Gia đình tôi có thói quen ăn nhiều hoa quả sau bữa cơm tối, mùa nào thức nấy, đặc biệt mùa hè, chúng tôi hay ăn chuối chín, vải, nhãn, xoài... Gần đây, tôi đi khám sức khỏe ở công ty, kết quả mỡ máu tăng dù tôi thấy chế độ ăn khá khoa học nhưng bác sĩ nói ăn quá nhiều một số loại hoa quả có thể làm tăng mỡ máu. Tôi chưa hiểu lắm, tôi tưởng ăn hoa quả càng nhiều càng tốt. Bác sĩ có thể giải thích kỹ hơn? (Minh Anh, Hà Nam).
Thạc sĩ Diêm Thị Thanh Thủy, Trưởng khoa Khám sản tự nguyện, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, tư vấn:
"Ăn nhiều trái cây có thể làm tăng mỡ máu" là thông tin khiến nhiều người ngạc nhiên, không riêng mình bạn. Nhiều người cho rằng, ăn trái cây cung cấp nhiều vitamin nên có những người thậm chí chỉ ăn trái cây cho đẹp da, đẹp dáng. Tuy nhiên, ăn quá nhiều, không đúng cách, lại có hại cho cơ thể.
Trái cây và rau quả là nguồn dinh dưỡng thiết yếu, cung cấp chất xơ, vitamin, chất khoáng chủ yếu cho cơ thể. Hiện nay, nhiều người bị thừa chất sinh năng lượng như đường, tinh bột, đạm, mỡ nhưng lại thiếu vitamin, chất khoáng.
Đường là nguồn cung cấp năng lượng lớn nhất cho cơ thể. Trong khi đường glucose là năng lượng chính, trực tiếp dùng để nuôi các tế bào, thì đường fructose (có trong trái cây) lại cần gan xử lý trước khi được cơ thể sử dụng.
Gan là cơ quan duy nhất của cơ thể có khả năng chuyển hóa fructose thành glucose. Khi có một chế độ ăn nhiều calo và fructose, gan sẽ bị quá tải và bắt đầu chuyển hóa fructose thành chất béo (chính là tăng mỡ máu). Vì thế, ăn nhiều đường fructose từ hoa quả sẽ gây lắng đọng chất béo trong gan, có khả năng dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, tăng mỡ máu.
Theo khuyến cáo, mỗi ngày một người trưởng thành chỉ nên ăn khoảng 400g trái cây, con số này không nhiều, tương đương 1 quả xoài loại vừa, 8-10 quả nhãn, vải.
Loại trái cây ăn hằng ngày cũng không nên lựa chon loại quá ngọt. Một quả chuối to trọng lượng khoảng 300-400g, đặc biệt lưu ý loại chuối chín nẫu chứa rất nhiều lượng fructose.
Thời điểm ăn hoa quả rất quan trọng. Bạn nên ăn vào giữa các bữa ăn, trước khi ăn cơm 1-2 tiếng. Trong bữa cơm, chúng ta ăn nhiều tinh bột đường (cơm, khoai, khoai tây, cà rốt…) nên nếu ăn hoa quả sau đó sẽ làm tăng lượng đường trong máu.
Bạn nên ăn cả quả không ép nước. Khi ăn cả quả, chúng ta sẽ được bổ sung chất xơ, làm cản trở hấp thu đường, nếu ép nước chỉ còn lại đường, thúc đẩy quá trình hấp thu nhanh. Hơn nữa, khi ép nước, chúng ta không tính được lượng hoa quả nạp vào.
Nguồn Vietnamnet