Họp trực tuyến về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội

Thứ hai - 27/05/2024 23:05
Sáng 27/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tuyến về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Các đại biểu dự họp tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
Các đại biểu dự họp tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
Dự họp tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo UBND huyện Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn.

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội gồm 7 chương, 78 điều đã cụ thể hoá 18 nội dung của Luật Nhà ở năm 2023. Dự thảo nghị định quy định chi tiết một số nội dung về: điều kiện, tiêu chí thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội của các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại; về lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; về lợi nhuận định mức, diện tích kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại và vay vốn với lãi suất ưu đãi của chủ đầu tư nhà ở xã hội; về điều kiện, trình tự, thủ tục mua, bán, cho thuê nhà ở xã hội...

Sau khi hoàn thành xây dựng dự thảo nghị định, Bộ Xây dựng đã  đăng tải toàn bộ dự thảo nghị định trên cổng thông tin điện tử Chính phủ và cổng thông tin Bộ Xây dựng để lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; gửi văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành, cơ quan trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các doanh nghiệp, hiệp hội có liên quan. Đến nay, Bộ Xây dựng đã nhận được ý kiến đóng góp của 56/63 địa phương, 13/21 bộ, ngành; 13 doanh nghiệp; 8 tổ chức chính trị xã hội về nội dung dự thảo nghị định… Bộ Xây dựng đã tiếp thu các ý kiến đóng góp và giải trình làm rõ từng nội dung cụ thể.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận tập trung vào một số quy định liên quan đến : các giai đoạn dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang; việc nộp tiền sử dụng đất của chủ đầu tư dự án khi bán lại nhà ở xã hội sau 10 năm cho thuê và việc nộp tiền sử dụng đất khi bán lại nhà ở xã hội sau thời hạn 5 năm; điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội;  hỗ trợ vay vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang hoặc tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở…

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận sự chủ động, nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo. Đồng chí cũng đánh giá cao sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc phối hợp tham gia góp ý xây dựng nội dung dự thảo nghị định.

Đồng chí yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp tục tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp tại cuộc họp; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, chỉnh sửa các nội dung dự thảo nghị định phù hợp với quy định của pháp luật và thực tế phát triển và quản lý nhà ở xã hội tại các địa phương. Qua đó góp phần khắc phục một số khó khăn, bất cập phát sinh trong quá trình triển khai chính sách nhà ở xã hội trên thực tế cũng như đẩy mạnh thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.

Tại cuộc họp, các đại biểu cũng thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở. Về nội dung này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hoàn thiện nội dung dự thảo. Trong đó, phải xác định rõ đối tượng, phạm vi và tiêu chí lựa chọn các dự án thí điểm đảm bảo sau khi nghị quyết được Quốc hội thông qua sẽ phát huy được hiệu quả.

Nguồn tin: baolangson.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây