Bầu
Trái bầu chứa 94% nước trong thành phần, nhiệt lượng thấp, giàu vitamin A, kali, magie và nhiều chất xơ. Theo Đông y, bầu vị hơi nhạt, tính mát, có công hiệu giải nhiệt, giải độc, lợi tiểu, cũng có tác dụng thông tiện. Người bị phong hàn hay khó tiêu nên hạn chế vì bầu có thể gây lạnh bụng.
Giá
Trong Đông y, giá là vị thuốc có tính mát, vị nhạt hơi the, có tác dụng thanh nhiệt, hạ hỏa, lợi tiểu… Giá đậu xanh hoặc giá đậu nành có hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu chất xơ, vitamin C, nhiệt lượng và chất béo. Ăn giá thường xuyên cũng giúp đẹp da, trị đờm.
Lưu ý, cần chọn giá tươi không dập úng vì môi trường sống của giá có độ ẩm cao dễ bị nhiễm khuẩn Salmonella hoặc E.coli gây ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra, nên tránh xào giá với gan heo vì chất đồng trong gan sẽ làm giảm lượng vitamin C trong giá.
Củ cải
Củ cải trắng hoặc củ cải đỏ có thể ăn sống hoặc chế biến thành món ăn. Đông y cho rằng củ cải có tính ngọt, mát, vị cay, công dụng giải độc, giải nhiệt, hóa đờm. Lượng vitamin C nhiều giúp đẹp da, thông tiện, giảm huyết áp, phòng ngừa táo bón.
Cải thảo
Theo Đông y, cải thảo cũng có tính hàn, vị ngọt, có tác dụng trừ nhiệt, giải độc, thông tiện. Cải thảo giàu chất xơ, hàm lượng vitamin A, C phong phú.
Bắp cải
Bắp cải là thực phẩm giúp loại bỏ các độc tố từ đường tiêu hóa để làm sạch hệ tiêu hóa. Những bệnh nhân có bệnh về tuyến giáp nên tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi sử dụng.
Bông cải xanh
Bông cải xanh chứa nhiều vitamin C, A, K, B9 và một số khoáng chất như kali, phốt pho, sắt và selen. Lượng chất xơ dồi dào giúp hỗ trợ thông tiện, tốt cho người bị bệnh tim mạch, cải thiện tình trạng thiếu máu, giảm cholesterol, giảm đường huyết.
Bông cải xanh nên được luộc hoặc hấp vừa chín để giữ nguyên các giá trị dinh dưỡng.
Bên cạnh việc bổ sung rau củ nhiều chất xơ, người bị táo bón có thể bổ sung thêm các loại trái cây như bơ, táo, chuối, đu đủ. Đồng thời, cần nhớ uống nước đúng và đủ.
Nguồn Laodong.vn