Thật xúc động khi chứng kiến anh chủ quán cơm ở thị trấn Hậu Nghĩa - nơi xảy ra sự việc, còn mời cụ ăn một suất cơm miễn phí, dúi thêm cho cụ một ít tiền và đưa cụ ra tận trạm xe buýt để đón xe cho cụ về Củ Chi, vì cụ nói hiện ở Củ Chi.
Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” - cái tuổi mà lẽ ra cụ đã được nghỉ ngơi nhưng cụ vẫn rong ruổi đi bộ cả gần 20km để bán vé số, kiếm tiền trang trải cho cuộc sống. Vậy mà bọn cướp nỡ cướp đi của vốn liếng, công sức, mồ hôi và nước mắt vốn đã cạn kiệt của một người già. “Đồ mất nhân tính, chúng không còn là người nữa”, “Bọn này mà bắt được nó thì cứ đưa ra tùng xẻo luôn”..., những lời như vậy của người dân chính là thước “đo” độ sâu của sự tức giận, của lòng căm phẫn đối với hành động mất nhân tính, vô đạo đức của bọn cướp.
Mới đây, công an TP.HCM cũng vừa triệt phá một băng cướp chuyên cướp vé số của người già, người tàn tật. Trước đó, một vụ việc tương tự cũng diễn ra ở TP.HCM. Một cụ già hơn 70 tuổi, bị cụt tay đứng khóc thảm thiết cạnh gốc cây khi bọn cướp nỡ cướp đi của cụ khoảng 150 tờ vé số.
Tấm lòng hảo tâm, tương thân, tương ái của người dân có thể phần nào làm ấm lòng của cụ. Và sự việc trên đã làm “dậy sóng” dư luận - khi đông đảo người dân, đặc biệt là cư dân mạng lên án, tỏ lòng thương cảm đối với nạn nhân cũng như tỏ lòng căm phẫn đối với bọn cướp. Tuy nhiên, cũng có một số người thì vẫn “đề cao cảnh giác”, họ “đòi” xem đằng sau sự việc đó có phải do bọn chăn dắt trẻ em, người già, đi bán vé số, ăn xin “đạo diễn” hay không?
Những luồng ý kiến này tuy không nhiều và có vẻ lạc lõng so với luồng dư luận nổi trội kia nhưng không phải là họ không có lý. Hiện tượng chăn dắt trẻ em, người già đi ăn xin, đi bán vé số đã và đang tồn tại đâu đó ở một số địa phương trên cả nước. Và những màn kịch do bọn chăn dắt “đạo diễn” thường đem lại cho chúng một nguồn thu rất lớn.
2. Dù có bận công việc gì đi chăng nữa, tôi cũng ít khi từ bỏ thói quen đọc báo, xem chương trình thời sự trên VTV hàng ngày bởi các thông tin của nó rất bổ ích. Và thỉnh thoảng, lại xuất hiện các thông tin làm tôi nhói lòng, chẳng hạn như việc một số cán bộ ở xã Thanh Chi (Thanh Chương, Nghệ An) đã “phù phép” cho một số người chết được sống lại, người còn sống thì được khai tử, người ít tuổi thì được tăng tuổi để được hưởng trợ cấp, số tiền hỗ trợ của người tàn tật thì bị “xén” bớt..., trong đó có cả những người có công với cách mạng; hãm hiếp, đánh đập cả người già; cha đốt con, con đâm chết cả chính người đẻ ra mình; thậm chí có người chồng còn ném vợ xuống sông với lý do “giúp vợ” vì vợ bị tai biến không làm được việc gì...
Sự kiện “Nhân bản” kết quả xét nghiệm ở Bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội) chưa nguôi thì việc các vị lãnh đạo một số doanh nghiệp công ích ở TP.HCM nhận lương khủng đến hàng tỷ đồng/năm gần đây đã làm cho dư luận phẫn nộ. Diễn biến của sự việc có thể khác nhau nhưng bản chất, nó giống nhau ở chỗ, vì đồng tiền mà một số người sẵn sàng làm tất cả: nhân bản kết quả xét nghiệm, “lách” luật trong việc ký hợp đồng lao động, cắt xén công quỹ... để mình được hưởng lương cao.
Và mới đây, vụ thẩm mỹ viện Cát Tường; vụ làm giả hài cốt liệt sĩ của “cậu Thủy”; vụ hôi bia ở Biên Hòa đã cho thấy sự xuống cấp về đạo đức một cách nghiêm trọng ở một số bộ phận.
Tất cả các hành vi vi phạm pháp luật, những hành động “lệch chuẩn” đều bao hàm cả sự xuống cấp về mặt đạo đức. Thật khó để cho các nhà khoa học “định lượng” được mức độ của sự xuống cấp về mặt đạo đức nhưng những hành động, hành vi vô đạo đức lại được biểu hiện trên nhiều phương diện của đời sống xã hội với mật độ tương đối nhiều.
Việc bọn cướp “ra tay” cướp của của những người không có khả năng kháng cự hoặc năng lực kháng cự hết sức yếu ớt, mong manh hay việc các đối tượng chăn dắt người già, trẻ em đi bán vé số, ăn xin... để mang tiền về cho chúng hay việc chúng đứng ra “đạo diễn” thành các tình huống đại loại như “người già, người tàn tật bị giật mất vé số” để nhận được chia sẻ, giúp đỡ từ mọi người là những hành động mất nhân tính. Càng không thể chấp nhận được khi một số cán bộ đã bị đồng tiền làm mờ mắt, coi thường tính mạng, sức lao động cũng như tiền của của nhân dân.
Các nghiên cứu xã hội học cho thấy, hiện tượng xuống cấp về mặt đạo đức thường gắn với các hành vi, hành động lệch lạc nói chung và hiện tượng tội phạm nói riêng. Những hành động, hành vi kể trên là một sự xuống cấp trầm trọng về mặt đạo đức. Khi hệ thống pháp luật nước nhà đang ngày càng một hoàn thiện hơn để điều hành, quản lý xã hội một cách hiệu quả thì việc “đánh thức cái thiện, đẩy lùi cái xấu”1 mang một ý nghĩa hết sức lớn lao, có tác dụng ngăn chặn những biểu hiện của sự xuống cấp về đạo đức trên bình diện toàn xã hội.
Nguồn tin: Giác Ngộ
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự