Khi đàn bò lội sông
Ðầu đàn đi đúng hướng
Cả đàn đều đúng hướng
Vì hướng dẫn đúng đường.(1)
Xuất thân từ giai tầng lãnh đạo và trải qua nhiều năm giáo hóa đủ mọi tầng lớp, đã lưu lại những quan tâm của Đức Phật, thể hiện trong sự minh giải về mối quan hệ giữa các bậc vương quyền và tầng lớp thứ dân, trong xã hội Ấn Độ cổ đại. Hơn thế, trong những đệ tử tại gia của Đức Phật, có những vị vua đang tại vị và đã tham vấn Ngài những vấn đề liên quan đến việc quản lý, điều hành đất nước. Thậm chí trong một vài trường hợp đặc biệt, các vị đệ tử này đã cầu thỉnh ý kiến của Đức Phật về những vấn đề chính sự nóng bỏng như dự định phát động chiến tranh(2). Trong những quan điểm của Đức Phật liên quan đến việc trị an quốc gia, hướng về việc xây dựng một xã hội lý tưởng, thì vấn đề mối quan hệ giữa nhà nước và công dân là một trong những vấn đề quan trọng. Nhà nước được hiểu ở đây chỉ cho giới chức lãnh đạo đất nước nói chung, và công dân là những con người đang sống trong một xã hội cụ thể nào đó.
Mô hình về một xã hội lý tưởng theo quan điểm Phật giáo được phát hiện thấp thoáng trong kinh Chuyển luân thánh vương sư tử hống(3), kinh Khởi thế nhân bổn(4),… Trong những nỗ lực hướng về một xã hội lý tưởng, thì việc giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa nhà nước là công dân là một trong những vấn đề căn bản, bất luận ở thời đại nào.
Vai trò và trách nhiệm của công dân
Một công dân lý tưởng cần phải tuân hành theo những phận sự cơ bản được Đức Phật chỉ bày rải rác trong nhiều kinh điển.
1- Hoàn thiện đạo đức cá nhân, sống theo pháp luật
Thứ nhất, là công dân, phải có một đời sống đạo đức căn bản. Theo quan điểm của Đức Phật, về phương diện đạo đức cá nhân, một công dân lý tưởng cần phải tuân hành năm chuẩn mực đạo đức căn bản (Panca Sila), mà thuật ngữ Phật học gọi là năm giới(5). Đây là những chuẩn mực đạo đức lý tưởng của một con người nói chung và một công dân nói riêng.
Kế đến, một công dân lý tưởng phải sống trong khuôn khổ của quy định pháp luật. Cơ sở của luận điểm này xuất phát từ câu chuyện làm sai khế ước của xã hội (Social contract)(6) thì bị trừng phạt, được dẫn xuất từ kinh Khởi thể nhân bổn(7). Theo kinh văn, kể từ khi con người phân chia đất đai, tài sản (đắp đê phân ruộng và chia lúa) và đạt được thỏa thuận với nhau (khế ước) về việc tự do thụ hưởng những phẩm vật do mình làm ra, thì xuất hiện những kẻ trộm cắp. Những kẻ đó mặc dù đã có một phần sở hữu hoa lợi do mọi người đã phân chia trước đó, nhưng vẫn khởi tâm tham lam, trộm cắp tài vật người khác. Đó là điều đi ngược với sự thỏa thuận mà mọi người đã đạt được với nhau. Trong trường hợp đó, nếu bị bắt, kẻ trộm kia phải chấp nhận những hình phạt xứng đáng.
Quan điểm sống và tuân hành theo pháp luật còn được thể hiện khi Đức Phật tán thán dân Vajji, do họ không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống của dân Vajjì như đã ban hành thuở xưa(8).
Là công dân, phải sống đúng theo pháp (Dhamma), theo khế ước xã hội (Social contract), theo hiến pháp và pháp luật mà quốc gia đã ban hành.
2- Sống có trách nhiệm với quốc gia
Ngoài những trách nhiệm cần có trong những mối quan hệ cơ bản của con người như quan hệ cha con, chồng vợ, thầy trò…, công dân cần phải có trách nhiệm với nhà nước trên nhiều phương diện. Trước hết, cần phải đóng góp sức lực và tài vật cho đất nước thể hiện trong việc đóng thuế cho quốc gia. Trong năm loại hiến cúng được ghi nhận trong kinh Tăng chi, thì hiến cúng cho vua(9) một phần tài sản mình thâu góp được, là một trong những phận sự căn bản của công dân khi sống trong xã hội.
Kế đến, quốc gia là nơi mình sinh ra và lớn lên. Thể hiện tình yêu thương quốc gia là một trong những cách thể hiện lòng tri ân của một người công dân gương mẫu(10). Ngay như bản thân Đức Phật, hơn một lần đứng ra ngăn cản vua Tỳ Lưu Ly tận diệt dòng họ Thích Ca(11). Câu chuyện này có thể hiểu ở nhiều nghĩa và một trong những nghĩa cơ bản, là bậc xuất thế không hẳn rời bỏ trách nhiệm với người thân và đất nước của mình. Quan điểm vì nhà vua, vì đất nước mà dấn thân hành động còn được đề cập trong kinh Dhananjani(12). Theo kinh, trong cuộc hội đàm giữa công dân Dhananjani và ngài Sariputta về chủ đề liên quan đến những trách vụ của công dân đối với vua chúa, hệ luận: người vì vua chúa làm các điều đúng pháp, làm các điều chơn chánh, người ấy tốt đẹp hơn(13) đã được ngài Sariputta ghi nhận và tán thán từ cuộc hội thoại này.
Không những thế, trong một số trường hợp bị nhà vua điều động phục vụ, công dân cũng phải chấp nhận thi hành, dù có hoan hỷ hay không. Đó cũng là tâm sự thổn thức của những người thợ mộc (thapataye) khi bị điều động phục vụ cho các chuyến du ngoạn của nhà vua Pasenadi(14). Vì trách nhiệm với Tổ quốc, với giang sơn đôi khi phải chấp nhận hiểm nguy như lời tự thán của chàng bảo tiêu anh hùng được ghi lại trong kinh Tiểu bộ: Tôi liều thân nếu tới lúc cần/ Hành vi dũng liệt muốn toàn/ Làm anh hùng, phải coi thường đời ta(15).
Trong Cullavagga đã ghi lại trường hợp thể hiện sự phân công trong trách nhiệm với dòng họ, với đất nước của các hoàng thân khi cùng nhau phát nguyện xuất gia. Đó là trường hợp của hai anh em Mahanama và Anuruddha khi cả hai đều muốn xuất gia, nhưng người anh Mahanama đã phát nguyện ở lại gánh vác những trách vụ của quốc gia, của việc nhà(16). Ngay trong những thiết định giới luật, Phật không cho phép người đang đi lính xuất gia(17)…, cho thấy quan điểm về trách nhiệm của công dân đối với quốc gia, dân tộc đã được Đức Phật minh định rất rõ ràng.
3- Hỗ trợ nhà nước và phản biện xã hội khi cần
Mặc dù nhà nước có trách nhiệm phải giải quyết những vấn đề do xã hội đặt ra như nghèo đói, bệnh tật, an sinh xã hội… thì tuy nhiên, không phải khi nào nhà nước cũng có những giải pháp kịp thời và quyết sách hợp lý. Do đó, mỗi công dân có thể cùng chung tay hỗ trợ cho xã hội bằng khả năng có thể. Những công trình phúc lợi cho tha nhân, những công việc cứu tế, chẩn bần, ra tay hỗ trợ người khốn khó trong những khu vực bị thiên tai, thảm họa… cũng là một trong những trách vụ cơ bản của mỗi công dân khi sống trong xã hội. Đó cũng là điều được Đức Phật tán thán: Ai trồng vườn, trồng rừng/Ai dựng xây cầu cống/ Ðào giếng, cho nước uống/ Những ai cho nhà cửa/ Những vị ấy ngày đêm/ Công đức luôn tăng trưởng(18).
Với các đại thí chủ như Anathapindika(19), Upali(20), và tướng quân Siha(21)…, ngay sau khi quy y Tam bảo và trở thành các cận sự nam hộ pháp tích cực, Đức Phật vẫn khuyến khích họ tiếp tục thực hiện các thiện hạnh đã làm trước kia. Thậm chí Đức Phật vẫn không ngăn cấm các vị thí chủ này trong việc hỗ trợ cho các tôn giáo khác, cụ thể như việc hỗ trợ vật thực cho các đạo sĩ của giáo phái Nigantha. Điều đó cho thấy tình thương chất ngất của Đức Phật đối với mọi giai tầng nói chung, và quan điểm khuyến khích công dân góp phần vào việc hỗ trợ xã hội nói riêng.
Trong liên hệ với nhà nước, mỗi công dân còn có chức năng phản biện xã hội, tỏ thái độ đồng tình hay phản kháng trước những quyết sách hợp lý hay không hợp lý của nhà nước. Thái độ phản biện của công dân là điều kiện cần để hoàn thiện những quyết sách đúng đắn của nhà nước. Kinh Tiểu bộ đã ghi lại trường hợp, mặc dù góp ý trong vô tình, thế nhưng Trưởng lão Dhanuggahatissa đã giúp vua Pasenadi bắt sống Ajatasattu và ổn định tình hình đất nước(22).
Trong việc cũng cố và phát triển tổ chức Tăng đoàn, Cullavagga đã mô tả hàng loạt ví dụ về việc Đức Phật đã vận dụng hiệu ứng tích cực của dư luận xã hội, để kiện toàn những thiết định giới luật nhằm chấn chỉnh, làm trong sạch và nâng cao phẩm chất đời sống Tăng-già. Từ đó có thể thấy, tác dụng của dư luận xã hội, một dạng thức mang tính phản biện xã hội, đã được Đức Phật tiếp thu có chọn lọc. Xem ra, đóng góp những quan điểm của mình nhằm xây dựng và phát triển đất nước, là một trong những bổn phận cần có của công dân trong mối liên hệ với nhà nước, chính quyền.
Phẩm chất và bổn phận của nhà nước
Nhà nước thời Phật đã xuất hiện song hành cả hai thể chế quân chủ và cộng hòa. Tiêu biểu cho giới lãnh đạo nhà nước là nhà vua. Đức Phật đã khái quát về những phẩm chất cần có của các bậc vương quyền cũng như phương sách trị nước thể hiện qua mười tiêu chuẩn gọi là Thập vương pháp (Dasa-Ràja Dhamma).
1- Phẩm chất của lãnh đạo qua Thập vương pháp
Thập vương pháp có độ khả tín khá cao vì được kinh điển của cả hai truyền thống, Bắc truyền và Nam truyền, đồng thời ghi nhận. Mười tiêu chuẩn đó là: bố thí (dana), đức hạnh (sila), hy sinh (paricagga), công bằng (ajjava), khổ hạnh (tapa), không oán hận (akkodha), bất hại (avihimsa), kham nhẫn (khati), nhu hòa (maddava), thuận lòng dân (avirodha)(23). Trong mười phẩm chất vừa nêu, chúng ta thử khảo sát vài phẩm chất tiêu biểu.
a) Đức hạnh (Sila)
Đức hạnh là phẩm chất quan trọng của một bậc vương quyền. Với Đức Phật, bản chất của đức hạnh không phải do kế thừa từ dòng họ mà có mà do chính hành động của mỗi con người tự quyết định: Hành động làm ăn trộm/ Hành động làm nhà binh/ Hành động làm tế quan/ Hành động làm vua chúa(24).
Một bậc quân vương căn bản trước hết không nên vô cớ gây ra biến động can qua, phải biết vừa đủ với nữ sắc, không tà dâm, thu thuế vừa phải… Nói cách khác là hoàn thiện căn bản năm giới, mười điều thiện(25). Đức hạnh của một bậc quân vương không tự nhiên sinh ra mà xuất phát từ những việc làm cụ thể. Biết chế ngự dục vọng, không sống quá mức xa hoa, đôi khi phải chấp nhận hy sinh hạnh phúc cá nhân vì đời sống của số đông dân chúng… là những yếu tố quan trọng tạo nên phẩm hạnh cần có của một bậc minh quân.
Một khi vương quyền có đức hạnh, nhà nước có đạo đức thì điều kiện hạnh phúc của mọi công dân được khẳng định và bảo đảm. Kinh Tiểu bộ đã phóng tác hình ảnh, nếu một quốc vương có đức hạnh và cai trị đúng pháp, thì ngay cả trái cây cũng tăng thêm vị ngọt(26).
b) Công bằng (Ajjava)
Là sự ngay thẳng, chính trực của một người lãnh đạo. Đây là phẩm chất cần có của một bậc quân vương để thiết lập sự công bằng trong xã hội. Theo cách gọi của kinh Khởi thế nhân bổn, nguồn gốc vai trò của một bậc quân vương đó chính là làm cho các người khác hoan hỷ bởi Pháp”, tức là Ràja (vị vua)(27). Giới chức lãnh đạo nói chung là người giữ gìn lẽ công bằng.
Công bằng là một phẩm chất của đời sống, là giá trị nhân văn, là nguyên tắc quan trọng của đời sống xã hội. Xã hội cần phải có công bằng như sự sống cần phải có thức ăn. Phẩm chất của một xã hội cao hay thấp liên quan đến yếu tố công bằng. Do vì công bằng có vai trò quan trọng như vậy, nên trách vụ gìn giữ sự công bằng của nhà nước, của các vị quân vương có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Công bằng ở đây được thể hiện về nhiều mặt như công bằng trong nhân phẩm, công bằng trong hưởng thụ, công bằng về cơ hội phát triển, công bằng trong các chuẩn mực đạo đức và nguyên tắc pháp luật…
Kinh Tiểu bộ đã ghi lại câu chuyện về những ray rứt của vua Kosala sau khi xét xử một vụ án khó. Sau nhiều ngày trầm tư suy xét, vua đã đem lại công bằng trong phán quyết xét xử. Hầu Phật và lược thuật lại câu chuyện, Đức Phật đã tán thán vua Kosala: Thưa Ðại vương, xét xử một vụ kiện đúng pháp và công bằng là một việc thiện, đây là con đường đưa đến chư Thiên.(28)
c) Thuận lòng dân (Avirodha)
Lãnh đạo ở đây là lãnh đạo công dân. Cho nên việc làm của lãnh đạo phải dựa trên cơ sở ước muốn chung của toàn dân, không đi ngược lại lợi ích của dân chúng. Đây là một cách hiểu khác về việc vận dụng giá trị dân chủ trong quản lý và điều hành xã hội. Một xã hội dân chủ là một xã hội lý tưởng. Lý thuyết về dân chủ sơ khởi có thể tìm thấy từ tổ chức Tăng-già(29). Vì lẽ, việc ra các quyết định của Tăng-già đều dựa trên sự đồng thuận của số đông Tăng chúng.
Ở đây, trên phương diện quản lý và điều hành đất nước, một nhà lãnh đạo, một bậc minh quân khi ra quyết định phải dựa trên quyền và lợi ích của số đông công dân. Quan điểm lấy dân làm gốc có nguồn cội sâu xa từ luận điểm này. Không những thế, nhờ yếu tố thuận lòng dân nên nối kết được mọi sức mạnh, tạo nên sự liên kết giữa mọi người. Một đất nước mà toàn thể dân chúng biết tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc trong niệm đoàn kết(30) thì đất nước đó sẽ cường thịnh, dù bất cứ ở thời đại nào.
Thuận lòng dân còn có nghĩa là thuận lòng từ quan quân cho đến số đông dân chúng. Trong kinh Tăng nhất A-hàm, quốc vương và quần thần hòa thuận, là pháp thứ chín trong mười vương pháp(31). Thuận lòng dân còn có nghĩa đối với thần dân như cha mẹ đối với con(32); Thuận theo chị em, thương như mẹ/ Tùy tùng như bạn bè thân quen(33). Khi tạo nên một sự gắn kết, trên từ quan quân, dưới cho đến người thân và tùy tùng thì sẽ tạo nên một sức mạnh tổng hợp. Với sức mạnh đó không những bảo vệ được quốc gia mà còn xây dựng, phát triển đất nước.
d) Kham nhẫn (Khanti)
Trong khi điều hành đất nước, các quyết định của nhà vua cần phải được phát xuất với tâm định tĩnh, ôn hòa. Biết kham nhẫn và giỏi chịu đựng sẽ tạo nên năng lượng định tĩnh và từ hòa trong ngôn ngữ và trong tâm. Kham nhẫn là một pháp tạo nên nhiều kết quả, do đó được Đức Phật tán thán trong nhiều bộ kinh.
Theo lời Phật dạy trong kinh Trung bộ, muốn vững chãi khi đối diện mọi việc trong đời thì phải học hạnh nhẫn nhục theo tứ đại(34). Trước hết, phải học hạnh nhẫn nhục như đất, dù người ta phun nhổ đồ bất tịnh hay chôn giấu vàng bạc trong đất, đất cũng không vì thế mà buồn rầu hay rung động. Phải học hạnh nhẫn nhục như nước, người ta dùng nước để rửa đồ bất tịnh hay lấy nước để dâng lễ thánh thần, nước cũng không vì vậy và dao động, hoang mang. Phải học hạnh nhẫn nhục như lửa, người ta đưa vào lửa củi mục hay trầm hương thì lửa đều hoan hỷ thiêu cháy mà không hề kêu ca hay phàn nàn. Phải học hạnh nhẫn nhục như gió, người ta theo gió rải hoa thơm hay xới tung các vật bất tịnh, gió cũng không vì vậy mà thay đổi, lo rầu.
Giận thì mất khôn. Yêu cầu cơ bản của mọi mệnh lệnh từ quân vương đòi hỏi về sự chính xác, thì hành động thiếu kham nhẫn là dấu hiện báo trước của nhiều mối nguy hiểm đang chực chờ. Biết kham nhẫn sẽ tạo nên sức mạnh. Sức mạnh đó chính là chiến thắng và chuyển hóa những năng lượng xấu từ bản thân. Nhờ sự chiến thắng đó, quân vương hay các nhà lãnh đạo sẽ ít phạm phải những sai lầm, và có những quyết sách hợp lý.
Trên đây chỉ là bốn pháp cơ bản trong mười vương pháp. Mười vương pháp tạo nên những phẩm chất lãnh đạo lý tưởng của một bậc quân vương. Nhờ những phẩm chất đó, quân vương hoặc giới lãnh đạo nói chung sẽ góp phần xây dựng và hướng về một xã hội lý tưởng. Đó cũng là điều được Đức Phật xác quyết trong kinh Tăng chi: Khi đàn bò lội sông/ Ðầu đàn đi đúng hướng/ Cả đàn đều đúng hướng/ Vì hướng dẫn đúng đường/ Cũng vậy trong loài người/ Vị được xem tối thắng/ Nếu sở hành đúng pháp/ Còn nói gì người khác/ Cả nước được an vui/ Nếu vua sống đúng pháp(35).
2- Nhà nước bảo hộ các quyền cơ bản của công dân
Phật giáo là một trong những tổ chức khá sớm đề cập về các giá trị quan trọng liên quan đến lãnh vực chính trị xã hội cũng như các quyền cơ bản của con người. Đơn cử như vấn đề tự do. Trong Phật giáo, tự do được thể hiện ở mức cao nhất là giác ngộ. Giác ngộ là sự thể hiện mức độ tự do trọn vẹn của con người(36).Theo công trình nghiên cứu của Phramahachanya Khongchinda(37), và Kancha Ilaiah(38), thì tổ chức Tăng đoàn của Đức Phật, là hình mẫu căn bản trong việc xây dựng một số chuẩn mực lý tưởng của quốc gia như dân chủ, công bằng, trách nhiệm. Theo nghiên cứu của Kancha Ilaiah, thì ngay cả Mao Trạch Đông cũng đã khéo léo tiếp thu những giá trị tích cực từ cách thức tổ chức của Tăng-già(39).
Có thể có một vài khác biệt hoặc trong cách thức diễn đạt hoặc không đồng nhất về nội hàm của một vài khái niệm; mặc dù vậy, khảo sát từ cơ sở kinh, luật Phật giáo, đã phản ánh khá đầy đủ những quyền cơ bản của con người, cũng như trách vụ của quân vương, trong việc đảm bảo thực thi các quyền ấy.
a) Quyền tự do mưu sinh và quyền thừa kế
Là công dân trong nước, họ có thể làm bất cứ việc gì, hoặc nghề nông, hoặc đi buôn, hoặc nuôi bò, hoặc làm người bắn cung, hoặc làm việc cho vua, hoặc bất cứ nghề gì(40)thì được nhà nước bảo hộ và xã hội tán thán. Miễn làm sao, các nghề mưu sinh đó không phải là những nghề rắc rối(41), tức là không can dự vào những phương cách mưu sinh phi pháp. Được tự do mưu sinh, khi có được một số tài sản thì được quyền trao lại của thừa tự cho con(42). Và như vậy, trong thời Phật, quyền thừa kế đã xuất hiện và được nhà nước bảo hộ. Câu chuyện một lão phú ông chết đột ngột, do không có con nên toàn bộ tài sản được sung vào công quỹ của nhà vua, điều đó cho thấy đã xuất hiện các quy định chi tiết về quyền thừa kế trong thời Phật(43).
b) Quyền phụ nữ và trẻ em
Quyền của phụ nữ và trẻ em đã được phát hiện rất sớm trong kinh điển Phật giáo. Đó là những lưu ý quan trọng trong bảy pháp đặc thù mà Đức Phật đã dạy cho người dân Vajji. Theo Đức Phật, nếu như người dân Vajji không có bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ Vajjì phải sống với mình(44), thì dân Vajji sẽ cường thịnh. Sự ghi nhận đó đã chứng tỏ quyền của phụ nữ và trẻ em đã xuất hiện và được pháp luật bảo hộ. Trong kinh Saleyyaka còn nêu rõ, nếu như thực hiện quan hệ tính dục với hạng nữ nhân có mẹ che chở, có cha che chở, có mẹ cha che chở, có anh che chở, có chị che chở, có bà con che chở(45)… thì bị coi là tội phạm.
Không phải đợi đến ngày nay quyền phụ nữ và trẻ em mới được công nhận mà ngay từ thuở xưa, Đức Phật đã đề cập và tán thán về các quyền nhân bản này.
c) Quyền tự do tín ngưỡng và tự do ngôn luận
Trong lịch sử phát triển của các tôn giáo trên thế giới, chưa ở đâu như ở Ấn Độ, khi cùng tồn tại nhiều tôn giáo, sinh hoạt trong ôn hòa và được pháp luật bảo hộ. Trong bảy pháp bất thối của dân Vajji, nội dung liên quan đến sinh hoạt tôn giáo chiếm đến hai điều(46): 1. Dân Vajjì tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc trưởng lão Vajjì và nghe theo lời dạy của những vị này, thời dân Vajjì sẽ được cường thịnh; 2. Dân Vajjì tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các tự miếu của Vajjì ở tỉnh thành và ngoài tỉnh thành, không bỏ phế các cúng lễ đã cúng từ trước, đã làm từ trước đúng với quy pháp.
Có thể sự bảo hộ tôn giáo trong hai điều vừa nêu mang ý nghĩa là sự bảo hộ đạo đức, nhưng ít ra qua đó đã cho thấy ý thức của các bậc quân vương trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân đã manh nha từ rất sớm.
Không những thế, việc tranh luận giữa các trường phái triết học, tôn giáo, cũng như công dân được quyền tranh luận với giới công quyền luôn được đảm bảo và diễn ra sôi nổi. Ngay như bản thân đức vua Pasenadi cũng từng than thở với Đức Phật: Bạch Thế Tôn, khi con ngồi xử kiện, có người đôi khi nói ngắt lời của con. Và con không có dịp để nói: “Này quý vị, chớ có ngắt lời nói của ta, khi ta đang ngồi xử kiện. Quý vị hãy chờ cho đến khi ta nói xong”(47). Sự thú nhận đó đã minh chứng rằng, việc tự do ngôn luận đã có mặt và thể hiện rất thông thoáng ngay trong thời Phật.
Trong kinh điển Phật giáo còn đề cập đến nhiều quyền cơ bản của con người. Những quyền vừa nêu tuy mang tính sơ khai nhưng xét riêng về thời điểm lịch sử, thì mang tính tiên phong trong lịch sử tư tưởng chính trị xã hội. Điều đáng lưu ý là những quyền cơ bản của con người vừa phân tích ở trên, đều có mặt trong hiến pháp của các quốc gia trên thế giới và ngay cả của Việt Nam.
3- Phòng tránh những hạn chế thường gặp của nhà nước
Nhà nước như một cơ thể. Để cơ thể khỏe mạnh thì cần phải ngăn ngừa và loại trừ những nguy cơ bệnh tật. Có vài hạn chế thường phát sinh trong bộ máy nhà nước cần phải nhận thức thấu đáo, để cho bộ máy lãnh đạo được trong sạch, nghiêm minh, hầu đem lại lợi ích cho bản thân nhà lãnh đạo và số đông dân chúng.
Một trong những hạn chế thường gặp đầu tiên là vấn đề tham nhũng. Tham nhũng là cơn bệnh trầm kha xuất hiện rất sớm trong bộ máy lãnh đạo nhà nước. Trong kinh Tiểu bộ đã ghi nhận trường hợp đầu tiên về việc tham nhũng của vua Kosala khi nhận của đút lót một trăm ngàn đồng từ một giáo phái. Biết được điều này, Đức Phật đã tận tình khuyên bảo: Thưa Ðại vương, các vua thuở trước đã nhận của hối lộ, do đó gây ra sự đấu tranh giữa các vị có giới đức, nên đã mất chủ quyền nước mình và gặp đại nạn(48).
Khi có quyền thế trong tay nhưng tâm tư dung dưỡng tư dục, thì giới quan chức thường nhũng nhiễu công dân để mưu cầu tài lợi. Theo kinh Bại vong, đó là con đường sớm nhất dẫn đến suy kiệt, tiêu vong: Ðàn bà, hay đàn ông/ Rượu chè, tiêu hoang phí/ Ðược địa vị quyền thế/ Chính cửa vào bại vong(49).
Trong sự vận hành của bộ máy nhà nước, khi uy quyền được sử dụng đúng chỗ và đúng lúc thì tạo nên sự bình an và vững chãi cho xã hội. Trong một số trường hợp, uy quyền bị lạm dụng nhằm thực hiện cho một ý đồ riêng tư nào đó thì sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ. Đây cũng là một hạn chế thường gặp trong bộ máy công quyền. Trong năm thứ quyền lực được ghi nhận trong kinh Tiểu bộ(50), thì sử dụng quyền lực đúng chỗ đem đến sự thịnh trị cho quốc gia và bình an cho tất cả mọi người.
Cuối cùng, đoàn kết nội bộ, nhất là đoàn kết trong tầng lớp lãnh đạo có ý nghĩa tồn vong cho quốc gia, dân tộc. Họp mặt trong đoàn kết và chia tay trong đoàn kết là dấu hiệu của một cơ thể nhà nước sung mãn. Đây là một trong bảy pháp quan trọng mà từ xưa Đức Phật đã dạy cho dân Vajji để được sung mãn và cường thịnh(51). Không biết đoàn kết nội bộ sẽ tạo ra những ẩn họa nguy hiểm từ bên trong. Khi bên trong không đoàn kết, khi giai tầng lãnh đạo chia rẽ rã rời, thì dù không có bất cứ sự tác động nào từ bên ngoài, tổ chức ấy cũng tự mình đi đến suy vong.
Có thể nói, tham nhũng, lạm quyền và mất đoàn kết nội bộ là ba nguy cơ làm suy giảm khả năng lãnh đạo của quân vương, của nhà nước. Thấy rõ những nguy cơ này và hoàn thiện tổ chức, là tiền đề dẫn đến mọi sự thành tựu trong công việc quản lý và điều hành quốc gia.
Thay lời kết
Tuy không đặt nhiều chú trọng, quan tâm đến lãnh vực chính trị xã hội, mặc dù vậy trong thực tiễn giáo hóa chúng sanh nói chung, Đức Phật đã thể hiện những luận điểm sắc bén về nhà nước, về chính quyền mà ở đây là mối quan hệ giữa nhà nước và công dân.
Theo Đức Phật, công dân và nhà nước có mối quan hệ thâm thiết với nhau và mỗi bên đều có những trách nhiệm và bổn phận tương ứng. Sự chu toàn về bổn phận và trách vụ của mỗi bên là dấu hiệu tích cực của một xã hội thăng tiến và nhân bản. Trong điều kiện giới hạn của bối cảnh lịch sử, những quan điểm liên quan đến chính trị xã hội đã được Đức Phật ghi nhận, phát hiện và đề xuất từ hàng ngàn năm trước, như quan điểm về nhà nước lý tưởng, cai trị dân bằng pháp (Dhamma), quan điểm về tự do, bình đẳng… vẫn mang một ý nghĩa thời đại. Vì lẽ khát vọng về hạnh phúc, về bình đẳng và tự do luôn là khát vọng muôn đời, mà nhân loại ngày nay vẫn đang trong nỗ lực kiện toàn và hướng tới.
Chú thích
(1) Kinh Tăng chi, chương Bốn pháp, phẩm Nghiệp công đức, kinh Phi pháp. Xem thêm, Kinh Tiểu bộ, chuyện Tiền thân Đức Phật, tập 6, chuyện Khuyến dục quốc vương, số 334.
(2) Kinh Trường bộ, kinh Đại bát Niết-bàn, tụng phầm 1, số 16. Xem thêm, kinh Tăng chi, chương Bảy pháp, phẩm Vajji, kinh Tại Sarandada.
(3) Kinh Trường bộ, tập 2, kinh Chuyển luân Thánh vương sư tử hống, số 26.
(4) Kinh Trường bộ, kinh Khởi thế nhân bổn, số 27.
(5) Kinh Trường bộ, tập 2, kinh Chuyển luân Thánh vương sư tử hống, số 26.
(6) Jean Jacques Rosseau, The Social Contract and Discourses, London: J.M. Dent & Sons Ltd., 1952, p.4.
(7) Kinh Trường bộ, kinh Khởi thế nhân bổn, số 27.
(8) Kinh Trường bộ, kinh Đại bát Niết-bàn, tụng phầm 1, số 16.
(9) Kinh Tăng chi, chương Bốn pháp, phẩm Nghiệp công đức, kinh Bốn nghiệp công đức.
(10)大 正 新 脩 大 藏 經 第 三 冊 No. 159, 大 乘 本 生 心 地 觀 經, 卷 第 二, 卷 第 三.
(11) Kinh Tăng nhất A-hàm, bản dịch của Hòa thượng Thích Thanh Từ, tập 2, phẩm Đẳng kiến, xem thêm kinh Duy lâu lặc vương, bản dịch của Thiền sư Nhất Hạnh; Tích truyện Pháp cú, phẩm Hoa, bản dịch của Viên Chiếu; kinh Tiểu bộ, tập, Chuyện Tiền thân Đức Phật, chuyện Sala, cổ thụ cát tường, số 465.
(12) Kinh Trung bộ, tập 2, kinh Dhananjani, số 97.
(13) Kinh đã dẫn.
(14) Kinh Tương ưng, tập 5, chương 11, phần a, Tương ưng dư lưu, kinh Các người thợ mộc.
(15) Kinh Tiểu bộ, tập 6, chuyện Tiền thân Đức Phật, chuyện Mũi tên, số 265.
(16) Cullavagga, chương Bảy, Chia rẽ hội chúng, Câu chuyện Mahānāma và Anuruddha dòng Sākya, công việc gia đình, đoạn 337. Bản dịch tiếng Việt của Tỳ-kheo Indacanda.
(17) Mahavagga, chương Trọng yếu, tụng phẩm thứ tám, Không nên cho xuất gia binh sĩ của đức vua, đoạn 102. Bản dịch tiếng Việt của Tỳ-kheo Indacanda.
(18) Kinh Tương ưng, tập 1, chương Một, Tương ưng chư thiên, phẩm Thiêu cháy, kinh Trồng rừng.
(19) Cullavagga, chương Sàng tọa, thứ 6, tụng phẩm thứ hai, từ đoạn 241-256. Bản dịch tiếng Việt của Tỳ-kheo Indacanda.
(20) Kinh Trung bộ, tập 2, kinh Ưu Ba Ly, số 56
(21) Kinh Tăng chi, chương Tám pháp, phẩm Lớn, kinh Tướng quân Siha.
(22) Kinh Tiểu bộ, tập 6, chuyện Tiền thân Đức Phật, chuyện Con heo rừng của thợ mộc, số 283.
(23) Kinh Tiểu bộ, chuyện Tiền thân Đức Phật, chuyện Lộc vương hoan hỷ, số 385. Chuyện Hiếu tử Sama, số 540. Chuyện Đại vương Janasandha, số 468. Chuyện Đại thiên nga, số 534. Xem thêm, kinh Tăng nhất A-hàm, quyển số 42, kinh số 7. 大 正 新 脩 大 藏 經 第 三 十 二 冊 No. 1673 勸 發 諸 王 要 偈, 龍 樹 菩 薩 撰.
(24) Kinh Trung bộ, tập 2, kinh Vasettha, số 98.
(25)大正新脩大藏經第三十二冊 No. 1674 龍樹菩薩勸誡王頌.
(26) Kinh Tiểu bộ, chuyện Tiền thân Đức Phật, tập 6, chuyện Khuyến dụ quốc vương, số 334.
(27) Kinh Trường bộ, kinh Khởi thế nhân bổn, số 27.
(28) Kinh Tiểu bộ, chuyện Tiền thân Đức Phật, chuyện Lời giáo giới cho vua, số 151.
(29) Phramahachanya Khongchinda, The Buddha’s Socio-Political Ideas, New Delhi: Navrang, 1993, p. 109.
(30) Kinh Trường bộ, kinh Đại bát Niết-bàn, tụng phầm 1, số 16. Xem thêm, kinh Tăng chi, chương Bảy pháp, phẩm Vajji, kinh Tại Sarandada.
(31) kinh Tăng nhất A-hàm, quyển số 42, kinh số 7, bản dịch của Tuệ Sỹ.
(32) Kinh Tiểu bộ, chuyện Tiền thân Đức Phật, chuyện Đại vương Janasandha, số 468.
(33)大 正 新 脩 大 藏 經 第 三 十 二 冊 No. 1674 龍 樹 菩 薩 勸 誡 王 頌.
(34) Kinh Trung bộ, tập 2, Đại kinh giáo giới La Hầu La, số 62.
(35) Kinh Tăng chi, chương Bốn pháp, phẩm Nghiệp công đức, kinh Phi pháp. Xem thêm, Kinh Tiểu bộ, chuyện Tiền thân Đức Phật, tập 6, chuyện Khuyến dục quốc vương, số 334.
(36) Jatava, Philosophies of the Buddha and Marx, New Delhi: National Publishing House, 1998, p.122.
(37) Phramahachanya Khongchinda, The Buddha’s Socio-Political Ideas, New Delhi: Navrang, 1993, p.161.
(38) Kancha Ilaiah, God as a Political Philosopher: Buddha’s Challenge to Brahminnism, New Delhi: Mumbai, 2001, p.122.
(39) Ibid., p.148.
(40) Kinh Tăng chi, chương Tám pháp, phẩm Gotami, kinh Dìghajanu, Người Koliya.
(41) Kinh Tiểu bộ, kinh Tập, kinh Đại hạnh phúc.
(42) Kinh Trường bộ, tập 2, kinh Giáo thọ thi ca la việt, số 31.
(43) Kinh Tương ưng, tập 1, chương Ba, tương ưng Kosala, phẩm thứ hai, kinh Không con.
(44) Kinh Trường bộ, kinh Đại bát Niết-bàn, tụng phầm 1, số 16. Xem thêm, kinh Tăng chi, chương Bảy pháp, phẩm Vajji, kinh Tại Sarandada.
(45) Kinh Trung bộ, tập 1, kinh Saleyyaka, số 41.
(46) Kinh Trường bộ, kinh Đại bát Niết-bàn, tụng phầm 1, số 16. Xem thêm, kinh Tăng chi, chương Bảy pháp, phẩm Vajji, kinh Tại Sarandada.
(47) Kinh Trung bộ, tập 2, kinh Pháp trang nghiêm, số 89.
(48) Kinh Tiểu bộ, chuyện Tiền thân Đức Phật, chuyện Vua Bharu, số 213.
(49) Kinh Tiểu bộ, kinh Tập, kinh Bại vong.
(50) sKinh Tiểu bộ, chuyện Tiền thân Đức Phật, chuyện Ba con chim, số 521.
(51) Kinh Trường bộ, kinh Đại bát Niết-bàn, tụng phầm 1, số 16. Xem thêm, kinh Tăng chi, chương Bảy pháp, phẩm Vajji, kinh Tại Sarandada