Chính phủ họp trực tuyến bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn ứng phó với dịch Covid-19

Chủ nhật - 12/04/2020 23:22
Sáng nay (10/4), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương về tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn tham gia hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Lạng Sơn
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn tham gia hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Lạng Sơn
Tham dự tại điểm cầu Lạng Sơn có các đồng chí: Lâm Thị Phương Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch Phụ trách UBND tỉnh.

Sau bài phát biểu khai mạc hội nghị của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo  tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội quý I, những tác động của dịch Covid-19 tới nền kinh tế Việt Nam thời gian qua và những giải pháp ứng phó trong thời gian tới.

Theo báo cáo, dịch Covid-19 đã và đang tác động toàn diện đến tất cả các ngành, lĩnh vực, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2020 chỉ tăng 3,82% – thấp nhất trong gần 10 năm qua và bằng một nửa so với kế hoạch đề ra. Các ngành, lĩnh vực chịu tác động nặng nề gồm: da dày, dịch vụ, du lịch, vận tải, may mặc… Cả nước ước khoảng gần 20% doanh nghiệp ngừng hoặc thu hẹp quy mô hoạt động, hàng triệu lao động bị ảnh hưởng nặng nề, các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp là người lao động giản đơn như người bán hàng rong, xe ôm, các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo khu vực đô thị… Lĩnh vực đầu tư xây dựng và giải ngân các nguồn vốn đầu tư chậm, kết quả đạt thấp, đầu tư khu vực tư nhân trong quý I giảm sút mạnh so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, trước tác động của dịch Covid-19, xu hướng tiêu dùng, kinh doanh trong xã hội đã có những thay đổi mạnh mẽ. Đó là người dân và doanh nghiệp dựa nhiều hơn vào nền kinh tế số để tiêu dùng và duy trì hoạt động.

Về giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan đã tham mưu, đề xuất với Chính phủ các nhóm giải pháp về chính sách tài khóa, tiền tệ, biện pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công, huy động nguồn lực bảo đảm an sinh xã hội.

Cụ thể, theo đề xuất của Bộ Tài chính, bộ này sẽ tham mưu trình Chính phủ thực hiện gia hạn, miễn, giảm các loại thuế, phí và lệ phí, tiền thuế đất cho doanh nghiệp; phối hợp với các bộ ngành liên quan để điều chỉnh giảm giá một số hàng hóa, dịch vụ đầu vào quan trọng như: điện, than, xăng dầu. Về chi đầu tư công, giữ nguyên dự toán chi đầu tư phát triển, trong năm 2020 phải giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công khoảng 700 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, bộ sẽ cân đối nguồn lực để bảo đảm chi ngân sách nhà nước và ưu tiên khoảng 60 nghìn tỷ đồng để bảo đảm công tác an sinh xã hội. Bên cạnh đó, đề nghị các bộ, ngành, địa phương giảm ít nhất 30% kinh phí hội nghị công tác phí trong nước…

Các địa phương cũng đề xuất nhiều giải pháp như: áp dụng chính sách đặc thù trong giải phóng mặt bằng để giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, góp phần đẩy nhanh tiến độ; Chính phủ sớm phê duyệt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ sản xuất cá thể… để thống nhất thực hiện, thúc đẩy phát triển sản xuất; cho phép các địa phương tiếp tục thực hiện theo phương thức đặt hàng cung ứng dịch vụ công ích trong thời gian đầu triển khai do một số điều kiện đặc thù, bất khả kháng mà hiện nay chưa thể tổ chức đấu thầu thực hiện theo Nghị định 32/2010/NĐ-CP quy định về giao nhiệm vụ đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên…

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Nhiệm vụ chống dịch bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân vẫn là ưu tiên hàng đầu của tất cả các cấp ngành từ trung ương đến địa phương, nhưng đồng thời cũng phải hỗ trợ thúc đẩy sản xuất.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục giải quyết triệt để những điểm nghẽn trong sản xuất kinh doanh, đầu tư công, giải ngân nguồn vốn trong giai đoạn hiện nay, các biện pháp đề ra phải mạnh mẽ; công tác chỉ đạo, điều hành phải sáng tạo hơn tại tất cả các bộ, ngành và địa phương.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình thực hiện, chống nguy cơ đầu cơ, nâng giá; tìm kiếm thị trường mới, biến nguy thành cơ.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế, tổng hợp các khó khăn của doanh nghiệp, đề xuất Chính phủ các giải pháp tháo gỡ. Sau hội nghị này, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết chuyên đề về các nhiệm vụ giải pháp cấp bách trên các lĩnh vực: tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; bảo đảm an sinh xã hội; an ninh trật tự, an toàn xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Nguồn tin: baolangson.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây