Nếu sự thiếu thốn vitamin tích lũy theo thời gian sẽ làm sức khoẻ suy giảm, mầm bệnh dễ dàng tấn công.
BS Lê Thị Hải - Trưởng phòng khám Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, vitamin là hợp chất hữu cơ, cơ thể chúng ta chỉ cần một lượng nhỏ nhưng nếu thiếu vitamin chắc chắn sẽ sinh bệnh. Và, tùy từng mức độ thiếu nặng hay nhẹ mà gây ra nhiều bệnh.
BS Lê Thị Hải
Các bệnh hay gặp do thiếu vitamin gồm:
Thiếu vitamin B1: Dấu hiệu ăn không ngon, người mệt mỏi. Có thể gây phù, suy tim, nặng có thể gây tử vong trẻ em.
Thiếu vitamin C: Dấu hiệu nhận biết là chảy máu xuất huyết, gây tình trạng mệt mỏi, suy giảm miễn dịch.
Thiếu vitamin B3: có những biểu hiện trên da như bong da, nặng có thể gây rối loạn tâm thần.
Thiếu vitamin A: Với người lớn thì mắt mờ, quáng gà, nặng hơn là khô giác mạc, mù lòa. Với trẻ em thì chậm lớn, còi cọc.
Thiếu vitamin D: các cháu nhỏ mắc bệnh còi xương, người lớn thì mắc bệnh loãng xương.
Như thế có thể thấy vai trò của các loại vitamin là rất quan trọng. Nhu cầu vitamin sẽ thay đổi theo từng lứa tuổi. Đối với người cao tuổi thì Vitamin đặc biệt cần thiết và quan trọng với cơ thể. Chính vì thế việc bổ sung vitamin hàng ngày cho người trên 50 tuổi là việc làm thiết yếu để nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng chống lại sự lão hóa của cơ thể, giúp cơ thể phòng ngừa, chống lại các dấu hiệu bệnh tật.
Theo xu hướng phát triển của cơ thể thì càng nhiều tuổi tốc độ dị họa sẽ diễn ra nhanh, khi đó da, tóc, cơ, xương sẽ bị dị hóa rất nhanh. Chính vì thế cần cung cấp vitamin để ức chế quá trình dị hóa.
Vitamin có nhiều loại và đều quan trọng, nhưng nhu cầu cơ thể cần thường xuyên chính là vitamin C. Vitamin C được biết như là thuốc làm tăng sức đề kháng. Khi thiếu vitamin C thì mạch máu dễ vỡ gây xuất huyết dưới da. Vitamin C có nhiều trong cây xanh, rau quả như chanh, cam, quýt, bưởi, bắp cải... Nhu cầu cơ thể về vitamin C nhiều hơn các loại vitamin khác. Người lớn cần khoảng 50-100mg, nghĩa là 1mg/kg thể trọng mỗi ngày; đối với trẻ con và phụ nữ có thai cần 100-200mg mỗi ngày. Vitamin C ngoài tác dụng tốt cho tim mạch còn có tác dụng tăng sức đề kháng chống lại bệnh cảm, cúm.
Theo TS Lâm Quốc Hùng - Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế, khi thiếu vitamin C làm cho quá trình tổng hợp collagen bị khiếm khuyết, gây chậm liền vết thương, vỡ thành mao mạch, răng và xương không tốt. Thiếu vitamin B1 mắc bệnh Beriberi với những dấu hiệu tổn thương thần kinh, thừa vitamin B1 gây dị ứng, choáng. Thiếu vitamin A gây suy giảm miễn dịch, tăng mắc các bệnh nhiễm khuẩn đặc biệt là viêm nhiễm đường hô hấp và tiêu hóa; gây tổn thương mắt (bệnh khô mắt) nếu nặng có thể dẫn đến mù lòa, thừa vitamin A gây đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, rụng tóc, khô da, rối loạn kinh nguyệt... Vitamin có chức năng rất quan trọng, tham gia vào quá trình cấu trúc men để tạo ra năng lượng cho cơ thể, tham gia vào quá trình sinh hóa, liên quan tới cấu trúc của cơ thể.
“Thiếu vitamin trong thời gian dài sẽ đẫn đến tình trạng suy nhược cơ thể. Vitamin đóng vai trò là chất xúc tác trong các phản ứng sinh hóa, nếu các phản ứng sinh hóa không diễn ra một cách bình thường thì cơ thể sẽ không được khỏe mạnh. Từ đó, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ bị suy giảm nghiêm trọng dẫn đến sức đề kháng yếu, dễ mắc bệnh” – TS Hùng nhấn mạnh.
Cũng theo TS Hùng, vai trò của vitamin rất quan trọng. Thiếu hụt vitamin khả năng miễn dịch của cơ thể suy yếu, các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng dễ dàng xâm nhập và gây bệnh. BS Lê Thị Hải - Trưởng phòng khám Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyên, việc bổ sung vitamin cho cơ thể là rất cần thiết nhằm tăng sức đề kháng, giúp cơ thể phòng thủ tốt, ngăn ngừa mầm bệnh xâm nhập.