Một nghiên cứu mới phát hành trên Tạp chí Dinh dưỡng Anh quốc khẳng định sự thiếu hụt kẽm dù rất ít, trong thời gian rất ngắn cũng gây ra những sự phá hủy âm thầm trong cơ thể của chúng ta.
Cần lưu ý các dấu hiệu của thiếu kẽm
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 1/3 dân số thế giới bị thiếu nguyên tố vi lượng này, gây ra 16% các viêm nhiễm đường hô hấp dưới, 18% số ca sốt rét và 10% bệnh tiêu chảy. Các nghiên cứu trước đây cho thấy thiếu kẽm có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm hệ thống, gây ra các bất ổn đối với việc nuôi con bằng sữa mẹ, gây phá hủy các cơ quan hay thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Ngoài mụn và các mẫn đỏ trên da ra, thiếu kẽm còn làm suy giảm chức năng hệ thần kinh, tóc rụng nhiều và thưa dần. Tuy vậy, các dấu hiệu của thiếu kẽm thường không được chú ý đúng mức.
Thiếu kẽm gây khó khăn cho quá trình tiêu hóa thức ăn
Một nghiên cứu trên vật thử của nhà khoa học Daniel Brugger, Đại học Kỹ thuật Munich đã tìm hiểu tác động của thiếu kẽm ngắn hạn lên hoạt động của hệ tiêu hóa. Các chuyên gia kết luận rằng sự thiếu kẽm lúc ban đầu sẽ không có các dấu hiệu nhận diện nhưng các thay đổi nhỏ đã diễn ra âm thầm trong gan và trong máu.
Nghiên cứu đã chứng minh được mối liên hệ trực tiếp giữa số lượng men tiêu hóa trong tụy và mức kẽm trong cơ quan này. Thiếu kẽm lâm sàng cũng làm giảm khả năng ăn uống và hấp thu của vật thử. Kẽm có liên quan đến số lượng và hoạt động các men khác trong cơ thể, trong đó có những men trong dạ dày giúp tiêu hóa thức ăn.
Thiếu kẽm sẽ làm gián đoạn sự tiêu hóa thức ăn. Các thức ăn bị thừa lại không được tiêu hóa trong đường ruột do thiếu kẽm làm cho cơ thể không có cảm giác đói, các chuyên gia cho biết.
Theo Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ, chúng ta nên hấp thu khoảng 8-11 mg kẽm mỗi ngày từ nguồn thực phẩm như các loại hạt, các loại đậu được sấy khô hoặc nấu chín, đậu lăng.
Trần Trọng Hiếu
(theo Medical Daily)
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự