Một thống kê cho thấy khoảng 90% nữ giới gặp những vấn đề ở đôi bàn chân trong suốt cuộc đời. Bàn chân có hình dạng, màu sắc bất thường hay thường xuyên bị lạnh, chuột rút, móng chân có màu vàng hoặc mảng tối đều là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề sức khỏe.
Hình dạng
Khi đặt bàn chân trần trên mặt sàn phẳng, lòng bàn chân nên có cấu tạo vòm. Những trường hợp bàn chân bẹt (lòng bàn chân phẳng lì khi đặt trên sàn nhà) có thể gây ra do một số nguyên nhân như dị tật bẩm sinh, viêm khớp, thấp khớp hoặc vấn đề về thần kinh. Những trường hợp mắc các bệnh béo phì, tiểu đường, phụ nữ mang thai hoặc người cao tuổi cũng làm tăng nguy cơ phát triển dị tật bàn chân bẹt.
Bàn chân bẹt gây ảnh hưởng tới khả năng đi lại bình thường, gây các cơn đau gót chân, cổ chân, thậm chí có thể gây ảnh hưởng tới xương lưng, xương hông, gây đau, viêm, thoái hóa khớp gối. Dị tật này còn có thể gây ảnh hưởng tới lưng, cổ do khiến các xương ở cẳng chân bị xoay khi đi lại, khiến khớp gối bị xoay lệch. Bàn chân bẹt cũng khiến ngón cái có cấu trúc bất thường, viêm cân gan chân, gai gót chân…
Ngón chân cái nên có cấu trúc thẳng. Nếu ngón cái bị cong và đẩy về phía các ngón còn lại và xuất hiện khớp xương gồ lên ở mặt bên ngón chân cái, có thể bạn đã mắc chứng biến dạng ngón chân cái. Chứng biến dạng này chỉ có thể được khắc phục bằng cách phẫu thuật. Dị tật này chủ yếu gây ra do di truyền, bẩm sinh, chấn thương. Hiện nhiều chuyên gia không đồng tình với quan điểm cho rằng các loại giày cao gót cũng góp phần khiến ngón chân cái bị biến dạng. Tuy nhiên, những loại giày mũi nhọn hoặc những đôi giày cao gót sẽ khiến đẩy trọng lượng cơ thể về phía trước, dẫn tới đẩy các ngón chân về phía trước trong đôi giày.
Do đó, bạn nên mang những đôi giày vừa chân, thoải mái kèm theo những miếng đệm giúp đôi chân đỡ đau nhức.
Màu sắc và nhiệt độ
Đôi bàn chân nên có cùng màu sắc với làn da trên toàn cơ thể. Da bàn chân thường xuyên có màu xanh cho thấy vấn đề trong việc lưu thông máu. Hãy thử ấn ngón tay vào phần thịt ở mặt dưới ngón chân. Làn da của đôi chân khỏe mạnh sẽ trở nên trắng hơn ở khu vực ấn ngón tay và nhanh chóng khôi phục màu sắc ban đầu khi ngừng tạo áp lực. Nếu quá trình này mất một khoảng thời gian, đây có thể là dấu hiệu của việc lưu thông máu kém.
Tương tự, đôi bàn chân thường xuyên bị lạnh cũng là dấu hiệu của việc lưu thông máu kém. Trong những trường hợp nghiêm trọng, lưu thông máu kém còn có thể gây hoại tử. Vì vậy, bạn chớ nên coi thường và nên đi khám bác sĩ khi da bàn chân có màu sắc bất thường. Đôi khi, một số xét nghiệm huyết áp, lượng cholesterol và đường glucose trong máu cũng sẽ được tiến hành.
Chuột rút
Những cơn đau co rút bàn chân bình thường sẽ biến mất sau khi bạn thực hiện động tác duỗi thẳng hoặc xoa bóp bàn chân. Tuy nhiên, nếu hiện tượng này xảy ra quá thường xuyên, việc lưu thông máu có thể đang gặp vấn đề. Ngoài ra, hãy lưu ý bổ sung đủ nước cho cơ thể. Khi cơ thể bị mất nước và các chất điện giải, các cơ bắp sẽ dễ bị co rút đau đớn hơn.
Hiện tượng chuột rút bàn chân xảy ra thường xuyên cũng có thể đi kèm co rút cả phần cẳng chân. Đây có thể là dấu hiệu dây thần kinh bị chèn ép. Việc cơ thể thiếu các khoáng chất như kali, magie và canxi cũng có thể khiến cơ bắp bị co rút.
Thay đổi bất thường ở móng chân
Móng chân màu vàng có thể do lạm dụng sơn móng hoặc là dấu hiệu nhiễm nấm. Bệnh nấm móng chân thường xảy ra ở người trưởng thành có nguy cơ cao hơn cùng với sự gia tăng tuổi tác. Nấm móng cũng có thể khiến móng chân dày, dễ gãy, thay đổi hình dạng và bị đau. Đa số trường hợp, nấm phát triển ở mặt trên hoặc các cạnh bên của móng chân.
Những người có hệ miễn dịch yếu và mới trải qua một trận ốm nặng có nguy cơ cao bị nấm móng chân.Nếu phát hiện những sọc sẫm màu hoặc những mảng tối ở móng chân (không phải do chấn thương), bạn không nên chủ quan và nên đi kiểm tra càng sớm càng tốt vì đây có thể là dấu hiệu ung thư da.
Da bàn chân khô, nứt nẻ
Nếu da bàn chân vẫn bị khô nứt dù đã được dưỡng ẩm thường xuyên, đó có thể do da chân quá dày, khiến kem dưỡng không có tác dụng. Đây là một phần trong cơ chế bảo vệ của làn da nhằm chống lại áp lực, chà xát. Hiện tượng da dày còn biểu hiện qua các nốt chai sần, mụt cóc.
Những hoạt động thường xuyên tạo áp lực lên bàn chân như chạy nhảy hoặc đi bộ trên chân trần cũng có thể khiến hình thành các vết chai. Da bàn chân khô nứt còn có thể gây ra bởi một số bệnh như viêm da, vảy nến, eczema, chứng dày sừng, nhiễm nấm.
Mùi
Bàn chân có mùi có thể là dấu hiệu bị nhiễm nấm. Phần da giữa các ngón chân và gan bàn chân có thể bị ngứa, cảm giác châm chích nhức nhối, nứt nẻ và khô. Nấm sinh sôi nhiều ở những môi trường nóng ẩm, nhiều mồ hôi, trong đó có bể bơi.
Nếu bị nấm chân, hãy lau khô các kẽ ngón chân sau khi tắm và dành nhiều thời gian đi chân trần để đôi bàn chân được khô thoáng. Thay tất mỗi ngày và nên dùng tất làm từ các loại sợi tự nhiên. Giày thể thao giữ một lượng lớn hơi ẩm, nên hãy nhét giấy khô vào giày và để chúng ở nơi khô thoáng khi không sử dụng. Bạn cũng có thể tham khảo các loại thuốc bôi trị nấm. Bệnh nấm chân sẽ khó điều trị hơn ở những trường hợp mắc bệnh tiểu đường hoặc hệ miễn dịch yếu.