Nguyên tắc ăn "2 tăng, 1 giảm" để nhanh chóng phục hồi bệnh lý gan mật

Thứ ba - 05/01/2021 21:33
Để bảo vệ gan và cải thiện chức năng gan hiệu quả, điều đầu tiên cần thực hiện chính là xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh.
Nguyên tắc ăn "2 tăng, 1 giảm" để nhanh chóng phục hồi bệnh lý gan mật

Lá gan là cơ quan nội tạng chủ chốt của cơ thể bởi nó tham gia vào hầu hết các quá trình sinh học quan trọng. Tất cả các chất vào cơ thể đều qua gan vào máu đến các nơi. Những hoạt động duy trì sự sinh tồn của cơ thể mà gan tham gia vào gồm có:

- Tạo ra mật giúp tiêu hóa thức ăn, chuyển hóa chất dinh dưỡng từ thức ăn thành năng lượng, điều chỉnh lượng chất béo, vitamin, khoáng chất vi lượng và chất đường mà cơ thể cần.

- Sản xuất các chất cần cho hoạt động của não, tủy sống, sản xuất và bài tiết cholesterol, kiểm soát sự đông máu.

- Sản xuất ra các yếu tố miễn dịch và loại bỏ vi khuẩn, giúp cơ thể tạo ra sức đề kháng chống lại nhiễm trùng.

- Lưu trữ các chất quan trọng có thể nuôi sống cơ thể để cung cấp lại cho cơ thể vào những thời điểm cần thiết.

- Giải độc cơ thể bằng cách bài tiết các chất độc hại ra khỏi cơ thể.

Tuy nhiên, do các mầm bệnh như ký sinh trùng, vi khuẩn, virus, bệnh lý bẩm sinh hay các chất độc mà chúng ta đưa vào cơ thể thông qua con đường ăn uống, lá gan sẽ bị hư hại. Các bệnh lý gan mật thường gặp bao gồm: viêm gan virus, gan nhiễm mỡ, viêm đường mật, xơ gan, ung thư gan… 

Theo Hội gan mật Việt Nam, khi đã được chẩn đoán mắc bệnh lý gan mật, người bệnh cần tuân thủ những nguyên tắc dinh dưỡng dưới đây:

1. Giảm bớt mỡ trong chế độ ăn

Khi tế bào gan bị tổn thương thì lập tức trong bào tương của nó sinh ra những giọt mỡ có thể bóp nghẹt hạt nhân của tế bào và giết chết tế bào. Đó là hiện tượng thoái hóa mỡ của gan.

Vì vậy chế độ ăn có nhiều lipid phải loại trừ ngay.

2. Tăng glucid

Bình thường, một phần glucid của chế độ ăn được dự trữ trong gan dưới dạng glycogen, chức năng chuyển hóa dự trữ glycogen rất quan trọng vì nó làm cho gan đảm nhiệm được vai trò giải độc, chống xâm nhập của các chất độc từ bên ngoài vào và những chất độc từ cơ thể gây ra. Khi gan bị tổn thương thì glycogen trong gan bị giảm đi, do đó chế độ ăn cần phải có nhiều glucid để tạo ra nhiều glycogen.

Thực tế người ta cũng đã chứng minh: lipid và glycogen là hai chất có tỷ lệ trái ngược nhau trong gan, chất này nhiều thì chất kia sẽ ít đi. Vậy chế độ ăn nhiều glucid không những cung cấp glycogen cho gan mà còn làm chậm sự xâm nhập lipid vào gan.

3. Tăng protein

Sự tái tạo tế bào gan cần phải có nhiều protein. Sự thoái hóa mỡ của gan có thể sinh ra bởi một chế độ ăn nhiều lipid hoặc chế độ ăn ít protein. Chế độ ăn tăng protein có thể giúp gan chống ngộ độc do asen, clorofoc, tetraclorua cacbon.

Người ta đã chứng minh chất cholin methionin có thể chống lại sự xâm nhập mỡ vào gan (gây ra bởi các chế độ ăn ít protein). Methionin là một acid amin cần thiết, nó giúp cho tổng hợp cholin.

Methionin và cholin được gọi là các chất tiêu mỡ vì nó có tác dụng chuyển các chất lipid từ gan đến các kho dự trữ mỡ ở dưới da. Không có những chất này thì mỡ sẽ tụ lại trong tế bào gan gây thoái hóa mỡ. Ngoài ra 2 chất này còn có khả năng chống độc và được coi là "acid amin bảo vệ gan". Tác dụng của chế độ ăn tăng protein có nhiều methionin của sữa trong các bệnh gan được nhiều tác giả tán thành và công nhận có hiệu quả.

Ngoài ra gan còn có chức năng quan trọng trong sự đồng hóa các vitamin tan trong dầu như A, D, E, K, nếu chức năng gan bị suy thì cơ thể biểu hiện các triệu chứng thiếu vitamin, ví dụ: thiếu vitamin K sẽ rối loạn đông máu (vì gan không tạo ra được prothrombin).

Người ta đã tạo được bệnh xơ gan trên súc vật bởi một chế độ ăn thiếu vitamin nhóm B (gan có chức năng chống độc nhờ vitamin nhóm B). Vì vậy cần phải có chế độ ăn hợp lý để ngăn chặn và làm thoái lui bệnh gan mật.

Nguồn tin: Dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây