Nên làm gì khi mạng người còn trong hơi thở?

Thứ hai - 03/03/2014 20:12
Con người sở dĩ quá tham lam, hung hăng và ích kỷ bởi họ chìm đắm trong giấc mơ trường cửu, không thấy được sự mong manh, tạm bợ của kiếp người.
Chỉ cần họ nhận ra một thoáng vô thường phù du thôi cũng đã giảm thiểu khổ đau do tranh danh, đoạt lợi. Nhân loại sẽ bớt khổ và thương nhau hơn nếu biết bình tâm nhìn lại chính mình, không có gì chắc chắn cả, ta và của ta cũng chỉ là bọt nước, là hoa đốm chợt còn chợt mất giữa hư không.

Một thời, Thế Tôn trú ở Nàdika, tại Ginjakàvasattha. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ kheo:

Niệm chết, này các Tỷ kheo, được tu tập, làm cho sung mãn, có quả báo lớn, có lợi ích lớn, nhập vào bất tử. Các Thầy hãy tu tập niệm chết.

Này các Tỷ kheo, các Thầy tu tập niệm chết như thế nào?

Bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: “Mong rằng ta sống ngày và đêm tác ý đến lời dạy của Thế Tôn”.

Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: “Mong rằng ta sống trọn ngày tác ý đến lời dạy của Thế Tôn”.

Bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: “Mong rằng cho đến khi nào ta còn ăn đồ ăn khất thực, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn”.

Ở đây, bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: “Mong rằng cho đến khi nào ta còn ăn một miếng đồ ăn, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn”.

 Bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: “Cho đến khi nào, sau khi thở vào, ta thở ra hay sau khi thở ra, ta thở vào, cho đến khi ấy, ta tác ý đến lời dạy của Thế Tôn”. Như vậy, bạch Thế Tôn, con đã làm nhiều như vậy, tu tập niệm chết như vậy.

Này các Tỷ kheo, các Thầy cần phải tu học như sau: “Hãy sống không phóng dật, tu tập một cách sắc sảo niệm chết để đoạn tận lậu hoặc”.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 6, phẩm Cần phải nhớ, phần Niệm chết [1], VNCPHVN ấn hành 1996, tr.45).

 
LỜI BÀN
Con người sống trên đời, ngoài hoài niệm quá khứ họ thường nghĩ đến tương lai. Một viễn cảnh tốt đẹp hơn sẽ đến với ta là niềm an ủi, hy vọng của nhiều người. Điều trớ trêu là chưa biết các viễn cảnh ấy có xảy ra đúng như mong ước hay không nhưng chắc chắn một điều sẽ đến dù chúng ta không hề mong đợi, đó là cái chết.

Có tiêu cực chăng khi nghĩ rằng ta sẽ chết? Làm sao vui sống khi không biết ngày mai và một cái chết mà không hẹn trước? Nhưng oái ăm thay điều ấy lại là sự thật, một sự thật phũ phàng của thân phận con người. Vì thế, đối diện với sự thật dù đó là mất mát và tang thương thì không có gì bi quan và tiêu cực cả mà có thể làm cho con người sống tích cực hơn.

Con người sở dĩ quá tham lam, hung hăng và ích kỷ bởi họ chìm đắm trong giấc mơ trường cửu, không thấy được sự mong manh, tạm bợ của kiếp người. Chỉ cần họ nhận ra một thoáng vô thường phù du thôi cũng đã giảm thiểu khổ đau do tranh danh, đoạt lợi. Nhân loại sẽ bớt khổ và thương nhau hơn nếu biết bình tâm nhìn lại chính mình, không có gì chắc chắn cả, ta và của ta cũng chỉ là bọt nước, là hoa đốm chợt còn chợt mất giữa hư không.

Đối với tuệ giác của Thế Tôn thì thọ mạng con người chỉ ngắn bằng hơi thở. Thở ra mà còn hít vào được thì biết rằng ta còn sống, còn nếu chỉ thở ra thôi và yên lặng thì xong một đời. Khi đã nhận thức được mạng người chỉ trong hơi thở, vậy thì phải làm ngay những việc cần làm, không chậm trễ, không hứa hẹn và cũng chẳng có gì quý giá hơn nữa để bám víu và tham đắm. Duy trì được sự quán niệm vô thường về thân mạng, con người sẵn sàng thông cảm, tha thứ, mở rộng vòng tay… Do vậy, quán chiếu về sự chết để an nhiên trong cuộc sống là một tuệ giác không thể thiếu trong mỗi người con Phật.

Tác giả bài viết: Thích Quảng Tánh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây