Họ coi Phật Giáo như bi quan, nuôi dưỡng thái độ vô vọng
về cuộc đời, khuyến khích một cảm giác mơ hồ chung chung cho rằng đau khổ và tội
lỗi chiếm ưu thế trong mọi công việc của con người. Những lời chỉ trích này căn
cứ vào cái nhìn của họ về Tứ Diệu Đế là mọi sự vật do duyên sinh đều trong trạng
thái đau khổ.
Hình như những người này quên rằng không những Đức Phật dạy nguyên nhân và sự chấm dứt khổ đau, mà Ngài còn dạy con đường để chấm dứt khổ đau. Trong bất cứ tôn giáo nào, thử hỏi có một đạo sư nào ca tụng cuộc đời trần tục và khuyên ta bám níu vào nó không?
Nếu Đức Phật, người khai sáng ra tôn giáo này là một người bi quan thì ắt hẳn họ muốn cá tính này phải được vẽ đậm nét hơn là trong chân dung đã có của Ngài. Hình ảnh của Đức Phật là hiện thân của Hòa Bình, Tịch Tịnh, Hy Vọng và Thiện Chí. Nụ cười rạng rỡ và lôi cuốn của Đức Phật mà có người cho là bí hiểm và khó hiểu, chính là cái toát yếu của giáo lý của Ngài. Với những ai lo lắng và thất vọng, nụ cười giác ngộ và hy vọng của Ngài là liều thuốc bổ hiệu nghiệm và là niềm an ủi vô song.
Tình thương, lòng từ bi của Ngài tỏa khắp bốn phương. Một con người như vậy khó có thể là một kẻ bi quan. Khi các vua và hoàng tử chiến thắng bằng gươm đao, tưởng mình là hạnh phúc, được nghe lời giảng của Ngài, đã thức tỉnh và nhận thức được người chiến thắng thực sự chính là kẻ tự thắng lấy mình và con đường đắc nhân tâm là làm sao dạy cho người dân biết quý Phật Pháp - Chân Lý.
Đức Phật vận dụng tinh thần hài hước cao độ khiến những người chống đối gay gắt Ngài cũng phải bó giáo một cách hết sức là thoải mái. Đôi khi họ không nhịn được cười chính họ. Đức Phật có một loại thuốc bổ tuyệt diệu: Ngài tẩy sạch hệ thống độc tố nguy hiểm của họ và họ trở nên vui vẻ, hứng thú theo gót chân Ngài. Trong những thời giảng Pháp, đối thoại hay bàn luận, Ngài luôn luôn giữ được tư thế đĩnh đạc và uy nghi khiến mọi người đều kính trọng và cảm mến Ngài. Làm sao một người như vậy là một kẻ bi quan được?
Đức Phật chẳng bao giờ muốn các đệ tử của Ngài phải băn khoăn lo lắng về cái đau khổ của cuộc đời và sống cuộc đời nghèo khổ bất hạnh. Ngài dạy sự thật của khổ đau và chỉ cách thức thoát khỏi khổ đau để tiến tới hạnh phúc. Muốn trở thành người giác ngộ, ta phải hoan hỷ, một trong những yếu tố cần thiết mà Đức Phật khuyên nhủ phải trau dồi. Hoan hỷ thì khó mà bi quan.
Có hai cuốn Kinh Phật Giáo, Theragatha và Therigatha (Trưởng lão tăng kệ và Trưởng
lão ni kệ), chứa đầy những lời thật hoan hỷ của đệ tử Phật, phía nam cũng như
phía nữ, tìm thấy an lạc và hạnh phúc trong cuộc sống nhờ giáo lý của Ngài.
Vua
Kosola có lần thưa với Đức Phật: "Không giống như tín đồ của các hệ thống
tôn giáo khác, trông họ hốc hác, thô lỗ, xanh xao, èo uột không gây thiện cảm,
đệ tử của Đức Phật vui vẻ, phấn chấn, hớn hở, cởi mở, vui sống cuộc đời đạo lý,
thanh thoát, an lạc, tâm trí linh hoạt, thư thái.
Vị Vua này còn thêm là ông tin rằng tính tình lành mạnh đó là do sự kiện "các vị tăng khả kính này chắc chắn đã chứng nghiệm được ý nghĩa cao cả và trọn vẹn Giáo Pháp của Đấng Thiên Thệ (Majjhima Nikaya - Trung Bộ Kinh).
Khi đưọc hỏi tại sao những môn đồ của Ngài sống một đời đạm bạc và trầm lặng, ngày chỉ ăn một bữa, mà sắc diện lại tươi sáng như thế. Đức Phật trả lời:
"Họ không nuối tiếc dĩ vãng, và cũng không lo lắng cho tương lai. Họ sống trong hiện tại. Vì thế họ rạng rỡ sáng tươi. Băn khoăn về tương lai, tiếc nuối quá khứ, kẻ thiểu trí sẽ khô héo như đám lau xanh bị phát ngang dưới ánh nắng mặt trời". (Samyutta Nikaya - Tương Ưng Bộ Kinh)
Là một tôn giáo, Đạo Phật dạy bản chất về bất-toại-nguyện của mọi sự vật trên
thế giới. Tuy vậy chúng ta không thể đơn giản xếp loại Đạo Phật là một tôn giáo
bi quan, vì Đạo Phật cũng dạy ta làm sao loại bỏ được bất hạnh này. Theo Đức Phật,
ngay đến kẻ tội lỗi nhất, sau khi đền tội đã làm cũng có thể đạt giải thoát.
Đạo Phật hiến cho mọi người niềm hy vọng đạt được giải thoát một ngày nào đó. Tuy nhiên các tôn giáo khác cho rằng đương nhiên những người xấu thì sẽ xấu mãi mãi và địa ngục vô gián đang chờ đợi họ. Về mặt này, những tôn giáo như vậy mới thật là bi quan. Người Phật Tử không chấp nhận cách tin tưởng như vậy.
Đạo Phật không lạc quan mà cũng chẳng bi quan. Đạo Phật không khuyến khích con
người nhìn đời qua cảm nghĩ luôn thay đổi lạc quan rồi bi quan của họ. Đúng hơn
Đạo Phật khuyến khích chúng ta phải thực tế: Chúng ta phải tập nhìn sự vật đúng
chúng là như vậy.
Tác giả bài viết: Thích Tâm Quang (dịch)
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự