Mọi người đều có lòng từ bi, tuy có khác biệt về mức độ. Sự từ khước giết chóc, phản đối sự giết chóc, điều mà nhà Phật rất coi trọng, có thể được khơi dậy, đến mức bùng phát như đã thấy bằng nhiều phương thức, mà ở đây là từ các bức ảnh nhẫn tâm giết chóc thú vật một cách dã man.
Câu chuyện cộng đồng mạng phản ứng mạnh mẽ trước sự việc một số thanh niên hành hạ, giết chóc thú rừng đang dần dần trôi qua. Thủ phạm đã được truy tìm và có lẽ không tránh khỏi sự trừng phạt. Chúng tôi xin nhắc lại câu chuyện từ một góc nhìn khác. Đó là tác động khơi gợi lòng từ bi của mọi người từ những bức ảnh giết chóc dã man như thế.
Mọi người đều có lòng từ bi, tuy có khác biệt về mức độ. Sự từ khước giết chóc, phản đối sự giết chóc, điều mà nhà Phật rất coi trọng, có thể được khơi dậy, đến mức bùng phát như đã thấy bằng nhiều phương thức, mà ở đây là từ các bức ảnh nhẫn tâm giết chóc thú vật một cách dã man.
Việc đã diễn ra khơi gợi nơi chúng tôi câu hỏi, thế thì tại sao chúng ta không dùng những hình ảnh tương tự như vậy để tiếp tục khơi gợi lòng từ bi của con người. Đây là cách thức mà nhiều tổ chức bảo vệ động vật thế giới đã sử dụng để làm cho con người tránh xa những hành động giết chóc, xâm hại đời sống sinh vật.
Chúng tôi đã từng xem những bộ phim phản ánh việc thú vật bị hành hạ tàn bạo, đánh đập đau đớn, nhiều khi bị giết do hoàn cản sống khắc nghiệt trong các đoàn xiếc để kêu gọi việc đối xử nhân từ hơn với thú bị giam giữ để làm xiếc. Các nhà vận động ăn chay cũng làm nhiều phim để phản ánh cuộc sống địa ngục của súc vật trong trại chăn nuôi, phản ánh cảnh tượng dã man rùng rợn trong các lò sát sinh…
Mọi hình thức giết chóc đều dã man, cho dù giết vọoc như những thanh niên phổ biến ảnh chụp trên Facebook, hay cảnh một em bé ngắt đầu dế, cắt đuôi thằn lằn để chơi… làm mọi người ghê sợ với sát sinh đều có tác động ngăn cản việc sát sinh.
Bạn đọc có thể tìm cách phổ biến trên mạng hình ảnh về những hành động hiện vẫn còn phổ biến, như thảm cảnh đâm chó mèo, cắt cổ gà vịt, đập đầu cá… để làm mọi người ghê sợ sự giết chóc, sách tấn việc ăn chay. Khi ghê sợ những hành động giết chóc, người ta sẽ trở lại với tính thiện, có thể chuyển sang ăn chay từng bước.
Ở đây, nói dùng hình ảnh tĩnh hay video để gây tác động đối với lòng từ bi của mọi người vì chúng ta không thể tác động bằng việc tiếp xúc thực tế với cảnh giết chóc sinh vật. Giả sử như thay vì chỉ xem qua ảnh, mọi người lại nhìn thấy trực tiếp nhóm thanh niên kia giết vọoc, thì sự sợ hãi, ghê tởm, phẫn nộ sẽ tăng lên đến dường nào. Tác động khơi gợi đối với lòng từ bi cũng theo đó mà tăng theo. Chúng tôi được biết có người trước ăn thịt chó, nhưng sau khi tận mắt chứng kiến sự việc giam chó, đâm chó, xẻ thịt chó ở một lò sát sinh, trong một chuyến cùng bạn đi tìm chó nhà bị mất, thì thôi, tuyệt đối không còn ăn thịt chó nữa, mà còn vận động bạn bè cùng thường ăn thịt chó với nhau trước đây cũng thôi không ăn thịt chó nữa.
Có lần chúng tôi đề xuất các hãng sản xuất đồ chay quảng cáo sản phẩm bằng cách thay vì chỉ đưa hình ảnh sản phẩm, thì vận động rộng hơn ra việc ăn chay, bằng cách trình chiếu những hình ảnh cho thấy tính chất tàn ác, nhẫn tâm của việc sát sinh. Đề xuất đó cũng tương tự với điều chúng ta đang bàn luận ở đây, đều hướng tới mục tiêu chuyển tâm của mọi người, gián tiếp chia sẻ với nỗi đau thương của chúng sinh hàng ngày bị xẻ thịt, lột da làm thức ăn cho loài người.
Dù có thể là không làm được người ta có thể thay đổi lớn trong hành vi đi nữa, thì chỉ với việc có thể khơi gợi lòng từ bi, tạo được tâm lý ghê sợ đối với việc giết chóc, thì đã thành tựu thiện pháp. Chúng ta còn nhớ cũng đã có nhiều ý kiến phản đối một lễ hội giết heo, khi những hình ảnh đâm heo trong lễ hội được lưu truyền trên mạng. Cho dù chưa thể đi đến mức ngăn cản việc tổ chức lễ hội, việc loan truyền những hình ảnh như thế cũng là đã thành công bước đầu trong mục tiêu khơi gợi lòng từ bi. Nếu có nhiều tác động như thế cộng lại, qua thời gian, tất yếu lượng tích tụ sẽ chuyển thành chất.
Quan niệm từ bi, không sát sinh, không được khuyến khích sát sinh, phản đối sát sinh là một quan niệm ưu việt của đạo Phật so với các tôn giáo khác. Thực tế cho thấy lòng từ bi ở con người, nếu có sự khơi gợi thích hợp, cần thiết, thì cũng mở rộng đến loài vật, không chỉ bó hẹp trong giới hạn loài người. Vì vậy, người Phật tử chúng ta hãy tìm mọi cách để khơi gợi lòng từ bi, không chỉ dừng lại ở việc thuyết giáo suông, thì kết quả có thể tốt hơn nhiều.
Khơi gợi lòng từ bi là phóng sinh gián tiếp. Chắc chắn sau việc phản đối rồi đến xử lý việc giết vọoc, khoe ảnh, người ta sẽ vì sợ bị phạt, bị phản ứng mà chùn tay, thôi không còn làm như thế nữa. Không thể mong chờ ở việc thôi hết giết thú rừng, nhưng ít ra người ta không dám, không thể làm công nhiên như nhóm thanh niên kia đã làm.
Đặt vấn đề như vừa trình bày ở trên chính là nhận thức được khả năng và hiệu quả của truyền thông trong việc quảng bá giá trị từ bi của Phật giáo.