Viêm họng hạt tuy không ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh nhưng lại ảnh hưởng tới sức khỏe và công việc hàng ngày do thường xuyên thấy ngứa họng, vướng họng, muốn khạc đờm khi đang nói chuyện.
Viêm họng hạt do nhiều nguyên nhân gây ra trong đó tác nhân thường gặp dẫn tới viêm họng hạt nhất là mắc phải bệnh viêm xoang mãn tính, đặc biệt là viêm xoang sau.
Dịch từ xoang chảy xuống thành sau họng khiến niêm mạc họng luôn bị lớp chất nhầy bao phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm, từ đó xuất hiện các hạt ở thành sau họng.
Một nguyên nhân khác cũng rất dễ dẫn tới viêm họng hạt là viêm amidan mãn tính. Viêm amidan thực chất là một dạng viêm họng khu trú ở tổ chức lympho thành sau họng. Nếu bệnh nhân có chỉ định cắt amidan thì viêm họng hạt vẫn xuất hiện, thậm chí nặng hơn do các lympho ở thành sau họng phát triển để bù đắp lại phần đã bị cắt bỏ.
Hội chứng trào ngược dạ dày thực quản cũng là một trong những nguyên nhân thường thấy dẫn tới bệnh viêm họng hạt. Niêm mạc họng trước đây ở môi trường kiềm nhẹ nay phải hoạt động trong môi trường axit trào ngược từ dạ dày lên, từ đó tạo môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển và gây bệnh.
Ngoài ra, viêm họng hạt còn do một số nguyên nhân khác như suy gan, rối loạn dạ dày ruột, rối loạn nội tiết, mắc bệnh tiểu đường, trĩ mũi, tạng khớp, những người làm việc trong môi trường ô nhiễm, các hóa chất độc hại, khói thuốc lá.
- Cổ họng đỏ và tấy, có nhiều hạt nhỏ nổi lên.
- Người bệnh thường có cảm giác ngứa họng, vướng họng, rát họng nên hay khạc nhổ.
- Khi nuốt có cảm giác vướng như nuốt phải sợi tóc.
- Người bệnh không có biểu hiện sốt, đau họng như khi bị viêm họng thông thường.
Viêm họng hạt là bệnh khó điều trị dứt điểm được. Cho đến nay những phương pháp điều trị thường áp dụng cho bệnh viêm họng hạt là đốt lạnh (bằng nitơ lỏng), khí dung kháng sinh để điều trị viêm họng tại chỗ. Tuy nhiên những cách trên điều trị về lâu dài không có kết quả khả quan.
Vì kháng sinh chỉ ức chế vi khuẩn chứ không làm lành được những vị trí hạt nổi lên gây viêm nhiễm vùng niêm mạc.
Còn mỗi lần đốt hạt lại gây kích ứng vùng niêm mạc xung quanh cùng các hạt nằm trên vùng niêm mạc đó, khiến bệnh tái phát còn nặng hơn trước.
Để giảm bớt triệu chứng của bệnh viêm họng hạt cũng như phòng những đợt viêm cấp, biến chứng có một phương pháp rất đơn giản mà hiệu quả, đó là dùng nước muối sinh lý súc miệng. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng hiệu quả mang lại sẽ khiến bạn phải bất ngờ.
Nước muối dùng để súc họng cần có nhiệt độ ấm hơn thân nhiệt vài độ (nhất là khi trời lạnh) để giúp giãn mạch, tăng tuần hoàn máu, diệt vi khuẩn.
- Súc miệng thật sạch bằng nước muối trong khoảng 30 giây rồi mới súc họng.
- Ngồi dựa lưng vào ghế, ngửa cổ ra sau mức tối đa, khi cảm thấy nước muối chạm thành họng sau họng thì dùng hơi đẩy nước muối tạo thành tiếng “khò khò”.
- Sau khi hết một hơi thì ngồi lại tư thế bình thường rồi nhổ nước cũ đi, lặp lại cách súc họng như trên 3-4 lần nữa.
- Tần suất súc họng nên là 3 giờ/1 lần, nếu không có thời gian thì tối tiểu cũng nên súc họng 1 lần sau khi ngủ dậy và 1 lần trước khi đi ngủ.
- Luôn giữ cho không khí trong phòng được lưu thông để tránh mắc các bệnh về đường hô hấp, giảm thiểu biến chứng thành viêm họng hạt.
- Vệ sinh khoang miệng sạch sẽ sau khi ăn, súc miệng nước muối đều đặn để phòng tránh các bệnh viêm nhiễm do vi khuẩn gây ra.
- Tránh không để mũi họng phải chịu sự kích thích của không khí khô, lạnh bằng cách giữ ấm mũi họng.
- Ăn nhiều thực phẩm có vitamin C để tăng đề kháng cho cơ thể, uống nhiều nước và tránh đồ ăn, thức uống có chất kích thích.
- Hạn chế nói nhiều, nói to vì áp lực lên cổ họng lúc này là rất lớn.
Nguồn tin: Tuổi trẻ thủ đô
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự