Vọng ngữ tồn tại ở khắp nơi và rất nguy hiểm
Theo quan niệm của đạo Phật thì vọng ngữ tồn tại ở bốn hình thức, đó là: nói dối, nói thêu dệt, nói hai lưỡi và nói ác khẩu. Do đó, đức Phật đã chế ra giới thứ tư (không nói vọng ngữ - PV) cho hàng đệ tử của mình. Sở dĩ đức Phật chế ra giới này bởi để tôn trọng sự thật; nuôi dưỡng lòng từ bi; bảo tồn sự trung tín trong xã hội và tránh nghiệp báo đau khổ.
Tuy nhiên, ngày nay có các phương tiện truyền thông như: báo chí, truyền hình, internet... nếu vận dụng “khéo léo” thì sức mạnh của vọng ngữ sẽ không có giới hạn và dẫn đến nhiều hậu quả nặng nề. Một người thường xuyên đọc báo mạng, chị Trần Hồng Vân (Ngân hàng BIDV tại Hà Nội) chia sẻ: “Hiện nay có những tờ báo đăng tải thông tin sai sự thật, nhiều tình tiết đặt ra từ sự tưởng tượng và suy diễn của tác giả. Điều đó, khiến cho người đọc nửa tin, nửa ngờ. Hoặc là nhiều thông tin về sự hủy diệt của trái đất, bệnh tật, thiên tai... chỉ là “phỏng đoán” đã làm cho người dân hoang mang, thậm chí là bất ổn cả về tinh thần. Như vậy, vọng ngữ cũng là một hành động ăn cướp... trắng trợn”.
Với cuộc sống gia đình thì vấn đề vọng ngữ cũng đang trở nên gay gắt. Cô Vũ Thị Hạnh (huyện Từ Liêm - Hà Nội) cho hay: “Hiện nay, ở khu dân cư nơi tôi ở, có nhiều cặp vợ chồng hay mẹ chồng nàng dâu hoặc con cái đánh chửi, cãi lộn lẫn nhau. Chỉ vì ăn nói “cá mè một lứa” hoặc “cá vượt quá đăng”, gây ra nhiều xì xào trong hàng xóm, láng giềng”.
Trên thực tế, vọng ngữ không chỉ tồn tại trên phương tiện truyền thông, gia đình mà ngay với nhiều cơ sở thờ tự cũng vậy, nhất là chùa chiền. Một người đến chùa nào đó, về nhà có vọng ngữ “tâng bốc” nói nơi đó linh thiêng, ứng hiện lắm. Điều này, dẫn đến việc mọi người đổ xô, chen lấn về chùa đó để cầu khấn, van xin. Trong khi đó, chùa nào mà chẳng thờ Phật, Phật nào mà chẳng như nhau.
Giáo lý nhà Phật dạy rằng: “Nếu như không phải do chính mình thấy nghe, có tội chứng xác thực mà chỉ nghe người ta nói hoặc tự mình nói ra điều không đúng thì người ấy sẽ phạm tội phỉ báng”.
Đôi khi cũng nên vọng ngữ nhưng vì lòng... từ bi
Mặc dù, hậu quả của việc nói vọng ngữ là khôn lường, tuy nhiên, xét về tình thì có một số trường hợp chúng ta cũng nên vọng ngữ nhưng vì lòng từ bi để cứu người, cứu vật... có như vậy mới không bị phạm lỗi. Là bác sĩ tại bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chị Lương Hằng tâm sự: “Nhiều trường hợp có kết quả rất xấu nhưng các bác sĩ phải nói dối sự thật với người nhà bệnh nhân. Bởi nhiều người nhà do sức khỏe không tốt nên nếu báo tin sự thật ngay thì họ sẽ bị... chấn động”. Đây là một hành động vì lòng nhân đạo của những lương y. Họ nói dối không phải để tham cầu điều gì xấu xa mà là mong cầu cho người nhà bệnh nhân tại thời điểm đó được yên lòng mà thôi.
Trong cuộc sống, đôi lúc có những tình huống khó xử xảy ra, đòi hỏi chúng ta phải có trí tuệ, có sự khôn ngoan. Mọi việc phải xử sự một cách khéo léo nhằm giữ được thiện pháp của chính mình và đồng thời không gây tổn hại cho chúng sinh khác.
Trên tinh thần từ bi của nhà Phật thì hiện nay, có rất nhiều các bạn trẻ, đi học đã trích một phần tiền bố mẹ cho để làm từ thiện. Tiếp xúc với em Nguyễn Thu Trang (trường cấp 2 Nam Trung Yên - Cầu Giấy), em có chia sẻ là mỗi sáng, mẹ cho 10.000 đồng ăn sáng nhưng em ăn có 7.000 đồng, giữ lại 3.000 đồng để bỏ vào lợn đất. Có dịp quyên góp làm từ thiện em lấy số tiền ấy để ủng hộ.
Hay trong chuyến đi thực tế tại một ngôi chùa, PV Kienthuc.net.vn đã chứng kiến được câu chuyện của chú tiểu và sư thầy. Sư thầy phải đi giải quyết công việc quan trọng ở nơi xa. Trong thời gian sư thầy đi vắng, nhà chùa bị kẻ trộm lấy cắp chiếc xe máy. Chú tiểu không thông báo cho sư thầy ngay vì sợ sư thầy phân tâm. Sau ba ngày sư thầy trở về chùa, chú tiểu mới dám nói sự thật với thầy.
Như vậy, vọng ngữ đôi khi không có hại nhưng cũng phải tùy vào từng hoàn cảnh mà chúng ta “phá giới”. Bởi đức Phật có dạy: “Nếu con người có thể kiểm soát được cái lưỡi không xương của mình thì nhân loại chẳng những tránh được bao nhiêu phiền phức rối ren và đau khổ mà đời sống trên thế gian này cũng được tốt đẹp, thoải mái dễ chịu, đáng được sống hơn bao nhiêu”.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự