Viêm gan B hay viêm gan siêu vi B là bệnh lý truyền nhiễm ở gan, nguyên nhân do virus hepatitis B (HBV) gây ra. Theo thống kê, ước tính mỗi năm có khoảng 250.000 - 500.000 người trên thế giới tử vong vì căn bệnh này. Virus viêm gan B lây truyền qua nhiều con đường khác nhau: Từ mẹ sang con, quan hệ tình dục không an toàn, qua đường máu.
Người bệnh nhiễm HBV trong 6 tháng đầu được gọi là viêm gan B cấp tính. Ở giai đoạn này, virus có thể gây ra một số triệu chứng nhất định như: mệt mỏi, chán ăn, vàng da, nước tiểu đậm màu, men gan tăng…Sau 6 tháng, viêm gan B cấp không được phát hiện và điều trị triệt để có thể trở thành viêm gan B mạn tính.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), nếu đã được chẩn đoán mắc viêm gan B mạn tính, người bệnh cần xác định phải chung sống với virus suốt đời. Mặc dù cũng có trường hợp người bệnh có thể điều trị khỏi hẳn viêm gan B mạn tính, nhưng đây chỉ là một tỷ lệ rất nhỏ (khoảng 2%).
Do đó, người mắc viêm gan B mạn tính cần phải tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ, để có thể chung sống khỏe mạnh với HBV.
Tuy nhiên, có một thực trạng là nhiều người chủ quan với viêm gan B nên không tuân thủ nghiêm ngặt việc điều trị, thậm chí bỏ dở điều trị nhiều năm liền.
Việc bỏ điều trị khiến bệnh nhân đối mặt với nhiều rủi ro. Cụ thể, khi bỏ thuốc, virus đang bị ức chế bởi thuốc sẽ thoát ức chế và nếu bùng phát bệnh trở lại thì nặng hơn trước rất nhiều, có thể gây suy gan nặng, cấp tính và dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn. Thậm chí, nếu qua được thì bệnh nhân đối mặt với nguy cơ xơ gan và ung thư hóa gan.
Không chỉ làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan, với những người đã mắc ung thư gan nhưng có bệnh nền viêm gan siêu vi B, C thì việc bỏ thuốc kháng virus còn khiến cho bệnh ung thư diễn tiến nhanh hơn.
Nguồn tin: Dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự