Chị Lê Thanh Hoa (Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết gần đây bản thân hay gặp phải tình trạng "nhớ nhớ, quên quên" khi thường xuyên quên những vật dụng cần thiết như điện thoại, ví, chìa khoá. Đặc biệt, tình trạng này còn ảnh hưởng đến hiệu suất công việc của chị.
Chia sẻ về thói quen sinh hoạt hàng ngày, chị Hoa cho biết bản thân vừa làm việc tại công ty vừa nhận làm thêm vào buổi tối nên thường đi ngủ lúc 1-2h sáng. Mỗi ngày, chị chỉ ngủ được khoảng 5 tiếng.
Nhận định về trường hợp này, bác sĩ Phạm Thị Ngọc Quyên, khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết bệnh nhân như chị Hoa không phải là hiếm. Đây là trường hợp có dấu hiệu suy giảm nhận thức nhẹ. Đối với một số ca bệnh, đó có thể là giai đoạn đầu của tình trạng sa sút trí tuệ. Mỗi năm, thế giới có khoảng 10 triệu người được chẩn đoán sa sút trí tuệ.
3 thói quen xấu tàn phá trí nhớ
Theo bác sĩ Quyên, một số thói quen xấu đang ảnh hưởng tới não bộ, trí nhớ người dân, đặc biệt là giới trẻ, cần tránh gồm:
Việc lệ thuộc nhiều vào máy tính, điện thoại, thiết bị công nghệ hỗ trợ khi cần ghi nhớ, tìm kiếm, tính toán sẽ làm cho phản xạ hoạt động liên quan tới khả năng tập trung, tính toán giảm, dẫn tới não kém linh hoạt hơn.
Chế độ dinh dưỡng không hợp lý gây ra tình trạng béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường cũng làm tăng nguy cơ suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ. Đặc biệt, xu hướng sử dụng chất kích thích, bia rượu, thuốc lá ngày càng tăng cũng làm gia tăng nguy cơ suy giảm trí nhớ.
Thức khuya cũng là thói quen xấu, gây ảnh hưởng rất nhiều tới bộ não của con người. Cơ thể cần được nghỉ ngơi và não cũng tương tự. Mỗi ngày bạn cần ngủ 8 tiếng và thời điểm đi ngủ thích hợp nhất là 22h. Khi ngủ, não bộ tái cơ cấu lưu trữ thông tin. Vì vậy, nếu bạn thức khuya thường xuyên trí nhớ sẽ bị ảnh hưởng, khả năng tập trung giảm.
Nếu cảm thấy tỉnh táo, không mệt mỏi khi thức dậy vào buổi sáng, chứng tỏ bạn đã ngủ đủ giấc. Ngược lại, nếu bạn muốn “ngủ nướng” chứng tỏ cơ thể đang thiếu ngủ. Vì vậy, bác sĩ Quyên khuyến cáo bạn cần duy trì ngủ đủ giấc để đảm bảo sức khỏe cho não bộ.
Dấu hiệu nào cần đi khám?
Khi nhận thấy cơ thể xuất hiện tình trạng thay đổi các chức năng nhận thức (như hay quên) hoặc suy giảm nhận thức được bạn bè/gia đình ghi nhận, bạn nên đến gặp bác sĩ. Ngoài ra, bệnh nhân đột quỵ, hoặc tiền sử gia đình có người bị sa sút trí tuệ cũng cần được thăm khám để tầm soát và đánh giá nguy cơ.
Một số dấu hiệu báo động tình trạng bất thường cần đi thăm khám gồm:
- Hỏi đi hỏi lại cùng một câu nhiều lần
- Đi lạc tại một địa điểm bản thân người bệnh biết rõ
- Gặp trục trặc khi hiểu một công thức nấu ăn hoặc theo bảng chỉ phương hướng giao thông
- Thường xuyên lẫn lộn về thời gian, tên người, và nơi chốn
- Bỏ bê chăm sóc bản thân như ăn kém, bỏ tắm rửa, hoặc hành xử không an toàn
Biện pháp nào giúp cải thiện trí nhớ?
Theo bác sĩ Quyên, các biện pháp để cải thiện trí nhớ, bảo vệ bộ não là tăng cường tập luyện, giao tiếp, duy trí chế độ ăn khoa học.
Cụ thể, tập thể dục, chạy bộ giúp cải thiện trí nhớ. Nếu bạn duy trì thói quen này trung bình khoảng 30 phút mỗi ngày, 5-6 ngày/tuần sẽ góp phần giảm suy giảm nhận thức.
Để bảo vệ trí nhớ, bạn có thể tham gia các chương trình cộng đồng, tăng giao tiếp giúp cải thiện khả năng tập trung, thị giác không gian. Ngoài ra, bạn cần duy trì thói quen tự tính nhẩm để cải thiện khả năng tập trung chú ý. Các hoạt động như chơi cờ rất tốt cho não bộ.
Bên cạnh đó, bạn có thể chủ động sắp xếp lịch làm việc, sổ ghi chép công việc, các đồ đạc, vật dụng thiết yếu được đặt ở vị trí cố định để khắc phục tình trạng hay quên của mình.
Nguồn Vietnamnet