Rối loạn nhịp tim có thể dấu hiệu bệnh lý nguy hiểm

Thứ sáu - 25/01/2019 12:57
Chứng rối loạn nhịp tim có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nguy hiểm, dù bạn đang có một trái tim khỏe mạnh.
Rối loạn nhịp tim có thể dấu hiệu bệnh lý nguy hiểm

Để sớm phát hiện và điều trị kịp thời, mỗi người cần quan tâm sát sao đến sức khoẻ, trang bị những kiến thức cơ bản về chứng rối loạn nhịp tim. Dưới đây là những chia sẻ từ bác sĩ Hsu Li Fern, chuyên gia tim mạch từ Bệnh viện Mount Elizabeth, Singapore.

Rối loạn nhịp tim là gì?

Thông thường, nhịp đập của tim đều đặn và được điều khiển bởi điện sinh học. Nhịp tim lúc nghỉ ngơi khoảng 60-100 nhịp/phút, tăng nhanh khi tập thể dục hay căng thẳng. Rối loạn nhịp tim là khi tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc không đều.

Rối loạn nhịp tim có thể do loạn nhịp thất hoặc loạn nhịp trên thất, phổ biến là ngoại tâm thu nhĩ (PAC hoặc APC), ngoại tâm thu thất (PVC), nhịp nhanh trên thất (SVT) hoặc nhịp nhanh kịch phát trên thất (PSVT), nhịp nhanh thất (V-tach), rung nhĩ, rung thất, cuồng động nhĩ, loạn nhịp nhanh đường phụ, loạn nhịp chậm, tắc nhĩ thất.

Những loại rối loạn nhịp tim khác nhau có triệu chứng khác nhau, thường là tim đập nhanh, cảm giác hồi hộp, bỏ nhịp hoặc thừa nhịp, tim đập thình thịch, đau ngực, căng cứng lồng ngực, thở gấp, ngất xỉu.

Nguyên nhân

Rối loạn nhịp tim đôi khi phát sinh từ việc quá căng thẳng, nhiễm trùng, sốt, dùng thuốc và chất kích thích khác như ma túy hoặc rượu. Tuy nhiên trong một số trường hợp, đây có thể là dấu hiệu của bệnh tim. Bệnh nhân có thể gặp hội chứng QT - một dạng rối loạn điện tim thường phát sinh do di truyền. Nguyên nhân có thể bởi hội chứng nút xoang bệnh - một nhóm các triệu chứng cho thấy nút xoang trong tim hoạt động bất thường, cấu trúc tim có vấn đề hoặc khuyết tật tim bẩm sinh.

Huyết áp cao, rối loạn tuyến giáp, mắc các bệnh về phổi hoặc tiểu đường cũng có thể là nguyên nhân gián tiếp. Trong đó, huyết áp cao là tình trạng dòng máu chảy ở động mạch với áp lực lớn hơn trong thời gian dài, khiến tim phải làm việc nhiều hơn bình thường. Hậu quả là các sợi cơ tim dày lên, cấu trúc buồng tim dần thay đổi và gây nhiều rối loạn chức năng tim, trong đó có rối loạn nhịp tim.

Với rối loạn tuyến giáp, lượng hormone mà tuyến giáp tiết ra có thể làm tăng hoặc giảm nhịp tim, thay đổi lực bơm máu. Suy giáp làm tim đập chậm hơn, kèm theo cảm giác mệt mỏi, chán nản. Trong khi bệnh cường giáp lại làm tăng tốc độ nhịp tim, gây bồn chồn, lo lắng và mất ngủ.

Ngoài ra, khi phổi có vấn đề và gây khó thở, tim sẽ đập nhanh để thúc đẩy phổi hoạt động tích cực hơn (thở nhanh hơn) giúp lượng máu tại phổi nhận đủ oxy, trở về tim và bơm đi phục vụ nhu cầu cơ thể. Tuy nhiên, khi nhịp tim thay đổi đột ngột, xung điện ở tim bị rối loạn và hình thành rối loạn nhịp tim.

Bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh tự chủ điều khiển nhịp tim, làm tim đập nhanh bất thường, kể cả lúc nghỉ ngơi. Lượng đường glucose trong máu tăng cao khiến mỡ tích tụ lên thành mạch máu dẫn đến xơ vữa động mạch. Đây cũng là nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim do lưu lượng máu bị giảm sút.

Người thường xuyên bị rối loạn nhịp tim nên gặp chuyên gia để được kiểm tra và tư vấn. Các phương pháp kiểm tra sức khỏe tim thường là siêu âm tim, điện tâm đồ (EKG hoặc ECG), kiểm tra độ stress, theo dõi tại nhà, đặt ống thông tim.

Hướng khắc phục

Để kiểm soát rối loạn nhịp tim, bệnh nhân cần dùng thuốc và điều trị can thiệp khi cần thiết. Các biện pháp khác là khử rung tim bằng điện để đặt lại nhịp tim, dùng máy tạo nhịp tim - một thiết bị nhỏ phát xung điện đến tim để đưa nhịp tim trở về bình thường. Nghiêm trọng hơn, bệnh nhân phải cấy máy khử rung tim ICD, theo dõi và sốc điện để khôi phục nhịp tim. Phẫu thuật tim thường là biện pháp được cân nhắc cuối cùng.

Để ngăn ngừa nguy cơ mắc chứng rối loạn nhịp tim, bạn nên tập luyện thể dục, bỏ thuốc lá, duy trì cân nặng hợp lý và xây dựng chế độ ăn uống cân bằng, chọn ăn thực phẩm tốt cho tim như ngũ cốc nguyên cám, trái cây, rau quả, các loại đậu như đậu đen, đậu gà hoặc thịt nạc, đồng thời tránh thực phẩm chế biến sẵn, giàu chất béo chuyển hóa.

Nguồn tin: zing.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây