Một trong 20 điều khó mà đức Phật đã dạy đó là: “Bỏ thân mạng vì lẽ phải là khó”. Trong Kinh Pháp cú cũng có câu: “Cứu một người lúc nguy nan, còn hơn bố thí tất cả”.
Ngày 02/08/2013, ca nô mang số hiệu H29 chở 30 người trong chuyến hành trình từ huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) đến Vũng Tàu. Trên chuyến hải trình, ca nô bất ngờ gặp sóng lớn và bị đánh lật úp khi cách bờ biển Cần Giờ khoảng 4 km.
Khi lâm vào tình cảnh hoảng loạn, thông thường ai cũng chỉ nghĩ đến mạng sống của mình đang cận kề giờ khắc sinh - tử, vì vậy với những nạn nhân trong vụ chìm ca nô cũng không ngoại lệ.
Trong lúc vật lộn với con sóng, vật lộn với tử thần, khi mà sự sống chỉ phụ thuộc vào phương tiện cứu vớt chính là chiếc áo phao! Chiếc áo phao như chính sinh mạng của mình trong lúc này thì anh Trần Hữu Hiệp đã nhường lại chiếc áo phao của mình cho người phụ nữ bên cạnh. Một nghĩa cử cao đẹp, một bài học về lòng nhân ái cao thượng, đức hy sinh cao cả không gì so sánh được của con người với con người.
Do đuối sức cùng với sóng to, gió lớn để rồi anh Trần Hữu Hiệp đã ra đi mãi mãi…
Mạng sống của con người là vô cùng quý giá, vì thế mà xã hội đã ban hành cả bộ Luật trừng trị những kẻ đánh mắng, gây thương tích hoặc giết người, với những hình phạt thích ứng từng kiểu phạm tội.
Với xã hội là vậy, còn trong giáo lý nhà Phật dạy về hạnh Bố thí. Hạnh bố thí là nền tảng của các nghiệp lành, nghiệp thiện, giúp con người sống trong chính đạo, dẹp bỏ được tam độc: tham lam, sân hận, si.
Trong đạo Phật có rất nhiều kiểu bố thí. Từ công đức góp tiền của để sửa chữa chùa xây dựng mới đến công đức in kinh sách, đúc chuông, tô tượng đến cúng dường hương hoa, trà quả, nhang đèn chư Phật. Tựu chung thì Bố thí có 3 loại:
1. Tài thí: Đem tiền của mà bố thí, giúp đỡ đồng loại, giúp cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình thoát khỏi khổ đau vật chất như đói ăn, thiếu mặc, không nơi nương tựa, và thận chí cả thân mạng của mình. Khi thực hành ta nên chú ý các yếu tố như đúng người, đúng thời và đúng lượng.
2. Pháp thí: Đem giáo pháp quý báu của Phật ra giảng dạy cho mọi người tùy theo sự hiểu biết của mình, để đem lại lợi lạc cho người. Phát tâm in kinh ấn tống, sang chép băng giảng cho mọi người cũng được xem là bố thí pháp.
3. Vô úy thí: Đem cái không sợ mà bố thí cho chúng sinh, giúp cho những người quanh ta có được sự bình tĩnh, an ổn về tinh thần, không hoang mang lo lắng, sợ hãi bởi sự tác động của tự thân hay do từ bên ngoài đem đến.
Trong Kinh Bách Dụ có ghi: “muốn làm việc Bố thí, thì đừng đợi khi có đủ tiền bạc, hoặc đủ điều kiện mới làm. Bởi lẽ, chúng ta chưa kịp tích góp tiền bạc thì đã bị bọn tham quan chiếm đoạt, hoặc là “bà hoả”, thiên tai và trộm cắp cướp đi mất, thậm chí là chưa kịp làm việc Bố thí thì chúng ta đã phải chào vĩnh biệt cuộc đời này rồi”.
Với mỗi cách bố thí, chúng ta nên vận dụng một cách linh hoạt để đạt được hiệu quả tốt nhất cho mình và cho người. Ví như một người đang đói khổ, đang cần cơm gạo thì ta nên bố thí tiền bạc, cơm gạo mà không nên giảng những giáo Pháp.
Do vậy, hành động trên của anh Trần Hữu Hiệp khó có thể diễn tả hết về nghĩa cử cao đẹp của anh, anh đã trao sự sống cho người khác! Một sự bố thí thân mạng thật cao đẹp!