Hội nghị trực tuyến về tăng cường phòng chống sinh vật hại cây trồng

Thứ tư - 08/04/2020 03:42
Sáng nay (7/4), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố phía Bắc (từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra) về tăng cường công tác phòng chống sinh vật gây hại cây trồng vụ đông xuân 2020.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
Đồng chí Nguyễn Xuân Cường, ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, hiện nay, các tỉnh, thành phố phía Bắc có trên 1,1 triệu héc ta lúa đông-xuân đang sinh trưởng và phát triển tốt.

Về tình hình sinh vật gây hại chủ yếu trên lúa, các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía Bắc có bệnh đạo ôn lá, diện tích nhiễm gần 10 nghìn héc ta; rầy nâu, rầy lưng trắng, diện tích nhiễm rầy lúa 1 là gần 1,2 nghìn héc ta; sâu cuốn lá nhỏ, diện tích nhiễm là 5,66 nghìn héc ta. Đối với các tỉnh Bắc Trung bộ, bệnh đạo ôn lá diện tích nhiễm trên 3,6 nghìn héc ta ….

Một số sinh vật gây hại chủ yếu trên cây trồng khác: sâu keo mùa thu hại ngô, diện tích nhiễm gần 800 héc ta; bệnh khảm lá sắn; châu chấu tre lưng vàng.

Trước tình hình sâu bệnh gây hại, Bộ NN&PTNT, các cơ quan thuộc bộ; UBND các tỉnh, thành phố ra các văn bản chỉ đạo phòng chống.

Tại Lạng Sơn, tình hình sản xuất nông-lâm nghiệp quý 1/2020 trên địa bàn cơ bản ổn định. Trong đó, lúa xuân cấy được gần 15 nghìn héc ta, đạt 95% kế hoạch; ngô trồng 15,2 nghìn héc ta, đạt 100% kế hoạch.

Thời gian qua, trên cây trồng phát sinh một số đối tượng dịch gây hại nhẹ-trung bình như: ốc bươu vàng hại lúa, sâu xám, sâu keo mùa thu hại ngô; bệnh mốc sương gây hại trên cà chua, khoai tây;… và được cơ quan chuyên môn phát hiện kịp thời, khuyến cáo người dân phun phòng trừ hiệu quả, không để lây lan thành dịch.

Dự báo thời gian tới, có ốc bươu vàng, rầy các loại, sâu cuốn lá gây hại; sâu keo mùa thu, sâu gai gây hại trên cây ngô có xu hướng tăng;… cơ quan chuyên môn chủ động ra văn bản hướng dẫn các biện pháp phòng trừ.

Tại hội nghị, các đại biểu nhất trí với đánh giá về tình hình sâu bệnh gây hại trong thời gian qua, dự báo dịch bệnh hại cây trồng, các biện pháp phòng trừ trong thời gian tới của Bộ NN&PTNT. Đồng thời thảo luận các nội dung nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống sinh vật hại cây trồng vụ đông-xuân như: quản lý chặt vật tư nông nghiệp để sử dụng hiệu quả; đẩy mạnh truyền thông, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trừ…

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị: UBND các tỉnh, thành phố phía Bắc và các cơ quan chủ động chỉ đạo thực hiện quyết liệt chỉ thị của bộ về việc tăng cường công tác phòng chống sinh vật gây hại lúa đông – xuân. Các cơ quan, đơn vị chuyên môn cử cán bộ kỹ thuật theo dõi, bám sát đồng ruộng, điều tra, phát hiện sớm sinh vật gây hại để kịp thời chỉ đạo phòng chống hiệu quả; duy trì hệ thống thông tin, báo cáo từ địa phương lên trung ương theo quy định để phối hợp, chỉ đạo kịp thời.

Ngoài ra, hệ thống thanh tra chuyên ngành thanh kiểm tra việc buôn bán vật tư nông nghiệp, không để tình trạng lợi dụng chống dịch để tăng giá hoặc bán hàng không đảm bảo chất lượng. Các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan tập trung theo dõi các loại sinh vật gây hại chủ yếu trên các cây trồng khác như: sâu keo mùa thu hại ngô, bệnh khảm lá sắn, châu chấu tre lưng vàng, châu chấu sa mạc…, xử lý ngay khi mới xuất hiện, không để phát triển thành dịch.

Nguồn tin: baolangson.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây