Từ năm 2016 đến nay, các đơn vị trường học trên địa bàn đã vận động nhân dân hiến 30.780 m2 đất; huy động phụ huynh, học sinh, giáo viên đóng góp 216.114 ngày công lao động; các tổ chức, đoàn thể, người dân hỗ trợ, đóng góp được trên 5 tỷ đồng đầu tư xây dựng, sửa chữa, cải tạo 30 phòng học tạm, bếp ăn, nhà vệ sinh trường học; phụ huynh, học sinh đóng góp được trên 5.300 đầu sách phục vụ công tác giáo dục. Cùng với tu sửa cơ sở vật chất, ngành cũng đã huy động được hơn 100 triệu đồng hỗ trợ 300 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vào đầu năm học để các em có điều kiện đến trường.
Cô Bế Thị Điệp, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phi Mỹ, xã Tri Phương cho biết: Trường Mầm non Phi Mỹ mới được thành lập từ năm 2017, ngày đầu mới thành lập, nhà trường thiếu thốn trăm bề, nếu chỉ dựa vào sự đầu tư của nhà nước thì khó mà đáp ứng được đầy đủ hạng mục để phục vụ dạy học, vì vậy, nhà trường đã vận dụng linh hoạt công tác xã hội hoá, kêu gọi đầu tư từ các tổ chức, cá nhân. Nhờ đó, năm học 2018 – 2019, nhà trường được các tổ chức đoàn, hội trên địa bàn ủng hộ 350 triệu đồng và nhân dân đóng góp ngày công xây dựng mới 1 phòng học, 1 bếp và 1 nhà vệ sinh (điểm trường Bản Bó) với tổng diện tích 450 m2. Qua đó, tạo điều kiện tốt hơn cho các cháu mầm non tới trường học tập, vui chơi.
Hay như Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS Bắc Ái 2, xã Kim Đồng nằm ở khu vực khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, trước đây, các lớp học chủ yếu được dựng từ ván gỗ, phên tre, nứa không đảm bảo môi trường học tập, việc duy trì, đảm bảo sĩ số cũng trở nên khó khăn. Trước thực trạng đó, nhà trường đã tích cực tuyên truyền, tìm các nguồn hỗ trợ từ công tác xã hội hóa giáo dục. Đến năm 2018, nhà trường được Câu lạc bộ thiện nguyện An Phúc ở Hà Nội hỗ trợ xây dựng 5 phòng học, nhà vệ sinh, nhà tắm cho học sinh với tổng giá trị hơn 300 triệu đồng. Điều kiện học tập tốt hơn, học sinh cũng chăm chỉ đến trường học tập, nhờ đó, trong 2 năm học vừa qua, tỷ lệ huy động học sinh cấp tiểu học, THCS ra lớp luôn đạt 100%; cùng đó, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp luôn đạt 100%.
Bà Nông Thúy Hiền cho biết thêm: Cùng với nguồn vốn đầu tư cải thiện cơ sở vật chất trường học của Nhà nước, sự ủng hộ của một số tổ chức, cá nhân cùng những đóng góp về vật chất, ngày công lao động và cả sự tự nguyện đưa con em tới lớp của người dân đã và đang giúp cho công tác dạy và học ở vùng cao Tràng Định có nhiều khởi sắc. Trong năm học 2018 – 2019, đối với cấp mầm non, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi mẫu giáo ra lớp được nâng lên (đạt 99,6%), riêng trẻ 5 tuổi ra lớp và trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; cấp tiểu học, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt 98,4% với 99,9% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học… Mặt khác, xã hội hoá giáo dục góp phần thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và phổ cập giáo dục THCS mực độ 2.