Hơn 40 năm chữa trị bệnh bằng Đông y, nghiên cứu và viết nhiều sách bào chế thuốc, TTND.BS Nguyễn Xuân Hướng đã lựa chọn được 7 vị thuốc đặc trị chữa viêm mũi dị ứng kèm viêm xoang cho người bệnh.
Chọn thế mạnh của Đông y để trị bệnh
TTND.BS Nguyễn Xuân Hướng cho biết, viêm mũi dị ứng là một trong những bệnh lý thường gặp nhất. Bất kỳ ai cũng có thể bị viêm mũi dị ứng nếu có phản ứng quá mẫn của niêm mạc mũi xoang. Theo Đông y, viêm mũi dị ứng phát sinh do 2 nguyên nhân: Công năng tạng phủ (chủ yếu là phế, tỳ, thận) bị rối loạn; bị phong hàn xâm nhập vào đường hô hấp. Hai yếu tố này có thể phối hợp với nhau, khiến phế khí hư nhiệt, sức đề kháng giảm sút, dễ sinh bệnh.
Đặc biệt, bệnh nếu không được điều trị hoặc điều trị không triệt để sẽ chuyển thành viêm xoang và viêm xoang nặng chạy vào phế quản, khí quản sinh hen, nghẹt thở dễ nguy hiểm tới tính mạng mà Đông y gọi là tỵ nục. Việc tìm ra nguyên nhân để điều trị trên các bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng rất khó khăn, quyết định sự thành bại của phương thuốc.
Theo TTND.BS Nguyễn Xuân Hướng, trong suốt hơn 40 năm công tác, ông đã phân tích tính năng của từng vị thuốc để lựa chọn và tạo ra một bài thuốc chữa viêm mũi kèm viêm xoang riêng với 7 vị thuốc chính cho hiệu quả cao. Điển hình là ông Trần Văn Đăng, nguyên Tổng Thư ký Ủy ban Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam bị viêm mũi dị ứng chuyển thành hen, điều trị khắp nơi không khỏi, bệnh trở thành mạn tính đã 10 năm. Cũng có nhiều trường hợp bị bệnh lâu ngày thành hen, tâm phế mãn (tim phổi bị tổn thương) dùng thuốc cũng khỏi bệnh.
Quan trọng là phải cay, nóng, chống viêm
TTND.BS Nguyễn Xuân Hướng nhấn mạnh, viêm mũi dị ứng kèm viêm xoang phần nhiều do bị hàn, mạch trầm tế, rêu lưỡi trắng... Đặc biệt, bệnh ở mũi, mặt nhưng lại do khí của tạng phế, tỳ, thận bị suy hư gây ra. Vì vậy, cách xử trí bệnh này là vừa dùng các loại thuốc có tác dụng bổ tỳ, phế, thận kết hợp với các vị thuốc có tác dụng khu phong, tán hàn, giải độc. Do đó, các vị thuốc được lựa chọn chủ yếu là các vị có tính chất cay, nóng và chống viêm mạnh như ké đầu ngựa, bạc hà, kim ngân hoa, quế chi...
Tuy nhiên, thuốc không phải ai cũng giống ai mà tùy theo người bệnh thể hàn hay nhiệt mà gia giảm cho thích hợp, nếu chẩn đoán và gia giảm sai, chắc chắn bệnh sẽ không lành. Chẳng hạn, người bị viêm mũi có hắt hơi, có ngứa trong mũi thì gia thêm kinh giới tuệ (hoa kinh giới); hay tắc mũi thì gia thêm thạch xương bồ; người nhiều nước mũi gia thêm khương hoạt... Thông thường người bệnh dùng khoảng 20 thang là ổn định và hầu như chưa thấy tái phát.
Phân tích các vị thuốc trong bài thuốc trên, Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam cho biết: Quế chi vị cay ngọt, tính ấm vào kinh tâm phế có tác dụng phát hãn, giải cơ, ôn kinh, thông kinh lạc... tức là phát tán mồ hôi phòng chống cảm hàn, làm long đờm, dễ thở...Ké đầu ngựa vị cay đắng vào kinh phế có tác dụng phát tán phong hàn, phong thấp, thông khiếu, giải dị ứng... chữa viêm mũi dị ứng do lạnh rất tốt. Kim ngân, vị ngọt, tính lạnh vào kinh phế và tâm có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, giải dị ứng tốt cho viêm mũi dị ứng. Bạc hà tính cay, mát, thơm vào kinh phế, can, có tác dụng xơ phong thanh nhiệt, tán phong nhiệt ở hầu họng dùng để chữa ngoại cảm. Kinh giới tuệ vị cay, tính ấm, mùi thơm vào kinh can phế có tác dụng giải biểu khu phong dùng để chữa cảm mạo, ho. Khương hoạt có tác dụng phát tán phong hoạt, phong thấp, trừ đau... Thạch xương bồ dùng vị cay, tính ôn, vào hai kinh tâm và can, có tác dụng tẩy uế, khai khiếu, tuyên khí, trục đờm nên những thể ho mà có đờm thì dùng thạch xương bồ có ích. Vì vậy, việc kết hợp các vị thuốc đều có tác dụng thông khiếu (thông mũi), trị ngoại cảm, ho... trong bài thuốc để trị viêm mũi dị ứng kèm viêm xoang sẽ có hiệu quả.