Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về việc hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản na theo tiêu chuẩn VietGap; công tác phối hợp, tuyên truyền, chỉ đạo các chi hội nông dân sản xuất na trên địa bàn; tổ chức thực hiện bẫy bả đồng bộ ruồi vàng hại na; định hướng phát triển cây na, diện tích trồng na, hiệu quả kinh tế và những thuận lợi, khó khăn của việc phát triển cây na trên địa bàn. Các hộ trồng na chia sẻ một số kinh nghiệm thâm canh cho cây na đem lại năng suất, sản lượng cao như kỹ thuật đốn tỉa cành, lùn hóa vườn na, thụ phấn nhân tạo, phòng trừ sâu bệnh hại, vận chuyển và bảo quản na bằng tời. Các hộ trồng na mong muốn các nhà khoa học tiếp tục có nghiên cứu khoa học và công nghệ về cây na để ứng dụng trong nhân dân; các cơ quan chức năng từ trung ương đến huyện tiếp tục triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ nông dân sản xuất na an toàn, nâng cao chất lượng, năng suất sản phẩm.
Đại diện Viện Rau quả Trung ương phát biểu tại hội thảo Đại diện các viện nghiên cứu của trung ương cũng định hướng một số nhiệm vụ, đề tài sẽ nghiên cứu, triển khai đối với cây na, sản phẩm na Chi Lăng trong thời gian tới như: nhân giống cây na đầu dòng, sản xuất na trái vụ, công nghệ sau thu hoạch, sản xuất na an toàn… Đồng thời giải đáp một số thắc mắc trong trồng, chăm sóc cây na. Các nhà khoa học khẳng định để cây na phát triển bền vững cần có sự vào cuộc của 4 nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông.