc ta bị stress là lúc hormone stress cortisol được tiết ra từ tuyến thượng thận. Loại hormone này làm kích hoạt các quá trình sinh học làm chệch hướng năng lượng cho chức năng cơ thể cần thiết nhất. Ví dụ, sự tiêu hóa dừng lại khi nhịp tim tăng lên.

Ở người bị stress kinh niên, mức cortisol có thể vượt quá mức làm não bộ phải sản xuất ra nhiều tế bào myelin và giảm sản xuất các nơ-rôn thần kinh. Myelin là một dạng chất béo giúp hình thành chất trắng trong não và làm sự kết nối giữa các nơ-rôn thần kinh được diễn ra nhanh hơn.

Và những sự thay đổi này có thể gây ra các vấn đề cho não bộ như làm tăng nguy cơ mắc các chứng thần kinh: tâm thần phân liệt và rối loạn lo lắng.

Trần Trọng Hiếu
(Theo Medical Daily)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây